Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và "Hành trình của một sinh viên Sài Gòn..."

18:49 | 09/11/2013

4,012 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Hành trình của một sinh viên Sài Gòn, từ chiến tranh đến hòa bình” của KTS Nguyễn Hữu Thái vừa xuất bản. Đây gần như là một cuốn tự truyện, ghi lại nửa thế kỷ hoạt động sôi nổi của một người trong cuộc, từ chiến tranh và cách mạng đến hòa bình và cả giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập trong một thế giới đang toàn cầu hóa.

Một cuộc hành trình khá cam go, đặc biệt vào thời chiến tranh với Mỹ từ 1963 đến 1975, bản thân ông đã bừng tỉnh do tận mắt chứng kiến hành động tự thiêu đầy quả cảm của Thượng tọa Thích Quảng Đức, mở màn sự quan tâm của cả thế giới vào thảm kịch Việt Nam.

Nguyễn Hữu Thái xuống đường đấu tranh chống Ngô Đình Diệm rồi các tướng lãnh quân phiệt Sài Gòn, chiến đấu cam go giữa hai làn đạn, từng ra tranh cử Quốc hội với danh nghĩa “Thành phần thứ ba” hoạt động vì hòa bình năm 1971.

Sau đó, ông ở tù tổng cộng 4 năm và nằm trong danh sách “Tù nhân lương tri” của Ân xá Quốc tế năm 1973, đã gặp gỡ các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTGP) trong nhà tù, tham quan vùng giải phóng và tưởng đã hy sinh trong chuyến đi đó.

KTS Nguyễn Hữu Thái thời trẻ và con trai

Ngày 30/4/1975, Nguyễn Hữu Thái tham gia treo cờ Giải phóng trên nóc Phủ Tổng thống dinh Độc Lập và là người cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên tiếng chào mừng Cách mạng trên đài phát thanh Sài Gòn. 

Sau đó, ông cùng lực lượng thanh niên Sài Gòn hăng hái tham gia các chiến dịch cải tạo và ổn định đời sống nhân dân Sài Gòn. Nhiều người của chính quyền mới không mấy tin tưởng ông, có lẽ do các quan hệ phức tạp của ông với nhiều người Mỹ trong quá khứ.

“Tôi đã phải đối đầu không ít khó khăn vào những năm sau chiến tranh, và lý lịch của tôi chỉ được làm sáng tỏ vào năm 2000. Trong quãng thời gian này, hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, giảng dạy và tư vấn kinh doanh tạo cơ hội cho tôi quan sát rõ tình hình Việt Nam chuyển biến từ cuộc thể nghiệm xã hội chủ nghĩa đến nền kinh tế thị trường, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, cùng với những hậu quả tích cực lẫn tiêu cực của nó”- tác giả cuốn sách chia sẻ.

Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, học Trường Kiến trúc và Luật khoa, Viện Đại học Sài Gòn. Ông hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam từ 1960 tới 1975 và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963 -1964). Từ năm 1990 đến 1995, ông sinh sống và nghiên cứu ở phương Tây, sau đó quay về làm việc trong nước, nghiên cứu, viết sách báo.

Đây cũng là câu chuyện về Cách mạng, Chiến tranh và Hòa bình do một người trong cuộc ghi lại. Hy vọng nó phản ánh được một khía cạnh nhỏ của cuộc chiến đấu to lớn tìm bản sắc và thế đứng của dân tộc ta trong thời đại mới.

Chủ đề xuyên suốt của câu chuyện là những thách thức và lựa chọn, diễn ra rất gay go giữa cái sống và cái chết, có thể là tự nguyện hoặc bị bó buộc. Thông qua hình ảnh chính bản thân mình và bạn bè cùng thế hệ, ông muốn nói lên tinh thần chiến đấu của dân tộc Việt Nam, như nhận xét của một nhà sử học nước ngoài: “Người Việt Nam đã chọn thách thức, trụ lại chiến đấu, chấp nhận hy sinh gian khổ, để cuối cùng đã chiến thắng!”.

Nguyễn Hữu Thái cho biết, ông viết cuốn sách này không phải để biện hộ cho việc mình từng bị nghi ngờ, hoặc để đưa ra cái tôi bản thân, mà chỉ muốn ghi lại đoạn đường đã trải qua, trùng hợp với giai đoạn khó khăn mà cũng kiêu hùng nhất của lịch sử dân tộc trong cuộc đụng đầu với phương Tây. Ông chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này đặc biệt dành cho các bạn trẻ. Hy vọng tôi trình bày được cho các bạn những hình ảnh sống động về Chiến tranh và Cách mạng ở nước ta, gồm cả những niềm phấn khích, điều cao đẹp lẫn các nỗi tuyệt vọng, điều tồi tệ nhất mà cả mấy thế hệ người mình đã trải qua trong máu lửa và nước mắt”.            

Thiên Thanh