Nỗi niềm của… Chèo!

19:00 | 02/11/2013

1,734 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc 2013 đã khép lại nhưng việc thiếu trầm trọng đội ngũ sáng tác và những vở chèo được dựng mới… vẫn còn là nỗi lo của các nghệ sĩ.

Thiếu vẫn hoàn… thiếu

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL tổ chức định kỳ 3 năm một lần, nhằm tổng kết, đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Năm nay, với sự tham dự của 17 đơn vị nghệ thuật Chèo, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Chèo năm nay có tất cả 23 tác phẩm dự thi, trong số đó có 3 vở được dựng mới. Đây là con số lớn nhất trong số các cuộc thi chèo từ trước tới nay. Tuy nhiên, con số này chưa thể coi là khả quan khi thiếu trầm trọng đội ngũ sáng tác kéo theo đó là thiếu luôn cả những vở chèo được dựng mới. Quanh quẩn chỉ có những cái tên quen thuộc trong đội ngũ tác giả như: Đạo diễn Bùi Đắc Sừ, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, tác giả Trần Đình Văn… mà thiếu vắng những gương mặt mới.

Vở "Vương Nữ Mê Linh" của đoàn chèo Hà Nội là một trong ba HCV tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các nghệ sĩ chèo trên sân khấu Liên hoan Nghệ thuật Chèo truyền thống năm nay nhưng vẫn phải nhìn nhận bộn bề những cái khó mà Chèo phải đối diện. Việc thiếu vắng những kịch bản chèo hay, đạo diễn dựng giỏi, kinh phí dàn dựng còn eo hẹp...

Đúng như lo ngại của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thành viên Ban tổ chức Liên hoan sân khấu Chèo cho rằng: “Sân khấu chèo đang thiếu kịch bản hay, thiếu những đạo diễn có tay nghề để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang tính đột phá”.

Điều này đúng nhưng thực chất là đang tồn tại những cái khó. Bởi sáng tác những tác phẩm thuộc thể loại truyền thống là vô cùng khó. Ngoài khả năng chuyên môn thì người viết còn phải có những hiểu biết nhất định về lịch sử… Bên cạnh việc giữ được cốt cách của chèo truyền thống thì phát triển làm sao cho không bị lai căng, pha tạp lại càng khó. Chỉ cần sai xót một chi tiết nhỏ là cả vở diễn có thể vĩnh viễn không bao giờ được ra rạp. Nên sự thận trọng ở đây là điều tất yếu.

Thực tế thì những vở được dựng mới của chèo hiện nay đa phần là dựa vào việc chuyển thể từ những tác phẩm kịch nói. Tình trạng bí kịch bản trầm trọng như vậy nên nhiều nhà hát còn phải dựng lại những kịch bản đã có cách đây cả mấy chục năm. Hơn nữa, những vở dựng lại này cũng chưa hẳn được “làm mới” hoàn toàn mà còn xuất hiện tình trạng lười sáng tạo khi giữ nguyên xi các câu đối thoại của tác giả kịch nói, sau đó phải thêm thắt, chắp vá...

Đương nhiên, chính sự thận trọng quá mức trong sáng tạo của các đoàn chèo dẫn tới nhiều vở diễn nhạt nhòa, không có đột phá.

Làm gì để rạp đỏ đèn?

Có thể thấy, Chèo cùng chung số phận với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam như: Cải lương, Tuồng, Đờn ca tài tử… đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tạo sức hút với khán giả. Vì vậy mục tiêu quan trọng nhất của các nhà hát lúc này là việc làm thế nào để sân khấu chèo đỏ đèn mỗi đêm.

