Xin đừng làm việc rỗi hơi!

11:00 | 03/11/2013

921 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để tôn vinh dân tộc, để tự hào với thế giới, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, chứ đâu chỉ quẩn quanh ở "tấm áo, manh quần"!

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi Thiết kế lễ phục nhà nước để lựa chọn ra mẫu thiết kế quốc phục và phải đảm bảo đủ các yếu tố: “Mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước”.

Khoan nói đến việc các mẫu thiết kế được gửi về có chất lượng không cao, không đáp ứng được với yêu cầu “vĩ mô” của Ban tổ chức; chỉ riêng việc phải lựa chọn ra một bộ quần áo được gọi là “quốc phục” cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận và trong chính giới chuyên gia.

Quốc phục cần phải đại diện cho văn hóa, lịch sử của cả một đất nước.

Đã hơn 20 năm kể từ lần đầu tiên Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước (năm 1991) nhưng không thành công vì thiếu sự đồng thuận, cho đến nay việc lựa chọn dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Chính vì vậy mà những ý kiến về việc không cần thiết phải có quốc phục Nhà nước xuất hiện ngày càng nhiều.

Người chọn áo dài, người chọn áo the khăn đóng, người lại cho rằng phải complet … cứ như vậy, dằng dai đã 20 năm với quá nhiều tốn kém về tiền bạc và công sức của chuyên gia lịch sử, xã hội học và của chính những nhà thiết kế. Có lẽ đã đến lúc chúng ta đừng quan tâm quá đến vấn đề quốc phục bởi trên thực tế, không nhất thiết phải có quốc phục, nhiều nước khác cũng không có quy định về quốc phục.

Hơn thế nữa, Việt Nam là quốc gia đa dạng sắc màu văn hóa, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng thể hiện qua những trang phục đa sắc màu, kiểu dáng. Việc lựa chọn quốc phục sẽ làm mất tính đa dạng của văn hóa 54 dân tộc, đồng thời biến việc thiết kế quốc phục trở thành việc làm đầy khiêng cưỡng. Đã gọi là quốc phục thì nó phải thống nhất trong toàn quốc gia, không phân biệt tộc người nào, lẽ đơn giản vì nó là biểu tượng quốc gia chứ không phải biểu tượng tộc người. Tạo ra cái mới chung cho cả quốc gia không dễ gì làm được, vì nó làm mất đi tính đa dạng của văn hóa tộc người của một quốc gia đa dân tộc.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam rộ lên phong trào xây dựng và lựa chọn quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, lễ phục và đại sứ du lịch. Những “phong trào” này đã tốn không ít giấy mực của báo chí và tiền bạc của nhân dân qua các cuộc vận động, thi thố. Tuy nhiên, nhu cầu là một chuyện còn thực thi được trên thực tế là chuyện khác. Đã có thời chúng ta tổ chức thi viết quốc ca nhưng rồi cũng không thành. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm. 

Để tôn vinh dân tộc, để tự hào với thế giới, chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, chứ không chỉ quẩn quanh ở "tấm áo, manh quần"! Hơn nữa, trong bối cảnh cả dân tộc đặc biệt quan tâm và quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực thì với một chương trình đã kéo dài quá lâu như chọn "quốc phục" phải chăng cần xem đó là một hoạt động lãng phí và nên dừng lại!?

Dân tộc nào cũng cần có bản sắc nhưng bản sắc dân tộc không phải là những biểu tượng mang tính hình thức mà chúng ta phải khiêng cưỡng gò ép tạo nên từ ý chí chủ quan. Đặc trưng văn hóa của một dân tộc là trầm tích của tinh thần, là kết quả của một quá trình bồi lắng qua những thăng trầm lịch sử dân tộc đó. Vậy thì việc gì ta cứ phải loay hoay tìm kiếm bằng những cuộc bình chọn hết sức phù phiếm như thế!

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.