MC - nghề “mạo hiểm”

06:36 | 26/10/2013

1,252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các người đẹp, chân dài, có chút tên tuổi trong giới showbiz đang trở thành tâm điểm lựa chọn vào vị trí người dẫn chương trình (MC) của các nhà tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, những MC này dường như ít khi đem đến một kết quả tốt đẹp khi đảm nhận vai trò của mình. Thay vào đó là họ đã liên tiếp tạo ra những “thảm họa MC”. Cư dân mạng đang phê phán những MC này là “chân dài, lưỡi ngắn”!

Có thể nói MC là một vị trí không thể thiếu với bất kỳ một chương trình truyền hình nào, đặc biệt nhất là các chương trình truyền hình thực tế, các gameshow giải trí. Mấy năm gần đây, khi làn sóng gameshow giải trí xuất hiện ồ ạt đã kéo theo hàng loạt người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác như diễn viên, ca sĩ, người mẫu… bỗng chốc trở thành MC. Tiêu chí để chọn MC của các chương trình giải trí không giống như những chương trình thuộc về chính trị, xã hội - những chương trình đòi hỏi người dẫn chương trình phải có kỹ năng, sự chuyên nghiệp thật sự; tiêu chí chọn MC của các gameshow là căn cứ vào độ “hot” của nhân vật ấy. Hay cụ thể là những người đẹp, chân dài, có chút tên tuổi (nổi tiếng và cả tai tiếng) luôn là lựa chọn số 1.

Ai cũng biết nhiệm vụ quan trọng của MC trong một chương trình truyền hình thực tế, họ không chỉ đảm nhiệm vai trò giới thiệu chương trình mà còn gánh vác nhiệm vụ quan trọng là dẫn dắt và kết nối giữa khán giả với chương trình hay giữa các nhân vật tham gia chương trình với nhau. Chính vì thế mà làm MC không phải là một cuộc dạo chơi, thích thì làm mà đòi hỏi người muốn làm MC phải được đào tạo bài bản, phải có sự khéo léo, cách ứng xử tinh tế và thông minh với những tình huống bất ngờ xảy ra.

Hoàng My, Jennifer Phạm, Yumi Dương - những "thảm họa MC"

Không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nào, chỉ là những người có chút nhan sắc và tiếng tăm trong giới giải trí showbiz nên khi những người này bước ra sân khấu thì những gì mà họ thể hiện không thể gọi đó là một MC chính danh. Nếu ca sĩ có thể dùng vũ đạo hay phần hát bè để che lấp khuyết điểm chất giọng; khác với nghề diễn xuất, người diễn viên có thể thể hiện biểu cảm bằng nhiều cách khác nhau; khác với diễn catwalk, người mẫu có thể lấy chân dài, eo thon, ngực to để lấp liếm khả năng trình diễn… tuy nhiên, với vị trí người dẫn chương trình thì không gì có thể che lấp được khuyết điểm kỹ năng, tri thức, văn hóa khi mà tất cả đều được thể hiện qua lời nói.

Không thể phủ nhận, có vài người mẫu, diễn viên, ca sĩ… chuyển sang lĩnh vực MC và khá thành công. Nhưng số người thành công ấy quá chênh lệch so với hàng loạt những “thảm họa MC” trong thời gian qua. Chính sự thiếu chuyên nghiệp và bài bản của người nghệ sĩ nên họ đã mắc rất nhiều lỗi ngớ ngẩn như quên, nhầm tên thí sinh, sai ca khúc… Đó là chưa kể những MC, là chân dài xinh đẹp nhưng giọng nói thì ngọng, lắp bắp, ú ớ, hay có người thì giọng the thé, chối tai, gương mặt thì vô cảm… Cư dân mạng đang gọi những người đẹp này là “chân dài, lưỡi ngắn”, thậm chí “chân dài, óc ngắn”.

Để nói về những “thảm họa MC” trong các chương trình vừa qua có lẽ là một danh sách rất dài. “Thảm họa” nổi bật nhất gần đây có thể điểm qua đó là Á hậu Vũ Hoàng My khi cô dẫn chương trình chung kết “Siêu mẫu Việt Nam 2013” (20/10). Những gì cô thể hiện trong đêm chung kết ấy đã khiến khán giả vô cùng bức xúc và đúc kết trong hai chữ “rất tệ”. Hoàng My đã gần như phá hỏng từ đầu đến cuối chương trình bởi giọng nói ngọng, gương mặt vô cảm, không kiểm soát được âm lượng. Hoàng My không hề “dẫn” mà chỉ đọc những gì trong kịch bản có sẵn trên tay, những giây phút cần sự ứng xử tinh tế thì Hoàng My chỉ biết lóng ngóng, ấp a ấp úng. Đỉnh điểm của “vở hài kịch” mà Hoàng My tạo ra là khi cô định công bố khán giả trúng thưởng thì ngay lập tức, cô mời khán giả xem clip cơ cấu giải thưởng và đi vào một cách dứt khoát làm mọi người chưng hửng!

