Phim Việt tụt dốc trước gánh nặng doanh thu!

11:30 | 18/10/2013

1,170 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể thấy cả khâu sản xuất và phát hành phim đều đang đối diện với nhiều bất cập, khó khăn. Và việc sản xuất phim đang có xu hướng đặt nặng vào doanh thu đã gián tiếp đưa phim Việt đến sự tụt dốc.

Thực tế dù muốn hay không thì doanh thu vẫn được coi là mốc đánh giá thành - bại của một bộ phim. Nên việc làm sao để thu hút được doanh thu là điều không khỏi khiến các nhà làm phim...đau đầu.

Hơn 2 tháng trước, “Đường đua” ra mắt đã được giới chuyên môn và báo giới hết lời ca tụng. Tuy nhiên, khi ra rạp thì lại thất bại thảm hại khi không thu hút được công chúng mua vé. Đó đã là câu trả lời rõ ràng nhất về thành, bại của một bộ phim! Bởi cho dù có được khen tới đâu, nhưng việc không bán được vé nghĩa là phim không được công chúng đón nhận. Vậy mới nói, doanh thu từ một sản phẩm nghệ thuật là tối quan trọng, nhất lại là khi nghệ thuật đang ngập trong những toan tính về doanh thu như hiện tại.

Không bán được vé, Cát nóng từng bị đánh bật khỏi rạp không thương tiếc

Hiện tại, số lượng phim ra rạp của điện ảnh hàng năm không ngừng tăng, nhưng chất lượng phim thì lại... đi xuống. Chung quy cũng là bởi, do các nhà sản xuất quá sợ cảnh lỗ vốn nên tìm mọi cách để truy hồi vốn nhanh và buộc phải có lợi nhuận khi ra rạp. Thế nên, một số nhà sản xuất không dám đầu tư mạnh, chi phí cao để có chất lượng mà chỉ quẩn quanh với những bộ phim nặng về hài nhảm, đầu tư ít nhưng thu hồi vốn nhanh. Vậy nên những bộ phim được xếp vào hạng "thảm họa" như: Hello cô Ba, Nhà có 5 nàng tiên, Biết chết liền,... mới được ra rạp đông đảo đến thế. Đặc điểm chung của những bộ phim “dễ dãi” này là ít đầu tư vào nội dung, thay vào đó là tìm những yếu tố gây tò mò như: Mời những diễn viên được yêu mến, những gương mặt hotboy, hotgirl làm diễn viên với mục đích duy nhất là đánh vào thị hiếu để câu khách... Đây cũng là một trong những “mánh khóe” quen thuộc để các nhà làm phim móc hầu bao khán giả.

Phim chiếu rạp là thế, phim truyền hình cũng không khả quan hơn. Việc bỏ ngỏ dòng phim một tập đi theo trào lưu của dòng phim dài tập cũng là do hai chữ “doanh thu”. Việc cố “bôi” cho dài để còn có “đất” cho... quảng cáo đã là tình trạng chung khiến phim truyền hình dài tập của xứ ta rơi vào trạng thái chung là nhảm, nhạt, để rồi càng theo dõi càng thấy rõ sự “hụt hơi”.

Tình người duyên ma của điện ảnh Thái Lan đã đại náo rạp chiếu trong nước một thời gian dài

Trong khi gánh nặng về doanh thu chưa thể cởi bỏ lại tiếp chuyện phải cạnh tranh với việc phim nhập ngoại tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này khó có thể so sánh bởi sẽ ngày càng khiến điện ảnh Việt đi những bước... thụt lùi. Đúng như trong khuôn khổ của LHP lần thứ 18, nói về chất lượng sản xuất và xuất bản phim, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch hội đồng duyệt phim quốc gia đã từng băn khoăn: “Mỗi năm hội đồng duyệt và cho nhập trên 100 phim ngoại nhưng chỉ có hơn 10 phim Việt ra rạp”. Con số mà bà Ngát cung cấp đã cho thấy phim Việt bị “át vía” như thế nào.

Cũng theo lời bà Ngát: Với thị trường 90 triệu dân thì không thể nói chúng ta không có khán giả. Tuy nhiên, thị trường này đang bị bỏ ngỏ bởi phim Việt đa phần chất lượng không cao, vốn sản xuất của các hãng lại không dồi dào. Cộng với việc các hãng sản xuất không có kế hoạch, không tình đến việc liên kết với nhau mà chỉ tính cốt sao làm phim để ... thu hồi vốn. Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam đã kinh doanh rất tốt nhưng các nhà làm phim và sản xuất phim xứ ta lại chết yểu.

Ngay cả nỗ lực làm phim dài tập để cạnh tranh với “sức hút” của phim dài tập nước ngoài khi nó đang làm mưa, làm gió trong nước... thì phim Việt cũng không mấy thành công. Thay vì nghĩ làm sao để tạo để lôi cuốn khán giả bằng tình tiết trong phim, thì phim Việt lại chỉ chăm chăm tô vẽ... cho dài để có thời lượng quảng cáo. Thực trạng phim nội đang bị lấn át bởi phim ngoại là điều ai cũng biết, nhưng trả lời câu hỏi thoát khỏi sự lấn át ấy ngay trên sân nhà thì vẫn chưa có lời đáp.

Thiết nghĩ, việc cân đối giữa làm phim đáp ứng nhu cầu về doanh thu với dòng phim nghệ thuật là điều cần có; các nhà sản xuất phim thay vì miệt mài chạy theo doanh thu thì cũng nên chú ý đến việc làm phim nghệ thuật. Bởi bên cạnh những bộ phim “mì ăn liền” để giải quyết vấn đề lớn là tài chính thì các nhà làm phim không nên bỏ quên trách nhiệm của mình là sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật.

Huy An

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps