Họa sĩ Chóe qua hồi ức người thân

07:35 | 07/05/2013

1,897 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Là cây hí họa danh tiếng thế giới nhưng cuộc sống của họa sĩ Chóe cũng nhiều thăng trầm. Nhân dịp hai bộ sưu tập tranh của ông triển lãm tại Phòng tranh Tự Do sau 10 năm ông mất, tôi có dịp gặp vợ ông (bà Kim Loan) và con trai (nhiếp ảnh gia Hải Đông) nghe những tâm sự về người chồng, người cha mà họ suốt đời tôn trọng, thương yêu.

>> Triển lãm tranh của họa sĩ Chóe

PV: Sau 10 năm người bạn đời tri kỷ đi về cõi vĩnh hằng, chắc bà còn nhiều kỷ niệm khó phai về ông?

Bà Kim Loan:  Có thể nói là cuộc đời của chồng tôi rất nhiều thăng trầm. Trước giải phóng ông là quân nhân, sau được chuyển về làm ở Bộ Tổng tham mưu của chế độ cũ nhưng thời đó có luật cấm quân nhân làm báo. Tuy nhiên vì mê nghề báo nên ông vẫn lén lút viết và đến năm 1974 bị lộ, bị bắt, ở tù được mấy tháng thì miền Nam giải phóng thì ông được tự do. Sau năm 1975, ông làm cho báo Lao Động gần một năm thì bị đưa đi học tập cải tạo cùng một số văn nghệ sĩ miền Nam. Nhưng thời gian cải tạo quá dài, đến 9 năm, từ 1976 – 1985 mới trở về.

Một số tác phẩm của họa sĩ Chóe được triển lãm tại Phòng tranh Tự Do

PV: Trong 9 năm ông vắng nhà thì bà xoay sở ra sao?

Bà Kim Loan: Phải nói là rất vất vả. Tôi phải đi buôn bán lặt vặt để nuôi con. Chín năm sau ông về thì năm 1987 tiếp tục vẽ và đến năm 1990 thì tiếp tục làm cho báo Lao Động.

PV: Bà quý nhất ở chồng mình những đức tính gì?

Bà Kim Loan: Ông sống rất đàng hoàng, phóng khoáng. Đối với vợ con không bao giờ nói lớn tiếng mà rất nhẹ nhàng khuyên giải nếu con có lỗi gì. Trong 4 người con của chúng tôi thì có hai đứa theo nghề báo nhưng sau lại bỏ nghề. Riêng Hải Đông giờ theo nghiệp nhiếp ảnh.

Bà Kim Loan (bìa trái) - vợ họa sĩ Chóe

PV: Cảm ơn bà!

PV: Chào anh Hải Đông, là con trai một nhà hí họa nổi tiếng như vậy, ắt hẳn anh có niềm đam mê nghệ thuật từ nhỏ?

Nhiếp ảnh gia Hải Đông: Hồi học lớp 7, lớp 8 tôi có thể vẽ tranh kiếm tiền. Đến khi học xong phổ thông tôi định thi kiến trúc, lúc đó ba không có ở nhà nhưng đến giờ cuối thì thi vào mỹ thuật, tuy nhiên trong quá trình học thấy mình không hợp nên bỏ. Chuyển qua ngành khác. Giờ đây xem lại những bức tranh đầu thập niên 1990 của ba, có nhiều bức làm tôi rất xúc động.

PV: Ngày đó anh chưa có dịp ngắm những bức tranh này sao?

Nhiếp ảnh gia Hải Đông: Tôi nhớ là ba vẽ xong thì Phòng tranh Tự Do mua và lưu giữ đến bây giờ nên tôi không có dịp xem. May mà lần này Phòng tranh Tự Do triển lãm. Và ngày ấy, thỉng thoảng tôi có dịp đứng xem ba vẽ những bức tranh lụa trên giấy dó với tư duy khá mới lạ là ba dùng mực màu đen nhưng tôi chưa thích lắm, nay nhìn lại thấy thích hơn.

PV: Thế trong thời gian 9 năm ba anh không có ở nhà thì bản thân anh thấy thế nào?

Nhiếp ảnh gia Hải Đông: Lúc đó gia đình tôi cực lắm, tôi còn nhớ đến khi học cấp ba mà cũng chưa may được cái quần ở tiệm; lúc nhỏ thì mẹ may cho, lớn chị gái may. Đến năm học cấp ba, phải lấy quần của chị gái lộn trái, sửa lại cho tôi mặc và đến khi cưới vợ mới may được cái quần mới. Nguyên tuổi thơ từ 6 đến 18 tuổi không có cha, còn mẹ thì đi buôn bán khắp nơi, tôi là con trai duy nhất trong nhà nên nhiều lúc cảm giác như là trụ cột gia đình, và cũng có những lúc xù lông nhím, rất nóng tính. Sau này ba về, hai cha con gặp nhau có khoảng cách rất lớn vì đã quá lâu không có ba bên cạnh nhưng dần dần ông cũng cảm hóa được tôi, giúp tôi có cách nhìn cuộc đời lạc quan hơn.

Ngoài ra, ba tôi có đức tính nhẫn nhịn rất tốt, nhẫn nhịn chứ không nhẫn nhục. Chính đức tính này của ông đã giúp tôi tự điều chỉnh mình tốt hơn. Đối với ông cái gì cũng là chuyện nhỏ, có thể vượt qua được. Ông thường khuyên tôi mọi chuyện hãy suy nghĩ theo hướng lạc quan thì sẽ nhẹ nhàng chứ nghĩ bi quan thì dễ dẫn đến bi kịch.

Nhiếp ảnh gia Hải Đông bên một tác phẩm hí họa "Chồng con" của họa sĩ Chóe

PV: Ngoài ra, anh nghĩ mình còn thừa hưởng những tố chất nào từ ba mình?

Nhiếp ảnh gia Hải Đông: Sau này dù tôi làm nhiếp ảnh thì hội họa cũng bổ sung cho tôi rất nhiều trong cách cảm nhận bố cục, ánh sáng, màu sắc. Ngoài ra còn ảnh hưởng tính điềm đạm, dí dỏm của ba nên càng lớn lên tôi càng nhìn cuộc đời theo hướng nhẹ nhàng hơn.

PV: Trong các thể loại tranh của ba anh thì anh thích loại nào nhất?

Nhiếp ảnh gia Hải Đông: Chắc chắn là hí họa. Vì hí họa cũng là cái gốc khởi nghiệp của ba tôi. Hí họa độc đáo nhất về ý tưởng và có sức lan tỏa trong xã hội rất cao. Đặc biệt là hí họa về nhân vật.

PV: Tôi nghĩ ông là người có chiều sâu mới nhìn thấy được chân dung, bản chất của những nhân vật đó và chuyển tải được cái thần của họ đến người xem.

Nhiếp ảnh gia Hải Đông: Bên cạnh chuyển tải cái thần thì khi vẽ hí họa quan trọng là bàn tay. Phải tập luyện rất nhiều, gần như là khổ luyện để tay có thể bắt kịp ý thì mới có những bức truyền thần. Giờ đây mọi chuyện đã qua, đôi khi ngẫm lại tôi cho rằng, gia đình tôi dù trải qua một giai đoạn khó khăn, thăng trầm chính nó nhưng đã tạo động lực rất lớn cho chúng tôi vượt lên, nỗ lực gấp mấy lần sức của mình để thành công.

PV: Cảm ơn anh!

Thanh Thanh (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.