Ngẫm lại chuyện khen - chê

11:18 | 01/10/2013

1,499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người có tài năng, thành tích được khen là chuyện quá bình thường, nhưng nếu khen quá đà, tung hê thái quá thì dễ dẫn đến sự ảo tưởng.

Chuyện kể rằng, ở La Mã ngày xưa, trong những ngày lễ chiến thắng, người ta cho phép các binh sĩ được quyền chế nhạo những vị anh hùng đã lập được chiến công oanh liệt… là để hạ bớt lòng tự kiêu tự đắc rất có hại cho những kẻ thắng trận.

Câu chuyện từ thời xưa, tận trời Âu nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị cho thời nay, cho mỗi chúng ta về bài học phải biết tiết chế, biết khiêm tốn, biết năng lực thực sự của mình để không bị chi phối bởi những lời khen, tung hô quá đà của kẻ khác mà dễ dẫn đến tính kiêu căng, tự phụ.

Nhiều nhà nghiên cứu, học giả đã thú thực rằng, họ chưa tài giỏi như mức nhiều tờ báo đã khen. Và vô tình sự khen, tâng bốc quá đà đã làm cho nhiều vị thức giả thấy ngại với chính năng lực của mình. Họ cho rằng, anh giỏi ở mức nào, chuyên sâu đến mức nào thì những người trong cùng chuyên ngành hẹp là biết rõ hơn cả. Chứ nhiều người thấy rất nổi trên truyền thông đại chúng nhưng chưa hẳn được người cùng giới chuyên môn nể trọng.

Gần đây ở xứ mình văn hóa khen có phần bị lạm dụng, nhất là sau mỗi một cuộc thi, một gameshow… Nhiều thí sinh đoạt giải được truyền thông, báo chí đưa lên tận mây xanh, làm cho nhiều người lầm tưởng mình tài giỏi hơn người rồi quay ra kiêu căng tự phụ. Chứ có biết đâu rằng, phần thưởng đó chỉ mới là sự ghi nhận ban đầu cho năng lực của họ. Mà để thành công và đứng vững lâu trong nghề họ phải phấn đấu gấp 10, 20 lần và thậm chí gấp 30 lần.

Hiện tượng Phương Mỹ Chi khiến cho chúng ta suy ngẫm về văn hóa tung hô

Vì còn quá trẻ lại tung hô, khen quá đà, bị ánh hào quang che lấp mà nhiều em chỉ mới nhận giải thưởng đã tuyên bố bỏ học để theo đuổi giấc mộng nổi tiếng. Trong khi làm sao nổi tiếng lâu bền khi những nền tảng cơ bản nhất các em chưa đạt được.

Lỗi này một phần do sự nông cạn, chưa suy nghĩ sâu sắc của các em nhưng một phần cũng do sự quá đà của người lớn. Và trên thực tế các em cũng thấy có nhiều “ngôi sao” ở xứ ta, có cần học đầy đủ đâu, có cần có bằng cấp đâu, chỉ cần công nghệ lăng xê là nổi tiếng.

Nhiều ca sĩ bây giờ lên sân khấu không hát mà hét, không hát mà chỉ thấy nhảy múa quay cuồng. Thế mà truyền thông vẫn gọi là ông hoàng này, bà hoàng kia. Thì hà cớ gì mà tụi trẻ không tự tin rằng mình cũng có ngày giống các “ngôi sao” đó.

Nói về văn hóa tung hô, kể thêm câu chuyện ngày xưa ở Phương Đông. Chuyện kể rằng: “Sô Kỵ, người nước Tề, tướng cao, mặt mũi khôi ngô. Một buổi sáng soi gương, hỏi vợ.

- Ta đẹp hay Từ Công đẹp?

Vợ đáp:

- Tướng công đẹp, Từ Công sao sánh kịp?

Kỵ không tin, lại hỏi người thiếp, thiếp nói:

- Từ Công sánh gì nổi tướng công.

Có khách đến, Kỵ cũng hỏi thế. Khách đáp:

- Từ Công đẹp sao bằng ngài!

Hôm sau Từ Công đến chơi. Kỵ nhìn kỹ, biết mình không bằng.  Lại soi gương càng thấy kém xa.

Ngẫm nghĩ rồi vào triều tâu với Tề Vương:

- Thần vốn biết dung mạo không bằng Từ công, vậy mà vợ thần vì yêu, thiếp thần vì sợ, khách thần vì muốn cầu cạnh, đều nói thần đẹp hơn. Nay nước Tề, đất vuông ngàn dặm, thành quách trăm hai, trong cung không ai là không yêu đại vương, ngoài triều không ai là không sợ đại vương, bốn phương không ai là không mong chờ đại vương. Như vậy, đủ thấy người ta đã che mắt đại vương rất nhiều rồi vậy!”.

Thiết nghĩ, bài học này không dành riêng cho Tề Vương hay Sô Kỵ mà còn dành cho tất cả mọi người.

Khen – chê là chuyện rất ư bình thường trong cuộc đời, nhưng khen vừa phải và chê đúng mực thì vẫn tốt hơn là chê  vùi dập còn khen thì quá mức. Như thế, dễ hại người hơn là giúp người. Và người được khen hay bị chê cũng nên tỉnh táo trước những khen – chê, thị phi của người đời để không trở nên quá bi quan hay bị lóa mắt.

Nguyệt Anh