“Tay ngang” tan hoang showbiz

07:11 | 25/05/2013

755 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người mẫu làm ca sĩ, ca sĩ làm diễn viên, diễn viên làm MC, MC làm vũ công, vũ công làm đạo diễn, đạo diễn làm giám khảo… nghệ sĩ Việt đang khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể vì sự đa tài của họ. Không phủ nhận có những nghệ sĩ lấn sân thành công, nhưng cũng có những “tay ngang” khiến khán giả không biết nên cười hay nên khóc.

Hoa hậu đi làm MC là một trong những minh chứng rõ rệt nhất của bệnh “cuồng vĩ” đang ngày càng trở nên phổ biến trong nghệ sĩ. Các người đẹp nghĩ rằng, chỉ cần đẹp, ăn vận lộng lẫy, biết nói tiếng Việt là có thể trở thành người dẫn chương trình. Thực tế thì các người đẹp của chúng ta không hề nghĩ sai. Bởi lẽ, có rất nhiều nhà tổ chức nhiều chương trình truyền hình nghiêm túc, quy mô, phát sóng quảng bá trên các kênh đại chúng cũng nghĩ như các cô nên mới thi nhau mời người mẫu, hoa hậu nắm giữ linh hồn của chương trình.

Và thế là, báo giới lập tức gán cho các cô nường mắt xanh mỏ đỏ chân dài da trắng xiêm áo bồng bềnh này thêm một chữ MC - người dẫn chương trình lên phía trước tên thật của họ. Ừ thì dẫn, các người đẹp bắt đầu tỏ rõ sự “nguy hiểm” của mình.

MV gây sốc cả về hình ảnh lẫn giọng hát của người mẫu Hoàng Yến

Sau một thời gian thử sức trong nhiều hoạt động như ca hát, đóng phim với kết quả khá tệ, Hoa hậu châu Á tại Mỹ nhận ra rằng, trở thành MC mới đúng với “bản năng” “thiên phú. Cô thử sức và ngay lập tức, Hoa hậu châu Á tại Mỹ chứng minh mình đã hoàn toàn đúng khi chọn công việc này để “kiếm chút danh gì với núi sông” ngoài vương miện Hoa hậu. Cô xinh đẹp, cô có ưu thế tiếng Anh, cô được mời làm MC trong nhiều chương trình lớn. Và cô đã nói (dĩ nhiên là trên sân khấu, trước ống kính truyền hình): “Cứ tưởng tượng tỉnh dậy bên một người đàn ông chưa đánh răng và có cái mồm thối như thế thì...”. Dường như không biết mình đang cực kỳ nguy hiểm, cô tiếp tục: “Dù chồng mình có thối mồm nhưng yêu thương mình chân thành thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi” (!).

VTV đã tiếp nhận nhiều hoa hậu, á hậu về đầu quân. Cũng có người được công nhận, như Á hậu Ngọc Oanh chẳng hạn, nhưng cô cũng không ở lại lâu với nghề. Hơn nữa, đơn điệu và thiếu sự sắc sảo của một chủ show (host), bản thân Ngọc Oanh cũng chưa hẳn đã thoát được cái bóng người đẹp - MC, kể cả khi cô đang ở đỉnh cao của công việc.

Người mẫu hát là một nỗi ám ảnh đến tột cùng đối với những lỗ tai chưa bị điếc bởi nền âm nhạc thiếu hẳn một nhạc trưởng tài ba, thiếu hẳn những giọng ca để đời, như Tường Vi của “Cô gái vót chông”, Tân Nhân của “Xa khơi”… Được đầu tư chăm chút phần hình ảnh, cảnh và người đều đẹp mê hồn nhưng khi các “ca sĩ” cất tiếng hát thì khán giả hết hồn. Thảm họa “Da nâu”, hay cả những MV được quay với “diễn viên” minh họa là một chú trăn khổng lồ của Hoàng Yến dù sốc cũng không thể sốc bằng giọng hát. Đến mức, bây giờ, khán giả chán cả việc chê bai, ném đá, mà quay sang hốt hoảng. Làm thế nào để thức tỉnh các mỹ nữ? Làm thế nào để họ chịu hiểu rằng đẹp cũng đã đủ để nửa kia thèm muốn và nửa này thì ghen tỵ rồi?

Bởi có quá nhiều diễn viên chọn nhầm vai diễn, nên kết quả là tạo nên một bức tranh lổn nhổn những gạch đá, vụn vữa đã và đang đập vào tai mắt khán giả hằng ngày. Các chương trình truyền hình thực tế khiến công chúng sôi sùng sục hết chuyện giọng hát của thí sinh đến giám khảo khiêu vũ là đạo diễn. Ngay cả MC, một công việc cần có trí tuệ - tri thức - văn hóa - chuyên môn thật sự chứ không thể chỉ bằng bản năng, trời cho ai nấy hưởng, cũng đang ngày càng bị đơn giản hóa. Chỉ cần có thể nói không quá ậm ờ tập tạch mấy câu cám ơn bạn, chúc mừng bạn, sau đây chúng ta sẽ thưởng thức, xin mời ý kiến của giám khảo… là đã có thể vỗ ngực xưng MC.

