Thẻ hành nghề chỉ để làm cảnh!?

06:52 | 13/11/2013

938 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự thảo đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu vừa được đưa ra tranh thủ ý kiến báo giới. Vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy hơn nếu ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) muốn tấm thẻ phát huy tác dụng trong việc thêm một cơ sở để xử lý khi có vi phạm.

Có “dọa” được hát nhép?

Mời báo chí góp ý dự thảo Đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn bày tỏ thiện chí lắng nghe các nhà báo, phóng viên “vốn” tích cực phản ánh, phê phán những sái trái, lố lăng trong hoạt động văn hóa nói chung và lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật nói riêng. Thậm chí Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: Chúng ta là người một nhà!

Đây là việc cần thiết vì nhiều lần chính báo chí phát hiện và sớm đưa lên công luận những vụ việc mà ở đó, người mẫu, ca sĩ… tự làm méo mó hình ảnh của mình, gây ra cái nhìn thiếu thiện cảm của công chúng đối với giới nghệ sĩ. Qua báo chí, nhiều nhà quản lý cũng giật mình vì sự biến tướng và khó lòng kiểm soát của những hành vi thiếu thẩm mỹ, bệnh hoạn, ngông cuồng trên sân khấu. Và có lẽ, phê phán được, ngành văn hóa cũng hy vọng báo chí góp ý, bổ sung được cho dự thảo đang còn nhiều điều ngổn ngang. Và thực sự, những góp ý, băn khoăn của báo chí vừa qua cũng càng phản ánh mức độ “ngổn ngang” của dự thảo cho văn bản dự kiến sẽ đi vào hiện thực từ năm tới.

Trong tương lai, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ có thêm một yếu tố để quản lý, giám sát - đó là thẻ hành nghề

Xoay quanh phạm vi: Thời hạn sử dụng thẻ hành nghề; Đối tượng và điều kiện được cấp thẻ; Thủ tục, hồ sơ cấp thẻ; Quản lý Nhà nước về cấp thẻ; vấn đề thu hồi và hình thức xử phạt nếu vi phạm… dự thảo vẫn cần được xây dựng chi tiết, chặt chẽ hơn. Ví dụ: dự thảo nói nghệ sĩ sẽ bị thu thẻ nếu bị xử phạt vi phạm hành chính do hát nhép. Trong khi đó, hiện nay, với không ít chương trình truyền hình trực tiếp, việc hát nhép vẫn là bất khả kháng. Liệu có phải điều chỉnh chi tiết này trong dự thảo? Hay văn bản tương lai liệu có đủ sức xóa được hát nhép trong truyền hình trực tiếp? Việc này… thật khó!

“Quản” hết đối tượng chưa?

Cùng với đó, theo dự thảo, một trong những đối tượng cấp thẻ là “cá nhân đang học tập trong các cơ sở đào tạo về nghệ thuật”. “Cơ sở đào tạo” ở đây theo giải thích khái niệm trong dự thảo là hệ thống các trường có chức năng đào tạo và cấp văn bằng tốt nghiệp về một chuyên ngành nghệ thuật.

Trên mặt sau của thẻ hành nghề quy định: Trong khi biểu diễn không được tự tiện thay đổi nội dung, thêm bớt lời ca, lời thoại, không được thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn. Riêng trong lĩnh vực ca múa nhạc thì nội dung bài hát, động tác múa đòi hỏi phải chính xác. Còn trong biểu diễn sân khấu, không phải lúc nào người diễn viên cũng có thể thực hiện đúng động tác hay nói đúng lời thoại đã được duyệt, do những sáng tạo mới trong quá trình biểu diễn.

Hiện nay hoạt động đào tạo nghệ thuật đã được xã hội hóa mạnh mẽ, xuất hiện thêm nhiều trung tâm, công ty, doanh nghiệp cũng có chức năng đào tạo về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang. Như vậy, các cơ sở, trung tâm, công ty này và những người được đào tạo từ đó, liệu có hy vọng gì chăng hay những đơn vị, cá nhân này sẽ đều nằm ngoài “tiêu chuẩn”? Trong khi thực tế, lực lượng được đào tạo từ các địa chỉ này tham gia vào hoạt động biểu diễn, trình diễn cũng không ít. Họ có bị “out” khỏi phạm vi được cấp thẻ hay sẽ phải trải qua tiến trình thẩm định, nhận xét về khả năng chuyên môn?

