TS Trịnh Lê Anh: Công chúng Việt có khó lường?

11:13 | 07/08/2013

2,912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công chúng Việt Nam rất “khó lường” và căn nguyên của sự “khó lường” ấy theo MC - Tiến sĩ Trịnh Lê Anh là do từ giáo dục chúng ta đã thiếu sự so sánh. Luôn bắt học sinh phải lập tức nói về chân lý. Là một MC chính luận sắc sảo trong nhiều năm, đồng thời cũng là người đang nghiên cứu về truyền thông, Trịnh Lê Anh đã có những chia sẻ cởi mở về vấn đề truyền thông và công chúng ở Việt Nam với PetroTimes.

PV: Gần đây anh có làm MC cho chương trình Nick sang Việt Nam. Giữa nhiều luồng dư luận trái chiều, là một người đang nghiên cứu về truyền thông và cộng đồng, anh có suy nghĩ gì?

TS Trịnh Lê Anh: Tôi vốn là người không chịu ảnh hưởng bởi những hội chứng của thanh niên, có lẽ tôi già trước tuổi, tôi hầu như không có hội chứng thần tượng. Vì vậy Nick hay không phải Nick cũng không làm tôi phải suy nghĩ nhiều lắm. Tôi tiếp nhận truyền thông Việt Nam trong giai đoạn này như một sự tham khảo và có bộ lọc của riêng mình. Chẳng hạn truyền thông thổi phồng hay không? Mục đích đằng sau câu chuyện đó là gì? Tất cả những chuyện đó tôi giữ mình ở trạng thái không bị lụy ở những thông tin ấy. Vì vậy tôi không sa vào mê trận của việc bàn luận.

PV: Anh có thể bình luận một chút rằng, nếu làm truyền thông ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với những dạng “công chúng” thế nào không?

TS Trịnh Lê Anh: Công chúng truyền thông ở Việt Nam rất khó lường. Tôi nghĩ mặt bằng dân trí của chúng ta chưa đủ cao để coi những thông điệp truyền thông chỉ có tính tham khảo. Sở dĩ một nhóm khán giả có thể bắt bẻ MC này, MC kia nói sai vì họ biết điều đúng, sai khi so sánh với một chân lý nào đó. Khán giả đã biết chân lý rồi và bắt MC phải nói đúng, nghĩa là làm MC đứng trước khán giả buộc phải nói đúng. Một người mẹ chắc chắn không đánh vào tay đứa con 3, 4 tuổi chỉ vì nó nói sai, chúng ta phải khuyến khích con trẻ nói để nó hiểu rằng, nếu nói sai sẽ phải nói lại như thế nào. Chính điều đó là áp lực cho MC tại Việt Nam.

Tôi cho rằng ở cùng thời điểm hai kênh truyền hình CNN và BBC có thể nói hai thông điệp khác nhau, khán giả của Mỹ và Anh phải chấp nhận một điều, tin ai thì theo người đó và cuối cùng họ cũng không cần tin vì chỉ nghe để biết thôi. Nếu muốn kiểm chứng họ phải có công cụ của riêng mình. Các bạn biết đấy, người ta có thể đưa ra một thông tin mà không dẫn nguồn.

Còn ở Việt Nam, làm truyền thông gặp một khó khăn: công chúng không coi rằng việc mọi thứ truyền ngôn trên truyền thông chỉ mang tính tham khảo, bạn mới là bộ xử lý, mới là bộ lọc chứ không phải anh nhà đài nói sai ảnh hưởng đến điều tôi biết. Chừng nào công chúng chưa thay đổi thì truyền thông Việt Nam vẫn còn khó khăn, vì công chúng sẽ còn căng thẳng hơn.

Tôi nhớ, trước đây chúng ta có một chương trình “Chào Việt Nam” của Nhật Bản, khi ấy công chúng Việt Nam còn đạp nhau xuống hồ để tranh nhau đến được chương trình đó. Hoặc có thời, những bộ phim như “Oshin”, hay “Người giàu cũng khóc” làm cho cả xã hội bị hút vào tới mức khó ngờ.  Chuyện đó xảy ra vì truyền thông chúng ta không đưa đủ thông tin cho công chúng tham khảo. Nếu có nhiều phương án cho công chúng chọn lựa, như trên một bàn ăn: có sushi của Nhật, kim chi của Hàn Quốc, phở của Việt Nam có lẽ họ sẽ tự do lựa chọn, mà rõ ràng cả ba món đó đều mang những thông điệp khác nhau cùng về một vấn đề. Bằng cách ấy, công chúng sẽ tự nhiên học được một điều: có sự tham khảo. Suy cho cùng, đôi khi sự thổi phồng đó đến từ chính công chúng chứ không hẳn là những người tạo ra sự kiện.

PV: Có nghĩa, ở mặt nào đó anh cho rằng, những người làm sự kiện đôi lúc  không kiểm soát được hết sự khó lường của “công chúng truyền thông ở Việt Nam”?

TS Trịnh Lê Anh: Đúng vậy. Làm truyền thông ở Việt Nam rất khó nếu bạn muốn sự kiện của bạn đạt được một mức độ nhất định.

