Truyền hình thực tế: Có bột không gột nên hồ?

07:00 | 16/11/2013

1,228 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai năm trở lại đây, Đài Truyền hình Việt Nam liên tục có các game show truyền hình thực tế, dù vẫn còn được khá ưa chuộng, tuy nhiên các game show ấy không được đón nhận nồng nhiệt như khoảng thời gian đầu. Nhiều chương trình dù vừa qua mùa thứ 2 đã nhanh chóng đuối sức, thậm chí còn có những chương trình vừa được thực hiện mùa đầu tiên đã không tạo ra được bất cứ hiện ứng nào. Việc không tìm ra được thí sinh hạt giống, không có sức hút nếu không có những scandal... đã khiến nhiều người cho rằng: “Xem những game show truyền hình nhạt ấy, thà xem kênh của nước ngoài còn hơn”...

Ăn theo thí sinh

Trên thực tế, một số chương trình truyền hình thực tế phải dựa vào tên tuổi của những thí sinh “hot” để tạo hiệu ứng cho khán giả và làm tăng doanh thu quảng cáo. Như “The Voice Kids” vừa kết thúc cách đây không lâu, nếu không có Phương Mỹ Chi, Quang Anh chưa chắc đã rầm rộ đến như vậy. Tương tự là “Cuộc đua kỳ thu” với Hari Won, “The Voice 2012” có Bùi Anh Tuấn, Thiều Bảo Trang, Bảo Anh... Chương trình “Vietnams Got Talent” sau năm đầu tiên khá rầm rộ đã lập tức xuống dốc vì cả mùa thứ 2 không có được một thí sinh nổi trội. “The Voice 2013” cũng đang trong tình huống tương tự khi đến thời điểm này vẫn chưa đẩy lên được một cái tên nào bật lên hẳn.

Giám khảo chương trình "The Voice 2013"

Trước kia, khi “Sao mai điểm hẹn” còn là một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát “độc chiếm” sóng truyền hình cũng như cảm tình của khán giả, thì một thế hệ ca sĩ mới đầy triển vọng đi ra từ cuộc thi đã chiếm lĩnh được thị trường âm nhạc như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Phương Linh... Tuy nhiên, đến những mùa giải gần đây của “Sao mai điểm hẹn”, khán giả hầu như không thấy nhiều thí sinh nổi bật tham gia cuộc thi, dẫn đến tình trạng, các cuộc thi, game show truyền hình kết thúc, khán giả cũng dường như quên tên cả thí sinh, vì những chương trình truyền hình thực tế ấy chưa thực sự tạo được dấu ấn cho khán giả xem truyền hình.

Một ca sĩ xin được giấu tên đã cho rằng, việc tìm ra một người thực sự tài năng trong các game show truyền hình là rất khó, nhất là trong thời điểm nhiều chương trình truyền hình thực tế diễn ra trùng giờ, trùng thời điểm. Có một giải pháp cứu cánh cho vấn đề này là nhiều game show đã tìm ra “điểm sáng” bằng cách thu hút những thí sinh đã từng có tên tuổi ở các cuộc thí khác, như ở “The Voice 2013” đã có nhiều thí sinh từng tham gia cuộc thi “Sao mai điểm hẹn” như: Hoàng Yến, Hà Linh, Nhật Thu, Phú Quý, Lưu Thanh Thanh... Sự góp mặt của những thí sinh này cũng làm cho “The Voice 2013” được chú ý hơn, nhưng cũng chưa tạo được sức bật. Một yếu tố khá quan trọng khiến cho các game show Việt nhạt và nhàm là thời lượng quảng cáo trong chương trình quá nhiều. Trong các chương trình như: “Vietnam Idol”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Vietnams Next Top Model”... luôn bị các đoạn quảng cáo xen ngang. Nếu cộng lại, thời gian quảng cáo có khi bằng (hoặc trội hơn) tổng thời lượng của chương trình ấy.

Ngoài việc “dựa hơi” những thí sinh hot thì việc trùng format - Cạnh tranh giờ phát sóng cũng là điều đáng bàn. Nói về các cuộc thi hát, ngoài hai chương trình lớn là “Vietnam Idol” và “The Voice”, còn có “ma mới” “The Winner Is” vừa được phát sóng mùa thứ 1. Lĩnh vực thiết kế thời trang có “Project Runway “và “Ngôi sao thời trang”, chương trình dành cho các vũ công có “Thử thách cùng bước nhảy”, “Got to dance”, “Dancing with the star”... Tất cả những chương trình ấy nội dung na ná thay phiên nhau phát sóng vào các khung giờ cuối tuần khiến khán giả cần phải đưa ra sự lựa chọn cho mình. Chưa kể việc hai chương trình có cùng chủ đề nhưng phát sóng cùng thời điểm như “Thử thách cùng bước nhảy”, “Got to dance” khiến lượng người xem của từng bên giảm đi ít nhiều. Đặt người xem có sự lựa chọn xem yêu thích dàn giám khảo của chương trình nào hơn thì bật xem chương trình đó. Những yếu tố này cũng làm cho các game show không còn nhiều sức hút như thời gian đầu.