Bên cạnh đó, các hoạt động biểu diễn, trình diễn đang được tổ chức thường xuyên, huy động lực lượng nghệ sĩ, diễn viên rất lớn, gồm cả nghệ sĩ chuyên nghiệp, trong và ngoài công lập, kể cả sinh viên, học sinh các trường nghệ thuật... Cũng liên quan đến khả năng chuyên môn và vấn đề thẩm định, dự thảo còn đưa ra đối tượng cấp thẻ là “cá nhân hoạt động tự do, có khả năng chuyên môn và nhu cầu tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang”.

Như vậy, những thực tế trên cho thấy, đối tượng mà đề án trong tương lai hướng đến để quản lý sẽ rất đa dạng, không dễ kiểm soát cũng như kịp thời và liên tục thẩm định về chuyên môn, năng lực biểu diễn. Vậy việc tổ chức thẩm định, nhận xét về chuyên môn sẽ diễn ra như thế nào? Các cơ quan quản lý và chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm gì? Đây cũng là những câu hỏi cần được trả lời đầy đủ hơn trong dự thảo.

“Ra tay” chưa đủ “độ”

Với hình thức xử phạt nếu vi phạm, dự thảo đưa ra thời gian thu thẻ theo ba mức: 6, 12 và 24 tháng. Đồng thời, không cấp lại thẻ nếu bị thu hồi quá ba lần. Nhưng dự thảo vẫn cần bổ sung hình thức xử phạt trong trường hợp người bị thu thẻ rồi nhưng vẫn cố tình biểu diễn hoặc biểu diễn “chui”. Ngoài ra, với “hình phạt” không cấp lại thẻ nếu đối tượng bị tòa tuyên có tội trong vụ án hình sự, có nhà báo cho rằng, nên cân nhắc đến yếu tố hoàn lương. Nếu người ta thực sự tu tỉnh sau khi chịu án thì cũng có thể cấp lại thẻ! Ý kiến khác còn đặt vấn đề lường trước những trường hợp các cá nhân không hoặc đã bị thu thẻ, vẫn có thể làm thẻ giả để tiếp tục hành nghề. Như vậy, việc xử lý cần được làm cho cụ thể về mức độ xử phạt và bao quát được nhiều hơn để đề phòng các khả năng vi phạm.

Liên quan đến nhiệm vụ tăng cường thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý, nhất là lực lượng thanh tra địa phương nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, với bộ máy hiện nay, sắp xếp lại và làm hết khả năng theo chức trách, nhiệm vụ được giao là đã đảm bảo được yêu cầu rồi. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, việc cấp thẻ không nặng về thủ tục, không tạo cơ chế xin - cho, mà sẽ tăng cường hậu kiểm để nếu có vi phạm là phải xử lý ngay. Hy vọng từ nhận định và chủ trương này đến việc các lực lượng chức năng đảm đương tốt công việc liên quan đến tấm thẻ hành nghề, không phải là khoảng cách quá xa. Và muốn như vậy thì cùng với rất nhiều biện pháp, việc tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật không chỉ cần thực hiện với các nghệ sĩ, người mẫu, mà phải với cả lực lượng cán bộ.

Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Đăng Chương, ngành văn hóa dự kiến tháng 12 năm nay đề án sẽ được ban hành để tháng 4 sang năm việc cấp thẻ bắt đầu cho đến hết năm cấp xong cho nghệ sĩ, người mẫu. Và năm 2016 sẽ hoàn thành cơ bản việc cấp thẻ cho các cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đây là việc lâu dài do đối tượng cấp sẽ luôn tăng lên, bổ sung mới. Điều này cũng có nghĩa là các công tác kéo theo về tổ chức, hồ sơ thủ tục, kinh phí, xét, cấp và cấp lại, tuyên truyền, bồi dưỡng, công tác hậu kiểm… cũng sẽ nhiều, thường xuyên với đòi hỏi cao về sự minh bạch, kiên quyết và không chồng chéo.

Dự thảo giấy xác nhận của Giám đốc Sở VH-TT&DL về việc cấp thẻ, thời gian cấp, số thẻ, lý do xin xác nhận và thời hạn có giá trị của giấy xác nhận. Trong khi trước đó, dự thảo lại quy định thời hạn của thẻ là: Không thời hạn. Như vậy ở đây có sự mâu thuẫn giữa thời hạn của thẻ và thời hạn của giấy xác nhận. Liệu kiểu giấy xác nhận đi kèm với tấm thẻ hành nghề như vậy có cần thiết không? Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về vấn đề thời hạn của thẻ hành nghề.


Linh Chi