Nhạc sĩ Vũ Hoàng: Âm nhạc thực thụ tự nó sẽ có cách “ở lại”

11:24 | 22/07/2013

2,183 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một thực tế, dù không ồn ào liveshow này đêm nhạc nọ, người nghe vẫn biết có một nhạc sĩ Vũ Hoàng luôn “nắm giữ” một góc riêng không trộn lẫn với bất kỳ ai, giữa một đời sống đương đại không thiếu những hư ảo, nhốn nháo...

Từ “Phượng hồng”, “Hương thầm”, “Hương tình yêu” đến “Mùa hè xanh”, “Khát vọng tuổi trẻ”, âm nhạc Vũ Hoàng khi trong trẻo lúc hùng tráng, khi lưu luyến lúc thiết tha, bài nào cũng đầy cảm xúc, cũng rất… bản năng. Như con người anh, sâu sắc, phóng khoáng và hừng hực nhiệt huyết.

- Có khi nào Vũ Hoàng viết theo đơn đặt hàng không nhỉ?

- Có nhiều lời mời, nhưng tôi rất ít viết. Về cơ bản tôi chỉ viết khi nào tôi thích, có cảm xúc mà thôi. Nhiều người cũng hỏi những câu đại khái như anh thường sáng tác lúc nào? Anh gửi gắm điều gì qua bài hát này? Vv và vv. Tôi chỉ nói đơn giản, là nghệ sĩ, thích viết lúc nào thì viết lúc ấy, thích viết về điều gì thì viết điều ấy.

Nhạc sĩ Vũ Hoàng

- Bây giờ không thiếu những người được gọi là nhạc sĩ. Tuổi đời còn trẻ, học hành khắp Đông Tây. Cơ hội xuất hiện trước công chúng nhiều. Công nghệ quảng bá cũng đã phát triển... Nhưng, thực tế thì chúng ta không có nhiều bài hát hay, đủ sức lay động cả một thế hệ, và hơn thế, vượt qua thời gian như “Phượng hồng” của anh, chẳng hạn…

- Đây là câu hỏi khó. Khó để trả lời cũng như không dễ tìm ra căn nguyên. Có những chương trình bỏ ra hàng mấy tỉ, phát sóng ầm ĩ trên kênh truyền hình quảng bá trung ương, ai cũng có thể xem, nghe, và xem nghe lại nhiều lần, nhưng tác phẩm thì lại không mấy người nhớ và hát. Tuy nhiên, giải thích vì sao thì lại rất khó.

- Có thể là chưa chạm tới cảm xúc của người nghe, lúc này, thời điểm mà bài hát ra đời chăng?

- Cũng không hẳn. “Mùa hè xanh” tôi viết cách đây 20 năm. Tại sao cho đến hôm nay các bạn sinh viên vẫn thích nghe và hát?

Nhạc sĩ Vũ Hoàng và sinh viên tình nguyện

- Lại đưa ra một giả thuyết, có lẽ, âm nhạc đương đại thiếu cái gọi là chất sống? Hơi thở cuộc sống. Ngày xưa, các nhà văn nhạc sĩ có khái niệm đi thực tế, dấn thân vào cuộc sống nhân dân để lấy cảm xúc và vốn sống rồi về mới viết. Bây giờ thì…

- Có lần, các em sinh viên điện thoại kêu ca với tôi. Đoàn thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh đi về bản, cũng có nhạc sĩ trẻ được mời đi theo để sáng tác. Nhạc sĩ đó đến nơi rồi đòi được ngủ… khách sạn. Vũ Hoàng khác. Vũ Hoàng đã dấn thân là cùng ăn bánh mì cùng ngủ lều trại với các bạn sinh viên. Phải uống nước suối ăn rau rừng xắn quần bì bõm lội bùn thì mới hiểu hết đời sống của sinh viên tình nguyện chứ.

- Tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí truyền hình, các thông tin về Vũ Hoàng rất ít?

- Tôi ngại trả lời phỏng vấn. Nói thật là không biết nói gì. Chẳng lẽ lại kể khi tôi viết “Mùa hè xanh” tôi khổ lắm, hay hạnh phúc lắm. Dở quá không được mà hay quá càng khó coi. Bảo nói vừa vừa chừng mực thôi, biết như thế nào là vừa vừa? Hãy cảm nhận về Vũ Hoàng qua âm nhạc. Cuộc đời Vũ Hoàng là trong sáng tác. Cảm nhận sao về Vũ Hoàng thì cứ viết vậy thôi. Xin đừng hỏi tôi cảm nhận thế nào về mình, hay âm nhạc của mình.

Cũng có người hỏi sao anh không làm đêm nhạc này nọ? Tôi bảo làm làm gì? Không cần có đêm nhạc, người ta vẫn biết Vũ Hoàng vẫn đang sống, và đang viết. Thế là đủ rồi. Mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, mục đích sống khác nhau.

Bao nhiêu năm nay, các em sinh viên tình nguyện đã nuôi nấng tác phẩm của tôi. Dù cho tâm lý sở thích thế hệ sinh viên bây giờ đã khác 20 năm trước, nhưng “Mùa hè xanh” thì vẫn có chỗ đứng của nó. Hay như “Phượng hồng”. Tuổi ô mai bây giờ có khác xưa không? Khác nhiều chứ? Yêu cũng khác, mạnh dạn tự tin hơn thời của “Phượng hồng” nhiều. Nhưng các em vẫn hát. Và những “phượng hồng” ngày xưa vẫn còn nhớ. Điều đó cho thấy, nếu nhạc phẩm có được cảm xúc chân xác về cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì tự nó sẽ tìm được cách để “ở lại” trái tim người nghe.

Bài hát "Mùa hè xanh" của Vũ Hoàng gắn liền với phong trào sinh viên tình nguyện

- Nghe nhạc bây giờ thật khó. Khó để có thể đồng điệu với cả phần lời lẫn phần nghe...

- Nghe nhạc thì thời nào cũng khó. Nhưng tôi cho rằng, thế nào thì âm nhạc thực thụ cũng cứ có đất sống thôi. Bây giờ nhạc sĩ nhiều vô kể, ca sĩ cũng nhiều vô kể. Các giá trị thực ảo lẫn lộn. Nhưng nghệ thuật đích thực, những giá trị nghệ thuật đích thực thì chắc chắn sẽ còn lại. Làm nghệ thuật thì trên hết vẫn là cảm xúc, cảm xúc của người sáng tác sẽ quyết định nên số phận tác phẩm.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thành Lê