Nhà giáo, nhà văn bức xúc về đề thi văn phản giáo dục!

12:50 | 10/10/2013

1,370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc đưa Ngọc Trinh, "bà Tưng" vào đề thi nghị luận môn văn của Sở GD-ĐT Hải Phòng đang vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận xã hội. Đặc biệt, nhiều nhà giáo, nhà văn đã bày tỏ bức xúc cũng như lên tiếng rằng đó là đề thi phản giáo dục.

>> Giáo dục hay phản giáo dục?!

Giáo sư Văn Như Cương: Phản giáo dục, phải chăng là muốn PR?

Tôi không đồng tình về cách ra đề thi này. Dường như các nhà lãnh đạo đã cố tình quên rằng, một đề thi thứ nhất là phải kiểm tra được kiến thức của học sinh, thứ hai là phải mang tính giáo dục. Vậy chiếu theo hai tiêu chí này, thì đề văn này đọng lại cái gì?

Giáo sư Văn Như Cương

Thứ nhất, không phải tất cả các em học sinh đều biết về hai nhân vật này. Bởi thường thì các đề thi đề cập trong sách giáo khoa thì không nói làm gì. Nhưng với những đề thi mở thì khó có thể đại chúng để các em biết hết. Mà trong trường hợp này nếu đa phần các em đều biết thì còn đáng buồn hơn. Thanh niên quan tâm đến điều gì là rất quan trọng, nên phải chăng đề thi này khuyến khích các em tìm và đọc những nhân vật mang tính giải trí và phi giáo dục như thế? Và kiểm tra kiến thức của thí sinh thì ở đây các nhà ra đề thi muốn kiểm tra cái gì?

Thứ hai là tính giáo dục, thì tôi không hiểu từ đề thi này muốn giáo dục điều gì? Hay là vì hai nhân vật này chưa đủ nóng nên cần phải PR lên nữa?... Cái phản tác dụng là ở chỗ đấy. Khi đưa một nhân vật nào vào đề thi là nó mang tính phổ quát, nếu các em chưa biết thì nó buộc phải tìm hiểu và đọc. Vậy phải chăng là cổ xúy, khuyến khích các em tôn sùng tiền bạc, rồi lấy đại gia, xa lánh người nghèo...?

Thế nên, các anh làm giáo dục thì phải chú ý, việc ra đề thi rất quan trọng nó mang tính định hướng. Việc ra những đề thi mở hiện nay đang khuyến khích, nhưng cần rất cẩn trọng. Và đảm bảo đúng, đủ hai tiêu chí là kiến thức và định hướng giáo dục. Dứt khoát không được thiếu hai tiêu chí đó.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Đề thi đã vô tình cổ vũ giới trẻ theo lối sống vật chất!

 Ai cũng biết dạy học văn phải bắt nguồn từ cuộc sống. Nhưng vấn đề ở đây là lựa chọn những gì thật sự đáng đưa vào để giáo dục học sinh mới là điều quan trọng. Đưa vào văn học những hiện tượng cuộc sống để giúp cho học sinh hiểu đúng về giá trị của con người là điều đáng khen ngợi, nhưng hai nhân vật này có đáng không? Khi họ chỉ là thiểu số, là số ít, quá ít. Chưa kể đây là nhân vật giải trí, mà chỉ những báo lá cải mới quan tâm đến… không phải là vấn đề mang tính phổ quát.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình

Hai cô gái đang có lối sống lệch chuẩn, đáng lên án, đáng bị xã hội kỳ thị, một trong hai người còn bị xử phạt, cấm biểu diễn… lại là vấn đề được mang ra cho học sinh tìm hiểu, phân tích, bình luận… Tôi tự hỏi, không biết người ra đề nghĩ gì khi ra một đề thi như vậy?

Vẫn biết, dạy văn không có nghĩa là chỉ dạy cho học sinh những cái hay cái tốt mà phải làm sao để dạy cho học sinh nhận thức được điều tốt qua những cái xấu, nhưng không có nghĩa là đưa những hình ảnh phản giáo dục, những con người phản giáo dục vào để giáo dục học sinh.

Mặt khác, yêu cầu của đề rất không rõ ràng, không có tính định hướng nên nhiều người cũng không biết đang lên án hay cổ vũ lối sống thực chất. Trong lúc mà giáo dục đang có nhiều vấn đề như vậy, với kiểu ra đề này cá nhân tôi thấy chỉ là cổ xúy thêm cho các em học đòi thói hư tật xấu chứ chưa thấy được cái định hướng giáo dục trong đó.

