NSƯT Việt Hoàn: Chính người nghe sinh ra ca sĩ "rởm"

19:00 | 25/09/2013

1,530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không như những ca sĩ theo dòng nhạc trẻ, có thanh, có sắc, được tung hô và đón nhận nồng nhiệt, Việt Hoàn đã phải nỗ lực vượt bậc để khẳng định mình, đi lên bằng chính tài năng và tiếng hát của mình. Lên sân khấu, chỉ áo sơmi, cà-vạt hay com-plê chỉnh tề, không có vũ đoàn nhảy nhót... Việt Hoàn dồn tất cả tình yêu, niềm đam mê, kỹ thuật vào giọng hát để rồi chính tiếng hát ấy chinh phục người nghe.

PV: Là ca sĩ trưởng thành của thế hệ ca sĩ không thảm đỏ, anh nghĩ sao về những người làm nghệ thuật hiện nay?

NSƯT Việt Hoàn: Nhạc Việt Nam hiện nay có thể chia làm ba dòng: nhạc cách mạng; nhạc dân tộc, nhạc dân gian và nhạc thị trường. Nhưng không thể đứng ở dòng nhạc này phán xét về dòng nhạc kia, mà chỉ có thể nói là, những người làm nghệ thuật chân chính và những người chạy theo cơ chế thị trường.

Văn hóa nghệ thuật đang hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Nhưng đáng buồn là những người có tài năng, tố chất thật sự lại đang chung sống với khó khăn. Bởi trong một xã hội trăm hoa đua nở, có thể nhiều người không bằng giọng hát hay, không bằng khả năng thiên phú bẩm sinh về nghệ thuật nhưng có những mối quan hệ, có ngoại hình đẹp và rất nhiều các thứ khác bổ trợ thì họ lại được vinh danh. Thay vì trước đây, Nhà nước khi tuyển đầu vào cho một ca sĩ, một diễn viên, sự tuyển chọn được thực hiện rất kỹ lưỡng, ví dụ khi tuyển một ca sĩ thì họ phải có các tố chất như có thanh, có tâm hồn, có nhạc lý cơ bản, qua môi trường đào tạo khắt khe mới được gọi là ca sĩ chuyên nghiệp và làn sóng đài là nơi duy nhất để quảng bá tiếng hát của họ. Chính vì điều này nên rất ít những ca sĩ đóng đinh được tên tuổi trong lòng người nghe.

PV: Vậy trước đây, để được nhìn nhận là một ca sĩ chuyên nghiệp, người ca sĩ phải làm gì?

NSƯT Việt Hoàn: Như NSND Thanh Hoa, chị đã có rất nhiều năm đi hát trong chiến trường, ở địa phương, tiếng hát của chị nhiều người biết nhưng ít người biết Thanh Hoa là ai. Khi về Đài Tiếng nói Việt Nam, chị cũng mất nhiều năm không được hát đơn, chỉ có một lần tình cờ có người hát đơn ca trên đài đột xuất nghỉ, chị được vào hát thay, từ đó người ta mới nhận ra rằng, chị có thể sôlô được. Quá trình đó chị phải mất đến cả chục năm, từ đó người nghe mới biết đến ca sĩ Thanh Hoa. Hay như NSND Lê Dung, cũng phải mất nhiều thời gian học và cống hiến mới được người nghe biết đến và ghi nhận. Và chính sự khắt khe từ đầu vào và sàng lọc trước khi đến với người nghe cho nên những tên tuổi đó đã được đóng đinh vào lòng khán giả đến tận bây giờ.

Hay như mình, đến với nghiệp ca hát từ bé, nhưng khi về Phòng Công tác chính trị Công an Hải Phòng, Việt Hoàn mới thực sự được hát. Năm 1985 khi về Đoàn Văn nghệ của CATP Hải Phòng chỉ đơn giản nghĩ rằng sẽ có kế mưu sinh, để ổn định cuộc sống. Nhưng càng đi diễn, càng hát, Việt Hoàn càng đam mê. Lúc đó mọi người không khen hay, mà họ nó rằng Hoàn hát tình cảm. Trong những ngày khó khăn ấy, ngay cả phục trang cũng là một bộ cảnh phục, khi đi hát các thiết bị âm thanh cũng không đủ hỗ trợ, nhưng người nghe vẫn cảm nhận được cái hồn, tình cảm của tác phẩm.

9 năm trong Đội Văn nghệ CATP Hải Phòng là thời gian khiến Hoàn cảm thấy ý nghĩa vô cùng. Với những lần đi diễn cho bà con ở vùng biên giới, sân khấu chỉ là những chiếc bàn chập lại, khi lên có khi còn khập khiễng, hay những lần đi diễn mà sân khấu chỉ là những chiếc chiếu có nhiều rệp nữa chứ, nhưng vẫn háo hức vì khán giả thích và nhiệt tình lắm! Và sau này khi gặp nghệ sĩ Lê Dung, Hoàn mới thực sự được học, được đào tạo bài bản hơn, được gặp các bạn Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ... để mình được hoàn thiện hơn. Để được như hiện nay, Hoàn cũng mất hơn chục năm!