PV: Anh có cho rằng, sự “khó lường” của “công chúng” suy cho cùng chính là do cách họ được giáo dục và lớn lên?

TS Trịnh Lê Anh: Đúng. Một đứa bé mất khả năng tham khảo sẽ không cho người khác cơ hội để được sai. Một lối giao tiếp tuyệt đối hóa khiến chúng ta không năng động, cởi mở và chia sẻ với nhau những sự khác biệt. Tôi thường chia sẻ với sinh viên rằng: sự nguy hiểm nhất của cộng đồng là họ không coi trọng tính đa dạng hóa. Mà một khi là văn hóa thì không nhất thiết phải so sánh, bởi bản thân sự đa dạng là điều tuyệt vời của văn hóa.

PV: Anh ngại nói đến căn nguyên của chuyện này vì lo sợ đụng chạm đến ngành giáo dục?

TS Trịnh Lê Anh: Không. Tôi thấy rất rõ căn nguyên của chuyện này chính là giáo dục. Sinh viên của tôi cứ căng thẳng chuyện phải đưa cho em giáo trình hay đáp án đúng chứ em không thể làm việc với ba quan điểm khác nhau thế này. Tôi trả lời: “Xin lỗi các em, môn này chưa có giáo trình hay chưa có quan điểm nào gọi là chính thống. Các em buộc phải làm việc với ba quan điểm khác nhau, các em hỏi thầy quan điểm nào là đúng thầy cũng chịu. Thầy chỉ có thể nói thầy theo quan điểm này thôi chứ thầy không biết cái nào đúng hơn cái nào”. Tôi muốn các em phải chấp nhận, ở đời này còn nhiều cái không có chân lý đâu. Thế mới là một xã hội đa phát triển. Một khi định hình chân lý là lạc hậu. Khi sách trở thành từ điển là lạc hậu, từ nào trong ngôn ngữ chúng ta nói được đưa vào từ điển là từ đó quá cũ rồi.

PV: Anh nghĩ thế nào về những người sống cả đời để đi tìm chân lý?

TS Trịnh Lê Anh: Đó là khát khao và đích đến của con người. Chân lý được thừa nhận chung đó là một điều lý tưởng. Cuộc sống luôn thúc bách người ta phải tìm được điều đó để hiểu biết hơn nơi mình đang sống, nơi mình đã tồn tại và cũng để hiểu hơn chính bản thân mình. Tôi nghĩ đó là một cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của khoa học. Giống như vậy, bạn luôn muốn trở thành một MC hoàn hảo nhưng bạn đừng coi trọng sự hoàn hảo mới tạo nên giá trị của bạn. Hạnh phúc là trên con đường bạn đi chứ không phải cái đích bạn đến, tương tự đó, sự thành đạt của bạn là do những nấc thang bạn đi chứ không phải người ta chờ đến lúc cuối cùng của bạn. Đó mới là cái đáng giá của cuộc sống.

PV: Anh coi chân lý là điều như thế nào?

TS Trịnh Lê Anh: Tôi không cố gắng để tìm ra cái tuyệt đối, tôi coi trọng tính cảm xúc của vấn đề. Khi bạn duy lý quá bạn sẽ bỏ qua tính thi vị của tính cảm xúc mang lại. Ví dụ ngồi đây tôi nhận ra bạn rất thân thiện chứ tôi không nhìn bạn đang rất soi mói, nếu sự soi mói đó ảnh hưởng đến tôi hơn thì tôi sẽ quên khía cạnh bạn thân thiện đi và sẽ đề phòng bạn trong những lần sau. Nếu như thế tôi sẽ không có nhiều bạn và sống nghiệt ngã. Nhưng tôi là người coi trọng cảm giác hơn, gặp bạn và thấy bạn thân thiện, thế là đủ. Vì sống cảm tính nên tôi dễ sai lầm, nhưng kể cả sai lầm tôi vẫn chấp nhận, thế mới là sống. Con người sống phải có hỉ, nộ, ái, ố chứ nếu không chúng ta trở thành rô-bốt mất rồi. Nói tôi là người sống phi lý thì không phải nhưng tôi chỉ tiệm cận với chân lý thôi.

PV: Những điều anh nói là chân lý của riêng mình chứ?

TS Trịnh Lê Anh: Có lẽ đó là một điều mình tin tưởng, tôi tin nó hay nó tốt. Dẫu sao cái tin đó cũng mang tính lịch sử, nghĩa là nó chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, tôi sẽ thay đổi.

P.V: Xin cảm ơn anh!

MC Trịnh Lê Anh sinh năm 1978 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp cử nhân Quan hệ quốc tế và là Tiến sĩ du lịch tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hiện anh là giảng viên khoa này. Lê Anh bắt đầu sự nghiệp MC từ năm 2003. Các chương trình đã dẫn: Khoảnh khắc bị đánh cắp (VTV1, 2003); CLB Thơ (VTV1, 2005); Robocon 2004, 2005, 2006, 2007 (VTV2, VTV3); Điểm hẹn âm nhạc 2006, 2007 (VTV3); Chắp cánh thương hiệu 2007 (VTV3); Lễ trao giải Vifotec 2004, 2005, 2006; Hoa hậu Kinh đô VN 2006; Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007…


Linh Chi (thực hiện)