Dễ dãi, trong mọi phương diện, loại hình đang là cảm nhận chung của công chúng về bức tranh nghệ thuật Việt đương đại. Loạn danh xưng, nhầm nghề nghiệp là thực tế đáng buồn hiện nay. Trong khi một ca sĩ Hàn Quốc muốn được “xuất xưởng”, biểu diễn trên sân khấu, trở thành sao thì gần như họ đã phải chấp nhận từ bỏ mọi niềm vui thú khác và sống khổ cực trong các học viện đào tạo ngôi sao, các công ty quản lý trong một thời gian dài.

Tham gia các cuộc thi hát trên truyền hình, là con đường đơn giản để trở thành ca sĩ?

Người ta ước tính rằng, tổng chi phí đào tạo nên một ca sĩ ở Hàn Quốc là khoảng 2 triệu USD và trong khoảng thời gian rèn luyện là 5 năm. Các tài năng trẻ nếu muốn trở thành người nổi tiếng ở Hàn Quốc, đều phải chấp nhận một thời khóa biếu sắt đá, một chế độ hà khắc và thậm chí phải chia tay với những “quyền lợi cơ bản của một con người”. Mỗi ngày, các ca sĩ tương lai phải rèn luyện kỹ năng biểu diễn từ 9 đến 10 giờ ngày hôm trước đến 2, 3 giờ ngày hôm sau. Trong quãng thời gian đó, họ chỉ có hai hoặc ba tiếng nghỉ trước hoặc sau bữa ăn.

Ở Việt Nam, thì chỉ cần có mặt, tham gia trong một cuộc thi âm nhạc, không cần tới quán quân, hay vòng nguyệt quế, lọt vào mắt xanh của nhà tổ chức nào đó, hay một ca sĩ nắm trong tay một công ty đào tạo ca sĩ nào đó, dưới bàn tay “phù phép” của những bậc thầy PR, họ đã có thể bay sô như vũ bão. Chỉ trong thời gian ngắn, trở thành ca sĩ và cũng sau một thời gian ngắn, mất hút giữa triệp trùng những “ca sĩ” khác.

Một nền nghệ thuật đang được tạo ra bởi những “tay ngang”, nên thiếu hẳn những tượng đài những đỉnh núi trên mọi lĩnh vực cũng là điều dễ hiểu. Nếu nói các ca sĩ Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần là những diva, thì hẳn ai cũng nhận ra, cả bốn người đều thuộc “đời” 6X-7X. Gần ba thập niên đã trôi qua, rất nhiều ông hoàng bà chúa đã được hoặc tự xưng tụng, chúng ta vẫn chưa tìm ra gương mặt nào triển vọng cho cái ghế diva đó.

Tương tự phim ảnh cũng vậy, việc phải sản xuất một số lượng lớn phim truyền hình như hiện nay đã đẩy các nhà làm phim vào tình trạng khan hiếm diễn viên, thậm chí buộc họ phải từng bước “nghiệp dư hóa” đội ngũ này khi phải sử dụng một số lượng lớn diễn viên tay ngang không có kinh nghiệm và khả năng diễn xuất. Dù họ biết rằng, diễn viên luôn giữ một vị trí quan trọng, là bộ mặt của phim. Một gương mặt điện ảnh, được đào tạo bài bản chính quy, nhiều kinh nghiệm thực tế đang dần trở thành giấc mơ của không chỉ khán giả mà còn của các đạo diễn.

Thiếu những nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, trách nhiệm thuộc về những người có trách nhiệm đã để buông trôi vấn đề này. Sau đó, là sự quản lý lỏng lẻo, mạnh ai nấy diễn, tiền ai nấy thu, đang đẩy nền nghệ thuật đương đại rơi vào cái hố mang tên “thảm họa”…

Ca sĩ mặc như không mặc lên sân  khấu. Ai cũng có thể thu và phát hành album. Giám khảo thì nhà tổ chức muốn mời ai cứ mời. Thần tượng do chủ quan của khán giả bầu chọn nên. Phim ảnh quay dựng tràn lan rồi cứ thế ra rạp. Tới lúc nhà chức trách tuýt còi thì bản full đã kịp thời leo lên mạng và được phát tán một cách nhanh còn hơn cả gió.

Không có nhạc trưởng thì các nhạc công sẽ mạnh ai nấy chơi, không có trọng tài thì không có người phân định thắng thua cho một trận đấu. Thiết nghĩ, cái gọi là quy chế nghị định trong biểu diễn ở Việt Nam đã đến lúc phải được thực thi một cách chặt chẽ, đồng bộ và triệt để. 

Ha Ny

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan