Bao giờ hết thói... “xài chùa”?

19:00 | 26/07/2013

774 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc album "Mười tám +" của Văn Mai Hương bị rò rỉ trước giờ phát hành lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thói quen “xài chùa” của nhiều trang mạng.

 

Việc các sản phẩm nghệ thuật bị “xài chùa” vốn đã là câu chuyện "xưa như trái đất" và không ngoa khi nói rằng nó đã trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều trang mạng. Xưa nay, đã có biết bao nhà sản xuất, nghệ sĩ từng phải đau đầu khi “đứa con tinh thần” bị sao trái phép rồi bày bán tràn lan, thậm chí nghe và tải miễn phí trên mạng internet.

Việc album "Mười tám +" của ca sĩ trẻ Văn Mai Hương vừa hoàn thành, dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào tháng 8 tới nhưng lại được phát tán trước giờ G là một điển hình. Toàn bộ nội dung của album được đăng tải trên mạng, thậm chí nhiều trang mạng và diễn đàn âm nhạc còn công khai đường link chia sẻ về album này.

"Đứa con tinh thần" vừa bị rò rỉ của ca sĩ trẻ Văn Mai Hương

Xác định: “Đây là một sự vi phạm bản quyền trí tuệ trắng trợn”, nhạc sĩ Huy Tuấn đã lên tiếng. Theo đó vị nhạc sĩ này khẳng định: Thói quen nghe nhạc miễn phí dù bất cứ hình thức nào cũng là thiếu văn hóa và thiếu tôn trọng sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Mặc dù, ngay sau đó các trang nhạc đăng tải và phát tán đã có động thái xóa bỏ album này trên hệ thống để tránh... phiền toái. Nhưng thiệt hại về tinh thần và vật chất với chủ nhân của album này đã là không hề nhỏ.

Vẫn biết, “nghe chùa”, “xài chùa”... là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng nhan nhản. Tuy nhiên, mức độ xâm hại và việc không thông hiểu về luật sở hữu trí tuệ ở ta còn khá nhiều nan giải.

Trong khi các nước phát triển trên thế giới, mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời, việc được đăng ký bản quyền là điều tất yếu. Thì ở Việt Nam, “bản quyền” vẫn chưa là một khái niệm thông dụng. Không những vậy, đối tượng tiếp nhận là khán giả, là công chúng còn tỏ ra lạ lẫm và không thực sự trân trọng vấn đề này.

Trước nay, giới sáng tạo vốn đã rất nản chí và bức xúc với vấn nạn sử dụng “chùa” này. Nên việc không dám đưa sản phẩm âm nhạc đầy đủ của mình ra mắt công chúng mà thay vào đó là những bài hát riêng lẻ được phát hành một cách tự do. Nhiều nghệ sĩ thậm chí không cần đoái hoài đến việc thu lại được gì cho thành quả lao động của mình. Hành động này đã như là một sự tuyệt vọng và chấp nhận “sống chung với lũ”.

Nghệ thuật đương đại đa phần là âm thầm trình diễn miễn phí 

Điều đáng buồn là, nó không chỉ xảy ra trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn nhiều ngành nghệ thuật khác cũng trong tình trạng tương tự.

Điển hình phải kể đến là những show trình diễn nghệ thuật đương đại. Xưa nay, lĩnh vực này đa phần là ở dạng thể nghiệm nên khi trình làng các nghệ sĩ thường biểu diễn miễn phí phục vụ công chúng. Mới đây, để xóa bỏ thói quen xem miễn phí, nghệ sĩ Phương Vũ Mạnh đã chủ động bán vé buổi trình diễn của mình. Nhưng cuối cùng, nghệ sĩ này đã nhận được câu trả lời đầy cay đắng khi nhiều khán giả tuy đã đến nhưng nhận ra phải trả tiền thì chuyển sang trạng thái... thà đi về còn hơn.

Dễ hiểu, khi chất lượng của buổi trình diễn nghệ thuật đương đại đến đâu còn chưa dám chắc, cộng với việc bộ môn nghệ thuật này vốn còn xa lạ và thông điệp gửi đến nhiều khi khó hiểu... thì việc bỏ tiền ra mua là xa xỉ với phần đông khán giá Việt. Thế nhưng một điều cần nhìn nhận rằng, đôi khi nghệ thuật cần lắm những cú hích, thì việc thờ ơ tưởng chừng như bàng quan với nghệ thuật lại là sự... có lỗi. Ấy thế mà, tâm lý bàng quan này lại là thực trạng mà các nghệ sĩ thường xuyên nhận được từ phía công chúng.

Bởi thế dù nhận rõ, thấy rõ vấn nạn này nhưng để khắc phục thì còn dài dài. Còn nhớ cuối năm trước, khi phong trào “Nghe nhạc có ý thức” được phát động. Đã có nhiều điều nghi ngại bởi thực hiện đồng loạt, triệt để có hiệu quả ngay  lập tức là vô cùng khó. Tuy nhiên, phong trào này vẫn được xem là “phát súng” đầu tiên, công phá vào tư tưởng cố hữu của nhà quản lý các trang mạng rằng cần có trách nhiệm hơn với những sản phẩm nghệ thuật.

Để nghệ thuật phát triển không phải là trách nhiệm của riêng ai, nó là việc cần chung tay của cả cộng đồng. Khi nghệ sĩ lao động cật lực thì cần phải được động viên từ chính khán giả của mình. Nên chăng, nếu mỗi cá nhân khi thưởng thức nghệ thuật đều nhận ra rằng: Một tác phẩm nghệ thuật được trả phí, có nghĩa là tác phẩm đó đã có giá trị thì kết quả sẽ khả quan hơn nhiều.

Và đương nhiên, người bỏ tiền ra cho mỗi tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ không dại gì mà "ném tiền qua cửa sổ" mà xem và nghe có chọn lọc. Khi đó, môi trường nghệ thuật xem có ý thức, nghe có ý thức sẽ thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tác có ý thức và biểu diễn có ý thức hơn.

Huyền Anh