Sẽ có một dòng “phim lai”?

19:00 | 14/11/2013

1,412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc đạo diễn Việt Kiều “đổ bộ” về nước làm phim đã có những lo lắng cho rằng, Điện ảnh Việt sẽ sản sinh ra một loạt những tác phẩm lai căng, ná ná của nước ngoài. Và cứ tình trạng này thì không còn những “dấu ấn” Việt Nam trong phim Việt nữa…

Đã từng lo lắng bởi sự đổ bộ của đạo diễn Việt kiều về nước làm phim, diễn viên Thế Anh chia sẻ: “Sợ rằng họ mang theo những thứ bên Tây về. Khi đó, xem phim Ta mà cứ ngỡ xem phim Tây thì rất chán”. Mối lo ngại của diễn viên Thế Anh không phải không có cơ sở bởi thực tế đã có những bộ phim được bị đánh giá là mang hơi hướng nước ngoài, hay phim nước ngoài “đội lốt” phim Việt.

Công bằng nhìn nhận, thì sự xuất hiện của những gương mặt đạo diễn Việt kiều trẻ về nước làm phim đã thổi một luồng gió mới cho nền điện ảnh nước nhà. Và việc dám liều đổi mới là những gì có thể ghi nhận ở các đạo diễn Việt Kiều khi họ dám hướng đến thị trường phim còn nhiều những khắt khe và ít cởi mở như ở xứ ta.

Có thể do nhìn thấy thị trường tiềm năng trong nước mà ngày càng nhiều đạo diễn trẻ hướng về quê hương. Điểm lại cũng có một lực lượng hùng hậu những tên tuổi đã có công nâng tầm phim Việt lên vị thế mới như: Võ Nghiêm Minh, Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng, Tony Bùi... rồi đến những tên tuổi “đương thời” như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Lưu Huỳnh, Dustin Nguyễn hay Vũ Trọng Khoa...

Có ý kiến cho rằng "Âm mưu giày gót nhọn" là phim Mỹ "trá hình"

Điểm chung của “lực lượng” đạo diễn này có thể thấy, họ đều là những gương mặt trẻ, nhiệt huyết với nghề và không ngại khó “chinh phục” thị trường phim còn khó lường như ở Việt Nam. Có thể thấy, “lứa đầu” cũng đã cho ra những thành tích đáng nể, phần nào làm danh giá nền điện ảnh Việt trên các đấu trường quốc tế như: Trần Anh Hùng với Mùi đu đủ xanh (phim duy nhất mang danh điện ảnh Việt Nam cho đến nay lọt vào vòng đề cử 5 phim cuối cùng cho giải Oscar phim nước ngoài hay nhất), Tony Bùi với Ba mùa (giải Khán giả và Giám khảo tại LHP Sundance), Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu (giải đặc biệt LHP Locarno Thụy Sĩ)... Đó đều là những bộ phim có tính nghệ thuật cao.

Tiếp thêm sức sống cho dòng phim chiếu rạp là sự ra đời của một loạt các phim có sức hấp dẫn gắn với các tên tuổi trẻ như: Áo lụa Hà Đông, Lấy chồng người ta của Lưu Huỳnh; Dòng máu anh hùng, Để Mai tính, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ của Charlie Nguyễn; 14 ngày phép, Vũ điệu đường cong của Vũ Trọng Khoa; Chuyện tình xa xứ, Cô dâu đại chiến, Giao lộ định mệnh, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thàm đỏ của Victor Vũ... Rõ ràng, vài năm trở lại đây, những cái tên này đã lấn át hẳn trên thị trường phim Việt.

Chính bởi sự đổ bộ đó mà mối lo mất chất “Thuần Việt” trong phim Việt cũng là đương nhiên.

Phải thừa nhận đội ngũ đạo diễn trẻ được học tập, đào tạo bài bản ở nước ngoài, thêm nữa là họ cũng sinh sống ở nước ngoài lâu nên việc tiếp cận một cách sâu, xa vào văn hóa Việt còn nhiều hạn chế. Chẳng thế mà, mới đây nhất với “Âm mưu giày gót nhọn” của đạo diễn Hàm Trần vừa cho ra rạp, đã có ý kiến cho rằng đó là một bộ phim Mỹ “trá hình”. Bởi với những hình mẫu linh hoạt được sử dụng trong phim, cộng với cách dẫn dắt và xử lý tình huống bài bản chủ trương đem đến tiếng cười tự nhiên, biết tiết chế chi tiết… là điều ít phim Việt làm được. Đặc biệt là tuyến nhân vật được xây dựng dễ liên tưởng đến "Cô nàng lắm chiêu"... thì việc nghi ngờ mang bóng dáng của điện ảnh Mỹ cũng không phải không đúng.

Tiền Chùa cài cắm yếu tố tâm linh của phương Đông vào phim

Ra rạp cùng thời điểm, Tiền Chùa của đạo diễn Thiện Đỗ có khả quan hơn. Biết tiết chế tình huống và cài cắm hơi thở của cuộc sống hiện tại nhưng vẫn mang truyền thống Á Đông như quan niệm về việc may rủi, hên xui… nên dễ dàng “lấy lòng” công chúng hơn.  Dù có sự “lai căng” nhưng hai bộ phim này vẫn được công chúng đón nhận. Trước đó, “Lửa Phật” của Dustin Nguyễn thì không được may mắn như thế. Bị đánh giá là quá xa rời bản sắc Việt khi sử dụng những thước phim hành động với kỹ xảo cao và thông điệp truyền tải thì mang nhiều tính chất bạo lực, không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Rõ ràng, theo một thể loại mới là hành động thì thật khó để Dustin Nguyễn gò ép mình trong một khuôn khổ nào. Trong khi phim hành động lại được xem là yếu của điện ảnh Việt… Đó cũng là cái khó.

Khẳng định việc "bắt" mang chất Thuần Việt trong phim của đạo diễn Việt kiều là một cái khó. Vậy mới nảy sinh mối lo ngại rằng: Với thực tế, đạo diễn Việt kiều áp đảo như hiện nay, thì liệu rằng một thời gian nữa chúng ta sẽ có một dòng "phim lai"? Nhìn nhận một cách khách quan thì lực lượng đạo diễn Việt Kiều đã có công trong việc mở ra những hướng đi mới cho nền điện ảnh Việt. Sự trẻ trung, nhanh nhạy đặc biệt là những yếu tố hành động, giả tưởng kết hợp với những kỹ sảo bắt mắt được sử dụng trong phim Việt, đẩy tiết tấu phim nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn... là điều mà phim của các đạo diễn thuần Việt làm chưa tới. Chính đạo diễn Phi Tiến Sơn đã từng chia sẻ: "Những đạo diễn Việt kiều về nước làm phim đã có những tác động nhất định với điện ảnh nước nhà”.

Có “công” là thế, nhưng thiết nghĩ bất cứ một nền nghệ thuật nào cũng phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước đó. Nên nếu làm phim theo hướng hiện đại mà các đạo diễn vẫn có thể tập trung tìm hiểu sâu xa để mang bản sắc, văn hóa Việt vào điện ảnh mới là điều đáng quý. Còn xem phim Việt mà công chúng những tưởng đó là phim ngoại thì dù hay đến mấy, cũng là sự thất bại của các nhà làm phim Việt!

Huyền Anh