Văn hóa toàn “tục”

07:32 | 23/05/2013

1,295 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chưa khi nào vấn đề văn hóa lại đáng báo động như hiện nay. Khi mà những thứ dung tục, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục liên tục được đưa lên phim, sách và cả trong âm nhạc. Khán giả đang thực sự bị đầu độc từ thị giác cho tới cả thính giác. Dịch tục trong “Những thứ họ mang”, hình ảnh phản cảm dung tục trong bộ phim “Hoa nắng”, ca từ tục tĩu không thể chấp nhận trong CD “Thằng Mõ” của Ngọc Đại… Có lẽ, chưa bao giờ các sản phẩm văn hóa lại chứa đựng những cái đi ngược lại bản chất mà văn hóa muốn hướng đến.

Hình ảnh dung tục  lên phim

Chắc khán giả truyền hình chưa thể quên hình ảnh phản cảm “lau rượu” bằng cách “liếm ngực” của hai đôi trai gái trong phim “Hoa nắng”,  được chiếu vào giờ vàng phim Việt trên sóng truyền hình VTV3. Những cảnh phim cực kỳ nhạy cảm xuất hiện trong khung giờ vàng của VTV3 - khi hàng triệu gia đình với các thành viên ở nhiều lứa tuổi, có cả trẻ em, đang ngồi trước màn hình đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Hình ảnh phản cảm còn được diễn lại đến lần thứ 2 và còn được bạn bè ngồi cạnh lấy điện thoại ra quay lại? Nhà đài đã cân nhắc thế nào khi đưa lên sóng những cảnh phản cảm như thế? Họ đang muốn phản ánh đúng thực tế lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay hay hướng dẫn, khích lệ họ sống theo?

Cảnh quay phản cảm trong phim "Hoa nắng"

Điều đáng nói hơn là dường như phim truyền hình Việt ngày càng “thoáng” hơn. Từ những cánh ăn mặc mát mẻ trên phim, hôn hít, cho đến cảnh giường chiếu tràn ngập các màn ảnh... Có những bộ phim mà bố mẹ còn không dám cho con xem vì cảnh “cởi” quá nhiều như “Chuông reo là bắn”. Điểm danh những phim không có các cảnh này có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Trên thực tế, “bạo” và “thoáng” là thực trạng chung của giới trẻ trong chuyện tình cảm. Nhưng liệu đó có phải là cách duy nhất để phản ánh vấn đề đáng báo động này. Cứ nhìn sang các nước bạn thì thấy, phim Hàn, phim Tàu… họ đâu cần những cảnh quay “thoáng, trần trụi” như của ta mà phim vẫn hấp dẫn, lôi cuốn hàng triệu khán giả truyền hình. Cả bộ phim nói về chuyện tình của họ cũng chỉ là một vài lần cầm tay, một hai nụ hôn nhưng khán giả vẫn khóc, cười theo.

Lẽ ra, trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, phim ảnh nói riêng, để phản ánh vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm không nhất thiết phải “trần trụi hóa” đến mức phản cảm như thế. Nó không những không có tính giáo dục mà còn phản ánh thực tế một cách thô thiển, dung tục, không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Chưa kể khung “Giờ vàng” có rất nhiều người xem rất nhiều tại sao không chiếu những phim và chương trình có tính giáo dục cao, nhân văn, khơi gợi nhiều bài học bổ ích…

Sách truyện và ca từ cũng tục tĩu

“Những thứ họ mang” của Tim O’brien, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt chưa bao giờ có khi những ngôn từ chợ búa, chửi bậy tục tĩu được in lên sách. Dù được giải thích là đặt trong ngữ cảnh nhưng văn hóa Việt không thể chấp nhận được những câu văng tục lăng mạ kiểu quá tục tĩu như thế. Từ trước đến nay, với người Việt sách là một vốn quý, mỗi cuốn sách là một thế giới, nuôi dưỡng tâm hồn… Nhưng nói một cách công bằng là không chỉ “Những thứ họ mang” mà trong rất nhiều, rất nhiều những cuốn sách dịch, thậm chí là sách của người Việt bây giờ cũng không hiếm những từ ngữ bậy bạ, tình huống rất gợi dục…

CD "Thằng Mõ 1 - Cái nường 8x" toàn ca từ đồi trụy, thô thiển

Cũng đã có những cuốn sách bị thu hồi vì sách chẳng khác gì phim sex như cuốn “Sợi xích”. Ngôn từ thì vụng về, câu văn ngô nghê, cả cuốn sách chỉ tả về sex, vậy mà cũng được hẳn NXB Hội Nhà văn cho ra đời. Cho dù sau đó sách đã vội bị thu hồi nhưng trước đó hàng vạn bản đã được bán. Ai dám khẳng định những thứ được đưa vào các trang sách đó không có chút nào ảnh hưởng đến bạn đọc trẻ?

Đáng nói hơn nữa là lĩnh vực âm nhạc. Gây xôn xao dư luận gần đây nhất là sự xuất hiện bất ngờ mà chưa được cấp phép của CD “Thằng Mõ 1 - Cái nường 8x” của Nhạc sĩ Ngọc Đại. CD gồm 9 ca khúc do chính Ngọc Đại hát và tự thu âm, trong đó có hai ca khúc cuối có cái tên quá nhạy cảm như: “Khuyến mại tình dục”, “Cái nường 8x”. Không những thế, lời ca khúc, một số bị cho rằng quá dung tục khi thản nhiên kêu gọi “giao hợp đi”, “phóng tinh trùng đi”… Thật sự quá nhảm nhí, thô thiển và đồi trụy.

Sau khi báo chí đưa tin về nội dung đồ trụy trong CD mới của nhạc sĩ Ngọc Đại, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có công văn thu hồi và tiêu hủy CD này sau khi thẩm định lại. Đại diện của Cục khẳng định: “Đây thực sự là một sản phẩm có hại cho đời sống tinh thần, đặc biệt là giới trẻ”. Thế nhưng bất chấp dư luận, Nhạc sĩ Ngọc Đại vẫn đang ấp ủ dự định in thêm 1.000 CD nữa phục vụ cho những người “tò mò” về sức nóng của CD này.

Cơ quan quản lý đóng vai trò gì?

Phim có hình ảnh dung tục, sách có từ ngữ tục tĩu, ca từ trong âm nhạc đồi trụy… đang diễn ra nhan nhản trong đời sống văn hóa hiện nay. Nếu “cảnh nóng” làm nên độ “hot” của một bộ phim, hay những đoạn văn miêu tả chi tiết cảnh “sex” trong một cuốn sách diễm tình mà giới trẻ đang say mê đọc thu hút được sự quan tâm của dư luận, thì những gì dung tục, phản cảm lại tạo ra phản ứng mạnh hơn nữa. Thật sự là nó gây sốc cho dư luận.

Câu dịch trong "Những thứ họ mang"

Công chúng không hiểu tại sao những hình ảnh như thế, câu nói tục tĩu, ca từ thô thiển, lại ngang nhiên xuất hiện trong những sản phẩm văn hóa. Nếu ở CD “Thằng Mõ” của Ngọc Đại, nhạc sĩ tự thu, in rồi tự bán đĩa mà không được cấp phép thì những câu dịch tục trong “Những thứ họ mang” (do Công ty Nhã Nam và NXB Văn học phát hành), cảnh “lau rượu” bằng cách “liếm ngực” được chiếu trên giờ vàng của VTV3 đều qua kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, cơ quan văn hóa…? Và chỉ khi báo chí lên tiếng thì mới bắt đầu có sự giải thích, phân bua?

Liệu có thực bản thân những người có trách nhiệm không nhận ra vấn đề? Hay chỉ vì sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, không kiên quyết mà từ cái sai nhỏ đã dẫn đến cái sai lớn. Lọt được một bộ phim, một cuốn sách, một ca khúc thì sẽ sản sinh ra trăm bộ phim, trăm cuốn sách và hàng trăm ca khúc ra đời mà chỉ khiến cho sự dung tục, phản cảm ngày càng lên ngôi. Các nhà quản lý văn hóa ở đâu khi hiện tượng này ngày xảy ra một nhiều hơn và lặp đi lặp lại. Cách bây giờ họ đang làm là chờ có vi phạm thì sẽ xử lý. Trong lúc đó văn hóa chúng ta đang lao xuống dốc quá nhanh, thậm chí phông văn hóa còn đang ngày càng theo chiều hướng xấu. Cứ làm theo cách các nhà quản lý hiện đang làm thì liệu sau phim, sách, nhạc dung tục, công chúng sẽ còn phải bất ngờ đón nhận những sản phẩm văn hóa “tục” nào nữa?

Linh Chi

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.