Tuyệt chiêu “tâm thư”!

19:00 | 20/05/2013

775 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có những tâm thư thực sự nghiêm túc, thật sự là cách duy nhất để nghệ sĩ giải quyết sự cố/vấn đề gặp phải hoặc thậm chí cao cả hơn là để kêu gọi từ thiện. Nhưng cũng có những tâm thư được sử dụng như là chiêu bài để pr cho tên tuổi, hay các kế hoạch sắp tới của mình…

Ca sĩ Thái Thùy Linh viết tâm thư gửi nhà báo và khán giả cũng như công chúng sau khi nhận danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu 2012 của Trung ương Đoàn bị dư luận lời ra tiếng vào.

Nam ca sĩ có nhiều thâm niên hoạt động trong showbiz Đan Trường hai lần viết “tâm thư” để bảo vệ vợ trước những lời chê bai của người hâm mộ.

Mr Đàm có tới 5 lần viết tâm thư:  lần thứ nhất giải thích về vụ kết hôn giả, lần thứ hai tuyên bố đóng cửa báo chí sau chương trình Cặp đôi hoàn hảo anh tham gia với nghệ sĩ Kim Thư, lần thứ ba để “từ mặt” Thanh Lam, lần thứ tư xin lỗi sau scandal hôn … nhà sư, lần thứ năm với mục đích là tìm đồng hồ nạm kim cương có giá 1 tỷ. Nghe nói, sau khi đăng tải tâm thư, thì nam ca sĩ lắm chiêu nhiều trò này quả nhiên đã tìm thấy… tài sản bị đánh mất thật.

Dù người viết sai hay đúng, và viết vì mục đích gì, tâm thư đang trở thành mốt, thành hội chứng có sức “lây lan” khá mạnh trong giới nghệ sĩ.

Mr.Đàm đã 5 lần viết tâm thư

Có câu: nếu muốn người không biết, thì tốt nhất đừng làm. Không một mánh khóe nào của bộ óc lắm chiêu nhiều trò nào lại không bị lậy tẩy, dù sớm dù muộn. Vậy nên, thay vì viết tâm thư để “tìm đồng hồ”, để ca ngợi một cô gái đẹp, hay thậm chí, để giải thích cho một sự cố nào đó vừa xảy ra, thà rằng, nghệ sĩ cứ tập trung vào chuyên môn. Cứ hát thật hay lo gì không có người mua vé vào nghe. Cứ diễn thật giỏi lo gì không có người mua vé vào xem. Bán hàng thật, thì dù là đắt như kim cương hay rẻ như bao diêm, cũng chẳng lo không có người bỏ tiền ra để mua về. Có biết bao nghệ sĩ thành danh được người đời mến mộ, thán phục, mà đã có lần nào phải viết “tâm thư”? Càng chẳng cần đến scandal, họ vẫn nổi tiếng như thường.

Làm từ thiện và gửi thư kêu gọi bạn bè đồng nghiệp người hâm mộ ủng hộ là việc tốt, nhưng, nếu đừng gán cho nó hai chữ tâm thư hẳn hiệu ứng đối với người đọc sẽ cao hơn nhiều. Chỉ đơn giản: Thư vận động / kêu gọi, có lẽ sẽ thấy được tính xã hội của hoạt động này nhiều hơn là suy nghĩ của một cá nhân, tâm huyết của một cá nhân. Tâm thư khiến ai đọc phải cũng có cảm giác là chuyện của riêng một người, hay phải là chuyện gì đó cực kỳ nghiêm trọng, hệ trọng. Tâm thư viết bằng máu để xin ra trận thời chiến chẳng hạn.

Dẫu sao, vẫn phải thừa nhận tâm thư cũng có tác dụng nào đó. Tâm thư giúp Đàm Vĩnh Hưng tìm thấy đồng hồ tiền tỷ (?!). Tâm thư giúp nghệ sĩ giải quyết khủng hoảng một cách khá thông minh và ít… tốn kém. Hầu hết, mọi sự việc đều lắng xuống khi nghệ sĩ ra mặt và viết những dòng tâm huyết về sự việc đang được dư luận quan tâm.

Tuy nhiên, tâm thư cũng là con dao hai lưỡi, khi bị lạm dụng nó, hoặc khi biến thành trò pr rẻ tiền. Khéo léo cài vào vài thông tin về những hoạt động sắp diễn ra của mình. Hay công bố một cách “thành thực” chiếc đồng hồ mình đang đeo giá khủng như thế nào. Tâm thư, ở một góc độ nào đó còn bị xem là tiếp tay cho dư luận, cho những kẻ lên án mình. Có những tâm thư gậy ông đập lưng ông, viết xong còn bị ném đã dữ dội còn hơn cả sự việc mà vì nó nghệ sĩ phải viết tâm thư.

Ví dụ như bức tâm thư được viết bằng cái giọng vừa ăn năn vừa… tự cao sau một vụ scandal được xem là “nhơ nhuốc” nhất showbiz Việt sau đây: “Tôi là một nghệ sĩ và tôi có lòng tự trọng đủ lớn, để biết mình cần ứng xử cho đàng hoàng hơn, tỉnh táo hơn. Vì phía trước mặt tôi là công chúng, là khán giả, những người yêu thương và ủng hộ tôi trong suốt chừng đó năm qua. Thế nên, trước khi phán xét, xin quý vị hãy bình tâm để nhìn nhận mọi thứ công bằng hơn”. 

Ngẫm cho cùng, viết thư hay tâm thư cho có vẻ sâu sắc, nghiêm trọng, cũng cần có trí tuệ, văn hóa, và hơn hết, một động cơ trong sáng.

Ha Ny