Trước đó không lâu, trong đêm công bố kết quả chương trình “The Voice - Giọng hát Việt” (13/10), việc xuất hiện thêm hotgirl Yumi Dương trong vai trò là MC hậu trường đã để lại thêm một “thảm họa MC”. Hotgirl đã liên tục vấp quá nhiều lỗi: nói vấp, lặp câu, xử lý tình huống lúng túng và cả việc vài lần quên kịch bản... Đặc biệt, điều khiến dư luận bức xúc nhất là khi phỏng vấn hai thí sinh vào vòng đấu loại, Yumi nghe thí sinh nói sẽ hát thật tốt để tặng mẹ, cô đáp nhanh nhảu đoảng rằng: “Chúc chị biểu diễn thành công và chắc mẹ chị cũng đang ngồi trước tivi để theo dõi con gái!”, trong khi mẹ của thí sinh này đã qua đời! Sự sáo rỗng, sách vở và vô tâm đã khiến sự có mặt của Yumi Dương lúc này trở nên kệch cỡm...

Việc ban tổ chức một chương trình muốn “săn” những MC là những gương mặt mới, những chân dài, nổi tiếng để chương trình thêm thu hút là chuyện bình thường, cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt toàn bộ niềm tin vào độ hấp dẫn của nhan sắc hay sự nổi tiếng của người nghệ sĩ thì chuyện bị “tác dụng ngược”, bị họ phá hỏng cả chương trình là chuyện khó tránh khỏi. Khi thảm họa xảy ra thì khán giả phê phán, ném đá gay gắt người dẫn chương trình. Nhưng thật ra, ngay cả MC chuyên nghiệp vẫn còn gây ra “thảm họa” vì cái máy nói: “Chúc ngày Quốc tang có nhiều niềm vui” thì trách sao được “kẻ ngoại đạo” như những nghệ sĩ tránh được sai sót! Ở đây, một phần lớn trách nhiệm còn thuộc về ban tổ chức chương trình bởi họ đã quá cẩu thả trong việc lựa chọn MC nên mới tạo ra những “hạt sạn” quá lớn như thế. Cũng như, khán giả có thể trách Hoàng My “rất tệ” nhưng ban tổ chức “Siêu mẫu Việt Nam” - Công ty Cát Tiên Sa cũng rất đáng phê phán khi đã “nhắm mắt” trao cho cô trách nhiệm ngoài tầm với.

Làm MC cho một chương trình lớn không chỉ đòi hỏi về hình thức mà quan trọng nhất chính là tầm văn hóa, sự hiểu biết và khả năng diễn đạt. MC Mỹ Vân, một MC “tay ngang” nổi tiếng của VTV3 với kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề đã chia sẻ với Năng lượng Mới rằng, để trở thành một MC giỏi phải có sự kết hợp của hai yếu tố là: nghệ sĩ và tri thức. Chị nói: “Khi bạn đứng trên sân khấu bạn cũng phải cuốn hút, gây được sự chú ý từ sự duyên dáng, hài hòa trong khuôn hình cho đến cách diễn. Và quan trọng nhất là phải biết truyền cảm hứng, tình cảm cho cả triệu khán giả đang theo dõi mình. Mà để làm được việc đó thì đòi hỏi người dẫn chương trình phải chuẩn bị kiến thức thật tốt, khả năng ứng biến ra sao, bản lĩnh thế nào? Và sự tự tin cũng chính là chìa khóa của thành công trong nghề MC”.

MC Mỹ Vân cũng cho biết, cô đã nhiều lần chứng kiến một số sự cố của các MC trẻ, là các nghệ sĩ, thậm chí là những hotboy, hotgirl... mới vào nghề. Họ đã để lộ quá nhiều “lỗ hổng” trong phông văn hóa, kiến thức trực quan. “Nếu ai đó nghĩ MC là một nghề nhàn hạ thì Vân nghĩ đó là sai lầm, không có điều gì dễ dàng ở đây cả!” - Mỹ Vân chia sẻ.

Có cầu thì ắt có cung, một số nhà tổ chức chương trình chỉ đề cao mục đích câu khách mà không nghĩ đến chất lượng của chương trình nên mới mời những nhân vật nổi tiếng dẫn chương trình. Đó chính là mấu chốt phát sinh ra những chương trình, MC “thảm họa”. Vì thế muốn giảm thiểu những “thảm họa” cần bắt đầu từ nhà tổ chức. Bên cạnh đó, người nghệ sĩ cũng cân đo năng lực của mình đến đâu và có hợp với vị trí đó hay không trước khi nhận lời để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, có khi đang nổi tiếng thì “thân bại danh liệt” chỉ sau một câu nói! Ai đó đã nói: MC là một nghề mạo hiểm, vinh quang và vực thẳm có thể đến trong tích tắc!

Trúc Vân