6.000 USD + 6 tháng chờ = tiến sĩ

06:52 | 05/09/2013

1,145 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi các cơ quan chức năng trong nước đang chật vật khắc phục vấn nạn “bằng giả nội địa” thì mối nguy cơ khác trong cùng lĩnh vực bằng cấp đã xuất hiện. Đó là những loại bằng giả được các tổ chức ngụy khoa học ở nước ngoài “chế biến” rất tinh vi. Theo một số chuyên gia giáo dục, rất khó phát hiện bằng “rởm” cao cấp có nguồn gốc nước ngoài vì thiếu thông tin…

Bằng gốc ngoại mua giá cao

Trong tháng 7/2013, ông Dương Phan Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) đã bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ có nguồn gốc nước ngoài nhưng… chưa bao giờ học nghiên cứu sinh. Qua tìm hiểu, bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường được cấp từ Liên minh các Viện Hàn lâm quốc tế (IIU-the International Interacademy Union), tên viết tắt là MMC. Theo báo chí Nga, Viện MMC không được phép cấp các loại văn bằng tiến sĩ và phó tiến sĩ, những văn bằng đã cấp hoàn toàn  không có giá trị.

Hiện nay, việc sở hữu một tấm bằng có nguồn gốc nước ngoài rất dễ dàng

Ngay sau khi thành lập từ năm 1996, MMC đã “đẻ” ra hai tổ chức thành viên có tên là BMAK (Hội đồng Giám định cao cấp) và BEKK (Hội đồng Chứng nhận chuyên gia cao cấp). MMC tự trao cho hai hội đồng này quyền trao bằng cấp phó tiến sĩ (tương đương tiến sĩ ở Việt Nam) và tiến sĩ (tiến sĩ khoa học ở Việt Nam) cũng như phong học hàm giáo sư, phó giáo sư cho những người có nhu cầu. Từ khi ra đời cho đến ngày bị khai tử ở Nga BMAK đã cấp bằng phó tiến sĩ và tiến sĩ cho không dưới 20.000 người, trong đó có cả công dân của Việt Nam và Malaysia. Bằng tiến sĩ rởm cao cấp có giá khoảng 6.000USD và thời gian chờ đợi 6 tháng. Để lừa đảo, MMC tạo ra các văn bằng giống hệt so với các văn bằng chính thức (phó tiến sĩ, tiến sĩ) đã được Hội đồng Chứng nhận tối cao Bộ Giáo dục và Khoa học liên bang Nga - BAK, ban hành.

Theo luật liên bang về khoa học và công nghệ quốc gia số 29.12.2000 - 168-ФЗ do Duma quốc gia thông qua cuối năm 2000, tại Liên bang Nga, chỉ có Hội đồng Chứng nhận tối cao thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nga là được quyền công nhận các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học. Một tài liệu của Duma Quốc gia Nga cho thấy, từ năm 2001 Hội đồng Chứng nhận học viên cao cấp BMAK của MMC đã không còn được phép hoạt động.

Dư luận cán bộ Trường ĐH Chu Văn An, trong hồ sơ lý lịch của ông Dương Phan Cường, thời gian ông làm nghiên cứu sinh là năm 2002-2005. Đây là lúc ông đang đảm nhiệm hai chức vụ: Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Hưng Yên, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường trung học Kỹ nghệ và Kinh tế Hưng Yên. Như vậy, không biết ông Cường làm nghiên cứu sinh bằng cách nào?

Ngăn chặn nguy cơ dùng bằng giả

Để chống lại nạn bằng giả gốc ngoại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT quy định về trình tự công nhận văn bằng của người Vịệt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp với những yêu cầu khá chi tiết. Trong đó có việc phải làm đơn xin công nhận văn bằng và phải nộp luận án tại Thư viện Quốc gia... Năm 2010, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký hiệp định về văn bằng chuẩn quốc gia, theo đó hai bên “cung cấp cho nhau tất cả các mẫu, văn bằng chuẩn quốc gia về giáo dục và học vị khoa học được cấp tại hai nước”.

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra văn bản khiến nhiều người quan tâm, về việc công nhận các loại văn bằng cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài. Theo đó, bổ sung quy định về phí công nhận văn bằng, người đề nghị công nhận văn bằng phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.

MMC đã cấp loại bằng này cho gần 20.000 người, trong đó có cả các công dân Việt Nam

Ngoài các giấy tờ quy định, người có văn bằng (đã học ở nước ngoài) cần gửi kèm theo hồ sơ minh chứng thời gian học ở nước ngoài, gồm một trong các tài liệu liên quan như: xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; bản sao hợp lệ hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; minh chứng đã đăng ký vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh của Bộ.

Bộ cũng cho hay, thủ tục công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ, Bộ GD&ĐT quy định sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ, nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Việc yêu cầu công nhận văn bằng là việc của cá nhân, ai có nhu cầu thì xin công nhận, ai không có nhu cầu Cục cũng không ép buộc. Nếu muốn được công nhận văn bằng bắt buộc cá nhân đó phải đảm bảo cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ có liên quan để làm thủ tục được công nhận. Dựa vào hồ sơ của người cần cấp bằng cung cấp, Cục sẽ xem xét và công nhận văn bằng cho họ”.

Như vậy, cho đến nay Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng vẫn chưa có các công cụ và chế tài đủ mạnh để răn đe những người sử dụng văn bằng rởm có nguồn gốc nước ngoài.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cũng nêu vấn đề khác, rất đáng quan tâm: “Vấn đề bằng cấp tại Việt Nam hiện nay đã rất đáng lo ngại. Bộ GD&ĐT cần tăng cường thông tin tuyên truyền về nguyên tắc xem xét bằng cấp nước ngoài chứ không phải người dân mất tiền mang về thì mới xem xét thừa nhận hay không. Đồng thời Bộ nên có thêm thông tin về các trường đại học ở nước ngoài, tránh việc học viên thiếu thông tin, tốn tiền ra nước ngoài chỉ để học ở những trường kém chất lượng”.

Khi phát hiện người dùng văn bằng “rởm” hoặc gian lận bằng cấp, đương sự mới chỉ bị cách chức hoặc bị phê bình cảnh cáo, chưa thấy ai bị xử lý hình sự. Do vậy, nhiều cá nhân sử dụng văn bằng “rởm” vẫn có cơ hội “đùa giỡn” với pháp luật. Một số người sử dụng văn bằng “rởm” đang là cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, trong các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các trường đại học.

Giải quyết “vấn nạn” bằng rởm như thế nào? Câu trả lời duy nhất lúc này là phải xử lý hình sự, phải có những hình thức răn đe để kẻ sử dụng bằng rởm biết sợ. Bằng rởm sinh ra quan chức rởm, quan chức rởm sinh ra tham nhũng thật, đấy là con đường tất yếu. Nhà nước cần yêu cầu tất cả những người sở hữu các bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ do các cơ sở tư nhân nước ngoài cấp phải làm thủ tục thẩm định, công nhận. Những văn bằng không được công nhận sẽ bị coi là không hợp chuẩn và phải bị tiêu hủy.

Nhã Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc