Tục ngôn vấy bẩn văn chương!

07:21 | 09/08/2013

1,467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thuộc dạng ngôn ngữ nghệ thuật lại nằm trong một sản phẩm văn hóa mang tính cao quí như sách, việc các tác giả hồn nhiên ném từ ngữ tục tĩu, thô thiển, mất vệ sinh vào tác phẩm là một điều không dễ chấp nhận với đa phần người đọc.

Không ai cấm nhà văn đưa ngôn ngữ bình dân, những lời chửi thề chửi tục, những lời thóa mạ, những ngôn từ, cảnh huống mang màu sắc tính dục vào sách của mình. Tuy nhiên nếu là người cao tay, khéo đặt được những từ đó vào đúng tình huống, ngữ cảnh thì đắc địa, sẽ tạo được yếu tố bất ngờ, thú vị và ấn tượng. Còn ngược lại, sự phản cảm ngoài vòng kiểm soát của tác giả sẽ khiến người đọc bất bình, phản ứng là chuyện đương nhiên.

Gần đây, một số tác phẩm văn học, kể cả sách dịch và sách trong nước đã gây ra các cuộc tranh luận từ các nhà văn, các nhà phê bình và bạn đọc. Nên hay không nên sử dụng những từ quá phô, quá tục?

Ví như tập truyện ngắn "Những thứ họ mang" của Tim O'brien, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Dịch giả Dương Tường nói về việc nên để nguyên từ hay viết tắt những từ tục trong cuốn sách đó như thế này: “Viết tắt những từ nhạy cảm? Tôi nghĩ cũng chả cần, một khi trên thực tế, đó đúng là cách văng tục của đám lính, trong văn cảnh cụ thể và chấp nhận được của nó, như chính tác giả của nó đã mô tả trung thực. Cũng không nên hiểu đường đi của cái đẹp (cũng như cái xấu) trong văn học một cách đơn giản thế. Có cái đẹp mượt mà, óng ả thì cũng có cái đẹp dữ dằn, gồ ghề, miễn sao không khiên cưỡng, gượng ép. Theo tôi, nếu không thực sự nhất thiết thì tốt nhất hãy để người dịch chọn đi đường thẳng hơn là đường vòng. Và Trần Tiễn Cao Đăng - theo tôi - là một dịch giả nghiêm túc, đáng tin cậy!”.

Còn nhà văn Chu Lai thì nói: “Tôi chưa được đọc cuốn sách cũng như chưa đủ điều kiện để đối chiếu với bản gốc, nhưng quan điểm của tôi khi cầm bút là: Bất cứ từ ngữ thô ráp nào (không loại trừ những “khẩu ngữ tính dục”) nếu được đặt đúng văn cảnh và phù hợp với logic tâm lý của nhân vật thì đều rất đắt. Tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của tôi vì thế cũng không ngại ngần né tránh những từ kiểu đó. Có lần, tôi còn được xem nhân vật của NSND Hoàng Dũng (Nhà hát Kịch Hà Nội) văng tục ngay trên sân khấu mà vẫn không hề thấy phản cảm. Vấn đề là anh ta có một hoàn cảnh thích hợp, một cơn cớ đầy tràn để có thể “trớ” ra. Bằng không, thì tốt nhất là nên “chùi” đi để giữ lại sự sang trọng của văn hóa đọc!”. 

Đấy là sự nhìn nhận với một cuốn sách dịch. Còn sách của các nhà văn trong nước có những trang, những từ nhạy cảm thì liệt kê ra không phải ít.

Đó là sự nhìn nhận của những người làm nghề viết. Họ dễ thông cảm hơn. Chưa kể những cuốn sách được cho là có vấn đề sẽ tìm được sự chú ý của độc giả nhanh hơn chính giá trị văn chương của nó. Còn với phần đông bạn đọc vẫn là sự phản ứng vì cho rằng văn hoá Việt không dễ dàng chấp nhận những trang viết quá phô, quá tục, dù bên cạnh là những trang viết rất văn, rất đời.

Tôi đưa ra câu hỏi về khía cạnh có vẻ tế nhị này với một số nhà văn, nhà thơ. Đa phần từ chối (dù với những bài phỏng vấn khác, họ nhiệt tình sôi nổi). Có người bận. Có người ngại. Có nhà văn nói thẳng rằng, vấn đề này khó trả lời lắm. Nói cho hết ý lại đụng chạm nhà văn nọ, nhà thơ kia. Thôi né cho lành! Ừ thì thôi! Nhưng cũng có nhà văn chẳng ngại. Họ thấy thú vị. Và họ trả lời.

P.V: Anh nghĩ sao về vấn đề sử dụng tục ngôn trong các tác phẩm văn học (không phải theo gương Hồ Xuân Hương mà là theo lối đường phố, tục tĩu)?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Mình không quan tâm ngôn ngữ nhà văn lựa chọn là tục hay thanh. Cái quan trọng bậc nhất là đặt đúng ngữ cảnh, đặt đúng nơi, đúng nhân vật thì tục vẫn rất hay. Mình cũng đã sử dụng một số từ tục, thậm chí không thèm viết tắt, nhưng đọc không thấy tục mà thấy sinh động, thấy đúng. Vấn đề là không được lạm dụng. Vấn đề nữa, nhà văn còn có trách nhiệm tạo thêm thứ ngôn ngữ mới bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ cuộc sống, nhưng chính cuộc sống cũng mang tới cho nhà văn phong phú ngôn ngữ đời thường. Cái giỏi của nhà văn là dùng như thế nào, vào lúc nào và cương quyết không lạm dụng.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Theo tôi, việc dùng ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ bình dân trong văn học giờ đang là một xu hướng có thật. Đâu đó, độc giả đã thấy những tác phẩm mà lời văn cứ như lời nói suồng sã với nhau, bắt đầu có những câu chửi tục trong văn, và nhất là trong thơ. Thời nay, nhờ công nghệ Internet, thơ văn không khó đến với người đọc và người ta bắt đầu viết như người ta nói.

P.V: Theo anh nó hay - dở ở đâu?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tác phẩm là chữ, chữ là cốt cách của nhà văn, không thể sử dụng ngôn ngữ một cách tùy hứng, tự nhiên chủ nghĩa, đặc biệt là những ngôn ngữ mang tính khu biệt (phương ngữ) hoặc từ "tục". Nếu thích dùng là dùng thì e không xứng với danh xưng nhà văn chuyên nghiêp. Hay dở là do cái tài của nhà văn.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Việc dùng ngôn ngữ bình dân, đường phố có cái hay, bởi nó gần gũi với người đọc, giúp họ cảm nhận được hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, văn có nghĩa là đẹp, cho nên ngôn ngữ đường phố, theo tôi, nó chỉ nên dừng lại như một thứ gia vị. Dùng vừa đủ thì tuyệt, còn một khi lạm dụng, nó sẽ khiến bữa tiệc văn chương trở nên cay nồng hoặc chua loét.

P.V: Vì sao họ lại thích dùng ngôn ngữ như vậy trong các tác phẩm của mình? Vì mục đích gì hay đơn giản chỉ là sở thích?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Văn chương, nói cho cùng là hướng tới người đọc về cái đẹp. Ngay cả khi buộc phải sử dụng ngôn ngữ tục thì mục đích tối cao vẫn phải mang tới người đọc thông điệp về cái đẹp, không làm được thế, đồng nghĩa với thất bại.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng: Các nhà văn thế hệ mới thường hay dùng, một mặt là để tác phẩm của mình mang được hơi thở của cuộc sống ngày hôm nay; mặt khác là để văn của mình có phong cách khác lạ. Khi thiếu vốn sống, chưa đủ sức để tạo nên một ngôn ngữ mới, họ cứ thấy từ nào hay, từ nào lạ ở ngoài đường là bê nguyên vào, không gọt giũa, không đặt vào ngữ cảnh phù hợp, đâm ra nhiều khi gây phản cảm.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng bên cột mốc biên giới

Thực ra, ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ bình dân rất hợp với thể loại trào phúng, châm biếm, bởi nó tạo được không khí, nó gần gũi với người đọc. Vũ Trọng Phụng là nhà văn đã sử dụng rất thành công ngôn ngữ này. Xã hội ngày nay, văn chương ngày nay cần những Vũ Trọng Phụng như thế, bởi quanh ta, chẳng thiếu gì chuyện cười ra nước mắt. Tôi cũng hay dùng ngôn ngữ đó để tạo màu sắc cho truyện ngắn của mình, chẳng hạn trong những truyện như "Diva xóm phố", "Người da gấu năm 20xx", "Khẩu chiến", "Bé Tơn vào lớp Một"… vì tôi thích viết theo lối châm biếm nên dùng ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ bình dân cho tác phẩm của mình dễ đọc, dễ được tiếp nhân.

Đừng nghĩ rằng ngôn ngữ đường phố là hạ cấp. Bởi nó vẫn được nuôi dưỡng bởi văn hóa dân gian. Chẳng hạn, cách nói vần bây giờ mà người ta đã tập hợp thành truyện tranh, thì cũng chỉ là kế thừa cách nói vần của các cụ. Hay nói lái chẳng hạn, bao năm nay vẫn vậy. Hay những câu vè hiện đại đầy vần điệu cũng đều do những người trí thức nghĩ ra trong lúc nhàn tản, trà dư tửu hậu mà thôi.

Vấn đề ngôn ngữ đường phố chẳng có gì đáng ngại và đáng lo. Tôi chỉ sợ những tư duy đường phố, tư duy vỉa hè. Còn bản thân từ ngữ, chúng sang trọng hay không, đẹp hay không là do cách dùng của người viết.

P.V: Cám ơn các nhà văn!

Lan Tường