Sách sai: Phải “đánh” ngay!

11:03 | 06/12/2013

1,499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những sai sót trong sách giáo khoa, sách tham khảo có thể mang lại hậu quả khôn lường đối với giáo dục nhân cách và lẽ sống cho tuổi trẻ nếu không có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời!

Aladin và phù thủy châu Phi để tóc đuôi sam(?!)

“Ngày xửa ngày xưa, tại một thị trấn nhỏ của nước Trung Hoa có một cậu bé tên là Aladin…”. Đây chính là nội dung đầu tiên trong cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi mang tên “Aladin và cây đèn thần” do NXB Dân Trí phát hành. Đặc biệt, ngay trong trang đầu tiên của cuốn sách, cả Aladin và tên phù thủy đều để tóc đuôi sam Mãn Thanh. Đây cũng chính là chi tiết tạo nên cuộc tranh luận vừa qua. Bởi hình ảnh Aladin quấn khăn và cưỡi lạc đà từ xứ sở “ngàn lẻ một đêm” mới chính là hình ảnh hiện diện trong mỗi người lớn lên từ những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”!

Một ngày đẹp trời, Aladin bỗng dưng quấn đuôi sam! Thật ngạc nhiên khi người cho câu chuyện này là “phù hợp” lại là một người Việt, lại đương chức một nhà NXB lấy trí thức là tiêu chí đầu tiên. Rồi đây, những đứa trẻ ngày nay sẽ mặc định ngay rằng Aladin là người Trung Quốc. Trong khi, cả thế giới đều biết nàng Sheherazade đã kể cho nhà vua Shahryar nghe “Aladin và cây đèn thần” trong truyện cổ Ba Tư (Iraq) “Ngàn lẻ một đêm”, nhưng rất tiếc người trong NXB Dân Trí lại không hề biết!

Cũng xin nói thêm rằng đây không phải là cuốn sách dành cho thiếu nhi đầu tiên từ nhà xuất bản này gây bức xúc. Trước đó trong Bộ sách “Phát triển trí thông minh” cho học sinh lớp 1 thì có hình ảnh cổng trường “cắm” lá cờ 5 sao Trung Quốc.

Đại diện nhà xuất bản đổ lỗi rằng đây là sách dịch nên phải tuân thủ phiên bản gốc. Song khi một cuốn sách được ghi rõ là biên soạn cho trẻ em Việt Nam, theo chương trình giáo dục Việt Nam thì nội dung, hình ảnh phải phù hợp với trẻ em Việt Nam, và không thể có chuyện trong hình ảnh ngôi trường lại vẽ cờ Trung Quốc!

Cuối tháng 11 vừa qua, một cuốn sách dành cho trẻ mầm non cũng đã bị thu hồi vì những sai sót vô cùng tệ hại. Đó là cuốn “Đồng dao dành cho trẻ em mầm non” của nhà xuất bản Mỹ thuật và công ty Văn hóa Đinh Tị phát hành năm 2012. Khi đưa ra thị trường, đã có những ý kiến của độc giả, là các bậc phụ huynh, cho rằng sách có những nội dung không hợp lý, không phù hợp với lứa tuổi mầm non. Cụ thể là bài “Chơi vỗ tay” với hình ảnh “quả đấm”. Hoặc bài “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng” thì là “đập chết”… rất  bạo lực và phản cảm!

Sách cho trẻ Việt, trường học lại “cắm” cờ 5 sao

Thật khó tưởng tượng khi một nhà xuất bản danh tiếng, xuất bản một cuốn sách đơn giản dành cho thiếu nhi lại đầu độc tâm hồn trẻ đến thế. Trẻ thơ vốn là một đối tượng nhạy cảm của giáo dục, các em như một tờ giấy trắng mà những gì sách vở, thầy cô dạy như là những vết mực vẽ lên đó. Thử hỏi những bài học dạy cho trẻ mà lại phi giáo dục, phi nhân tính thì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ như thế nào?! 

Nhưng, không phải chỉ những sách tham khảo mới xảy ra hàng loạt những sai phạm mà ngay cả sách giáo khoa (SGK) cũng xảy ra những tình trạng tương tự. Một trong những cuốn sách SGK rất nhiều sạn là Tiếng Việt 1do NXB Giáo dục Việt Nam (trực thuộc Bộ GD-ĐT) phát hành. Trong cuốn SGK được coi là mẫu mực này, người đọc có thể bắt gặp rất nhiều lỗi sai ở cách viết thường, viết hoa

Tương tự, SGK môn Lịch sử 6 có độ dày chỉ 84 trang, song lại có khá nhiều “sạn”, ghi sai địa danh một cách nghiêm trọng.

Hiện nay có rất nhiều sách nói chung, từ sách tham khảo, sách giáo khoa cho học sinh đến sách văn học đang “đầu độc” văn hóa đọc với những sai sót nghiêm trọng hoặc bằng những nội dung, ngôn từ, hình ảnh không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục người Việt. Nhưng, lỗi tại ai?

Đầu tiên, lỗi đó thuộc về người biên soạn, dịch ra những trang sách như thế. Song, lỗi lớn hơn ở các NXB, họ là người đã quyết định cho ra đời những trang sách ấy để đến với người đọc. Có thể là do NXB thiếu chuyên nghiệp, không đủ trình độ chuyên môn để biên tập, thẩm định giá trị một cuốn sách trước khi cho ra đời. Hoặc là vì lợi nhuận mà chạy theo số lượng nên làm cẩu thả, tắc trách?!

Có một thực tế hiện nay của nhiều NXB, đơn vị làm sách là làm sao để sách ra nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất với chi phí ít nhất. Chính vì vậy mới có thực tế 2 biên tập viên “đỡ đẻ” cho cả trăm cuốn sách, trung bình mỗi tháng gần chục cuốn, cuốn nào cũng dày cả trăm trang.

Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhắc đến trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” vừa qua bằng câu: “Biểu hiện tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục”.

Hội nghị Trung ương 8 vừa qua đã thông qua Đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục, đào tạo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ví von việc đổi mới lần này như là một “trận đánh lớn” của ngành giáo dục. Nhưng rõ ràng việc triển khai Đề án này thế nào để mang lại hiệu quả là một câu chuyện dài; và “đánh” thắng hay thua thì người “Tổng tư lệnh” của ngành giáo dục cũng còn chưa biết chắc!

Song, có thể khẳng định rằng để ngành giáo dục có thể “đánh” được những trận lớn thì trước tiên phải giành lấy thắng lợi ở những “chiến dịch nhỏ”. Đó là việc làm sao chấn chỉnh được công tác xuất bản của các NXB. Để từ đó tiến đến việc chấm dứt được được tình trạng những quyển sách sai sót nghiêm trọng, “đầu độc” văn hóa đọc lại có thể tràn lan trên thị trường rồi xâm nhập vào nhà trường như vừa qua!

Trúc Vân