Cô Nguyễn Hồng Duyên, Giáo viên trường Liên cấp Olympia: “Đây là đẩy lùi tiến bộ xã hội chứ không thể là “tiến bộ xã hội”

Cô Nguyễn Hồng Duyên

Đây là một đề mở, nhắm vào tâm lý của nhiều bạn trẻ, đưa ra vấn đề các bạn trẻ đang quan tâm. Nhưng đây cũng là một vấn đề nhạy cảm, buộc học sinh phải có khả năng phân tích, tư duy phản biện, vốn hiểu biết để nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh đúng mực. Bởi rất có thể xảy ra tình trạng có nhiều bài thi sẽ có xu hướng nhìn nhận lệch lạc, cổ xúy cho hiện tượng này. Một hiện tượng của những cô gái trẻ thích sống hưởng thụ với “vốn tự có”, một lối sống ngắn hạn, gấp gáp, bằng mọi giá, đánh đổi bản thân mong có cuộc sống an nhàn.

Hơn nữa để ra một đề thi mang tính đại trà như thế này thì đòi hỏi cách dạy trong nhà trường cần thay đổi. Làm thế nào để khi học sinh đọc đề thi có thể tự định hướng được cho chính mình, hướng tới những giá trị đạo đức chuẩn. Những con người chỉ biết ăn bám, lười lao động nhưng vẫn muốn sống hưởng thụ, đây là đẩy lùi tiến bộ xã hội chứ không thể là “tiến bộ xã hội” như trong đề bài chỉ ra.

Nhà văn Lê Tấn Hiển:Một sự cẩu thả đáng trách!”

Đề thi, dẫu chỉ của một tỉnh và dành cho đối tượng học sinh giỏi (rất có thể người ta sẽ lấy đây làm lý lẽ biện minh cho sự tùy tiện và sơ xuất cẩu thả này) nhưng muốn hay không, đều mang tính phổ biến và ít nhiều định hướng. Đó chính là điều nguy hiểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất trong nội dung đề thi nói trên. “Đại gia”, hiểu theo nghĩa xã hội trực diện nhất của lớp người trẻ, chỉ là “người có nhiều tiền”, mà họ chưa nghĩ, thậm chí không hề nghĩ “đại gia” ấy đã làm gì để có nhiều tiền cả.

Như vậy sai lầm là từ đây, từ quan niệm tiền là trên hết, là mơ ước, là chỗ dựa, là sự đáng nể trọng… Miễn là có nhiều tiền, cứ có nhiều tiền đã, còn không cần biết con người đó phẩm chất và tư cách đạo đức, văn hóa ra sao! Vậy phải chăng “ước mơ đại gia của các cô gái trẻ” là như vậy? Cô gái trẻ nào cũng mơ ước như vậy? Cho dẫu nội dung đề thi chỉ bấy nhiêu chữ, bất cứ ai đọc có thể hiểu như thế.

Nhà văn Lê Tấn Hiển

Vậy thì chẳng phải đã vô tình định hướng các thiếu nữ chúng ta cái quan niệm “đồng tiền là trên hết” sao? Đương nhiên mục đích của những người ra đề không như vậy, nhưng nếu muốn các em luận bình về tốt - xấu, hay - dở trong cái sự “ước mơ đại gia” của một số ít con gái ít tuổi hiện nay, sao không nói thẳng ra điều đó? Cho nên, cái sự ỡm ờ, không rõ ràng trong văn phạm một đề thi (nhất lại là đề thi văn) lại cũng là một lỗi không nhỏ.

“Ước mơ đại gia” là ước mơ lấy chồng đại gia, hay ước mơ sẽ làm đại gia? Đánh đố học sinh ngay trong một đề thi như thế, theo cá nhân tôi, có thể nói là quá ẩu, cẩu thả và tùy tiện. Xưa nay, cả phụ huynh và học sinh, thường hiểu đề thi ra cho mọi cấp học, ngoài kiến thức tiếp thu trong nhà trường, bao giờ cũng mang tính thời sự, tức là gắn với những sự kiện, hiện tượng đương thời, điều này càng thấy sự cẩu thả trên đáng trách hơn.

Nhóm PV (Thực hiện)