Điều này, trước nay đã làm không ít nghệ sĩ phải đau đầu. Luôn phải năng động để tìm cách kéo công chúng đến với sân khấu của mình, là điều mà các nghệ sĩ đau đáu. Ý thức được điều này, Nghệ sĩ Bùi Quang Toàn, Giám đốc nhà hát Chèo Hải Dương sau khi trở về từ Liên hoan đã chia sẻ rằng: Những ngày diễn ra Liên hoan, cả nghìn khán giả đến với nhà hát Tháng Tám (Hải Phòng) đã đủ thấy tình yêu của công chúng với nghệ thuật truyền thống như thế nào. Nên trước khi hỏi tại sao không kéo được công chúng đến với rạp, thì hãy tự hỏi ngay chính bản thân lãnh đạo, nghệ sĩ… chưa thực sự có những bước đột phá hoặc chưa đủ chuyên môn nghệ thuật để khán giả đến với mình?”.

Đoàn chèo Hà Nội đã nỗ lực đem chèo đến với thiếu nhi

Nhắc đến điều này thì một điều không thể phủ nhận rằng không đợi đến mỗi lần Liên hoan các nghệ sĩ mới nỗ lực đem chèo đến gần với công chúng. Trước đó nghệ sỹ Thanh Ngoan – Giám đốc nhà hát Chèo đã có dự án khôi phục lại không gian diễn xướng chèo truyền thống.

Với tham vọng tạo một sân chơi và một điểm đến cho công chúng tại nhà hát Kim Mã, các nghệ sĩ chèo đã cố gắng có những cải cách để sân khấu chèo đến gần được với khán giả bằng cách quy về những sân khấu nhỏ. Thực chất, ý tưởng này không phải là mới, trước đó các nghệ sĩ gạo cuội cũng đã thực hiện và muốn phục dựng chiếu chèo theo đúng với nghệ thuật truyền thống cổ xưa vốn có. Là bởi chèo bước ra từ không gian những sân khấu nhỏ nơi đình làng. Vì thế, phục dựng một cách gần nhất với nguyên gốc sẽ tạo được những không gian vừa gần gũi, vừa ghi dấu với khán giả yêu nghệ thuật truyền thống.

Còn nhà hát chèo Hà Nội lại có những ý tưởng sáng tạo bằng cách cách tân chèo, để chèo tiếp cận đến một đối tượng mới đó là lớp khán giả trẻ. Những tác phẩm như “Ăn khế trả vàng”, “Khắc nhập khắc xuất” và “Cây đèn thần” sẽ được trình diễn phục vụ trẻ nhỏ. Đây là những câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc với người Việt, khi kết hợp với sân khấu sẽ mang một nét riêng.

Đúng là sẽ thiếu sót nếu không biểu dương tinh thần gìn giữ những giá trị cho bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc của các nghệ sĩ. Song trước thực tế có nhiều khó khăn về đội ngũ sáng tác, nhân lực còn chưa đồng đều… khán giả chưa mấy mặn mà, thì các nghệ sĩ còn phải cố gắng vượt khó rất nhiều!

Nói về tương lai của Chèo, nghệ sĩ Thanh Ngoan chia sẻ: “Dù biết còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức để nghệ thuật truyền thống đến gần với khán giả. Tôi tin mỗi cá nhận người Việt đều có tinh thần dân tộc sẵn có, vậy không có gì nghệ thuật truyền thống lại bị mất đi. Cái cần bây giờ chúng tôi biết là nỗ lực của người nghệ sĩ”.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc 2013 đã khép lại với 3 HCV toàn đoàn thuộc về: Đoàn Nhà hát Chèo Hà Nội vở “Vương Nữ Mê Linh” của tác giả Nhật Linh, Đạo diễn NSƯT Trịnh Thúy Mùi; Nhà hát Chèo Quân Đội vở "Người thầy của muôn đời" tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang và Nhà hát chèo Hải Dương vở "Chuông ngân rừng trúc" của tác giả Trần Đình Ngôn, NSND Bùi Đắc Sừ.

6 HCB thuộc về: Đoàn chèo Thái Bình, Đoàn chèo Hải Phòng, Đoàn chèo Ninh Bình, Đoàn chèo Thái Nguyên, Đoàn chèo Nam Định và Nhà hát chèo Việt Nam.

Liên hoan Sân khấu chèo 2013 cũng vinh danh 110 cá nhân xuất sắc. Bao gồm 42 HCV và 68 HCB.

Huy An