PV: Là một ca sĩ theo dòng nhạc chính thống, anh nghĩ sao về việc có quá nhiều ca sĩ không thể đọc được nốt nhạc, hay hát sai cả nhạc và lời, hát vô hồn mà vẫn tồn tại được trên thị trường âm nhạc Việt Nam?

NSƯT Việt Hoàn: Hiện nay khi phương tiện truyền thông bùng nổ về thông tin thì người nghệ sĩ càng khó khăn hơn. Khán giả vừa nghe. Chính vì vậy sẽ thúc đẩy người nghệ sĩ phải cố gắng, phải trau dồi, tuy nhiên nó cũng là con dao hai lưỡi. Người tiếp nhận bị lu mờ bởi nhiều thứ xung quanh và vì thế nhiều thành phần không có nghệ thuật đích thực lại vượt lên được.

Ví dụ như nhiều người mẫu nhảy sang làm ca sĩ, nhiều diễn viên hay người dẫn chương trình cũng hát như ca sĩ. Có người là khả năng thiên phú, nhưng có người là sự "a dua", hay gợi những scandal rồi nổi danh và chỉ cần một chương trình âm nhạc đưa họ lên băng rôn thì kiểu gì cũng bán được vé, lôi kéo được nhiều người đến "xem" vì họ đã có danh ở một lĩnh vực hay chỉ là hiện tượng scandal quá lố. Cũng có trường hợp là khả năng thiên phú, ít nhiều tiếp xúc với âm nhạc hoặc con nhà nòi. Ngay cả ở nước ngoài, có thần đồng âm nhạc thì cũng cần phải có quá trình rèn luyện chứ không thể chỉ qua một cuộc thi là có thể thành danh.

Ngay trong các cuộc thi, những thí sinh nào có nền tảng đều vượt trội hơn nhưng đôi khi ngoại hình lại không bằng thí sinh khác thì lại bị gạt ra. Không ít trường hợp các em từ các miền quê đi lên, họ không có điều kiện để bù đắp những thiếu hụt về ngoại hình nên nhiều em hát rất hay nhưng cũng bị loại. Những ca sĩ được vào vòng trong để họ có tên tuổi đứng tên trên các chương trình nghệ thuật lớn thì nhiều người đi lên bằng ngoại hình, bằng vũ đạo và đôi khi là bằng những mối quan hệ "lớn". Chỉ cần tên được căng trên băng rôn thì được gọi là ca sĩ... chính vì vậy chúng ta không thể đòi hỏi họ hát phải có hồn, hát phải đúng nhạc hay phải biết đọc bản nhạc, bởi có cung thì ắt có cầu, chính những người có quyền lựa chọn là người nghe, người xem họ thích thì cũng không thể nói là họ không thành công được... 

PV: Có nghĩa là hiện nay khán thính giả không biết chọn lọc và truyền thông đang phong tước vị, bật hào quang ảo cho ca sĩ?

NSƯT Việt Hoàn: Đúng như vậy, có thể nói, hiện nay chúng ta đang ở trong trạng thái quá độ âm nhạc kéo dài quá lâu. Cả một thế hệ khán thính giả không có sự chọn lọc trong thưởng thức âm nhạc, trong tầng lớp khán giả Việt Nam bị bỏ bẵng vì họ không được giáo dục âm nhạc trong nhà trường. Người nghe phải học để biết nghe thế nào là thưởng thức, thế nào là giải trí và khán giả cũng phải biết rằng, hôm nay mình đến chương trình này là để thưởng thức âm nhạc hay chỉ là đi xem để giải trí. Giữa họ cái nghe và cái xem rất rạch ròi.

Với Việt Hoàn, là người ca sĩ thấy rằng, cũng đã đến lúc ngành giáo dục phải dạy cho học trò về âm nhạc ngay từ trong nhà trường. Không chỉ cho những người làm công tác chuyên nghiệp mà giáo dục cả một thế hệ khán thính giả trong tương lai để họ tự sàng lọc được thế nào là nghệ thuật, thế nào là giải trí, thế nào là một người nghệ sĩ để họ có thể lựa chọn và đánh giá một cách tốt hơn về người ca sĩ, biết lựa chọn hơn. Và khi người nghe biết chọn lọc thì chính những người ca sĩ sẽ phải trau dồi hơn, hoàn thiện mình hơn và không có tình trạng ăn sổi như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Việt Hoàn cuộc trao đổi này!

Diệu Thuần (thực hiện)