Chiêu nhàm - Giám khảo nhạt

Nhắc đến những chương tình truyền hình thực tế trên truyền hình phải nhắc đến những chiêu trò để tạo sự thu hút đối với người xem. Dù vô tình hay hữu ý, thì những chiêu trò, scandal ấy cũng là một “cứu cánh” cho nhiều chương trình game show thực tế. Nếu thường xuyên theo dõi những chương trình game show thì nhiều người có thể kể đến các scandal như vụ Minh Hằng “đớp giọng” trong “Bước nhảy hoàn vũ” rồi “chọn áo đỏ” trong “Cặp đôi hoàn hảo”, đến việc lộ clip dàn xếp kết quả trong “Giọng hát Việt”... Các thí sinh chửi bới, nói xấu nhau; giám khảo cứ việc nói thật sốc và “choảng” nhau chan chát... Chính vì thế, ý kiến từ nhiều khán giả cho rằng, vì lợi nhuận, BTC - nhà sản xuất bất chấp dư luận, nhà quản lý và cả thí sinh tham gia, miễn sao chương trình “nóng” và thu nhiều lợi nhuận.

Theo một số nghệ sĩ, bản chất của chương trình truyền hình thực tế chỉ là một chương trình giải trí đơn thuần, là cuộc chơi vui vẻ. Vấn đề là, cuộc chơi ấy càng nhiều chiêu trò càng nhiều ầm ĩ thì càng thu lợi. Có lẽ vì thế mà có người đã không ngại tuyên bố: “Không scandal, không chiêu trò không có... truyền hình thực tế” và với những gì đã diễn ra thời gian qua, câu này ít nhiều phản ánh đúng thực tế. Nhưng dù là cuộc chơi cũng cần sự công bằng, sòng phẳng; mà truyền hình thực tế lại khó mà sòng phẳng, rạch ròi khi các chương trình buộc phải theo luật, phải có đạo diễn và cắt dựng bài bản theo đúng quy trình có gay cấn, cao trào để đẩy cảm xúc người xem đến tận cùng, cho người xem tưởng rằng họ đang được mục kích một diễn biến hoàn toàn tự nhiên.

Diễn viên K.A - một thí sinh đã từng tham gia chương trình truyền hình thực tế đã phải thốt lên rằng: “Những game show ấy chỉ là những cuộc chơi trên truyền hình, nên yếu tố giải trí là rất cao. Có thể đó là những game show, chiêu trò tự tạo ra, vậy nên đừng đỏi hỏi sự công bằng...”. Việc chương trình “Giọng hát Việt” mời nhạc sĩ Phương Uyên - người từng dính scandal lộ việc dàn xếp kết quả “Giọng hát Việt” mùa đầu tiên và buộc phải rút lui khỏi vị trí này, tiếp tục vào vai trò Giám đốc âm nhạc, đã khiến dư luận không ngần ngại cho rằng: BTC quyết đối đầu, bất chấp dư luận để tạo sự chú ý của khán giả ngay khi mùa thứ 2 “Giọng hát Việt” khởi động. Và cho đến lúc này, khi cuộc thi “The Voice 2013” đã đi gần đến cuối chặng đường, khán giả dường như chỉ nhớ mỗi đến cái tên Phương Uyên - người đã dính vào nghi án scandal “dàn xếp kết quả” của “The Voice 2012” trước đó.

Ở các cuộc thi truyền hình thực tế thì Ban Giám khảo là một yếu tố quan trọng tạo nên “thương hiệu” các cuộc thi. Việc nhà sản xuất “chịu chơi” mời nhiều nghệ sĩ vào ghế nóng cũng có thể tăng sức hút của chương trình. Tuy nhiên, nhiều game show bị đánh giá là “nhạt” ngay từ Ban Giám khảo. Vừa rồi, “bộ tứ quyền lực” Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quốc Trung và Đàm Vĩnh Hưng được kỳ vọng sẽ mang lại sức nóng cho “The Voice 2013”. Trong những tập đầu tiên, họ ít nhiều đã làm được điều này, tuy nhiên bắt đầu những vòng trực tiếp, khán giả dần hụt hẫng khi phải nghe phát biểu dài lê thê của họ. Chưa kể cách huấn luyện thí sinh cũng chưa thuyết phục khán giả. Giám khảo chương trình “The Voice Kisd 2013” thì bị chê nói nhiều... Rồi thì tham gia những chương trình game show, những nghệ sĩ ấy “bị” ghét lây bởi khán giả không đồng tình với những câu nhận xét nhạt, thiếu tính chuyên môn của mình. Nhiều khán giả thắc mắc rằng, truyền hình thực tế ở Việt Nam bao giờ mới “gột” được nên hồ, để khán giả được xem những chương tình có ý nghĩa và đáng xem?

Một yếu tố khác khiến khán giả ít đặt niềm tin vào các game show truyền hình thực tế đó là sự thiếu minh bạch trong các game show. Mặc dù đã không ít lần BTC đã lên tiếng phủ nhận về điều này. Nhưng với kiểu công bố phần trăm tin nhắn mập mờ và hàng loạt sự cố tổng đài không cho bình chọn trong các đêm chung kết, hay lỗi nhầm số báo danh trong quá trình bình chọn của “Vietnam Idol”, “Giọng hát Việt”, “Vietnam's Got Talent”... cũng góp phần không nhỏ vào sự quay lưng của khán giả với truyền hình thực tế Việt.


Lạc Thành

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.