Nghề “săn” sao

11:22 | 26/09/2013

2,322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nhiều nước, cùng với sự phát triển của công nghiệp điện ảnh - truyền hình - quảng cáo, các công ty chuyên trách việc casting ra đời từ rất lâu. Nhưng ở nước ta, casting ban đầu chỉ là nghề tay trái của một số đạo diễn và diễn viên…

Nhận diện nghề săn sao

Casting, tuyển chọn diễn viên là khái niệm xuất hiện từ năm 1631 trong trình diễn nghệ thuật sân khấu. Đây là một trong những công việc thiết yếu của quá trình tiền kỳ một bộ phim.

Cùng với sự lớn mạnh của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, casting ở nhiều nước ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Những bạn trẻ yêu thích phim ảnh có nhiều cơ hội để xuất hiện trên truyền hình hay màn ảnh lớn thông qua các công ty trung gian và giám đốc casting.

Người giữ chức danh “casting director” phải làm việc mỗi ngày để tìm ra những ứng viên sáng giá từ hàng ngàn người. Giám đốc casting là cầu nối quan trọng giữa đạo diễn và diễn viên, công ty quản lý của diễn viên đó. Ở kinh đô điện ảnh thế giới, nhiều người trở thành nhân vật nổi tiếng nhờ con mắt xanh trong việc tuyển chọn diễn viên như Mary Jo Slater, Lynn Stamaster, Tammara Billik…

Casting phim Nụ hôn kẻ đào tẩu

Những vai diễn quan trọng trong các bộ phim kinh phí lớn thường được giao cho những diễn viên đã nổi tiếng. Tên tuổi của họ là sự bảo chứng cho doanh thu phòng vé. Thời gian gần đây, việc chọn diễn viên cho phim không chỉ là công việc thầm lặng như trước kia mà trở thành một phần của quá trình quảng bá phim. Ngay khi bắt đầu lên kế hoạch làm phim, nhà sản xuất cũng như đạo diễn đã thông báo tuyển diễn viên rầm rộ hoặc các báo liên tục đưa tin diễn viên A,B… sẽ đóng phim đấy.

Ở Việt Nam, từ ba bốn năm trước, việc casting phim truyền hình đã bắt đầu nở rộ. Hầu hết các bộ phim đều tổ chức casting diễn viên và thông báo rộng rãi trên các phương tiên truyền thông. Không chỉ vậy, quy trình casting diễn viên cho các bộ phim ngày càng đòi hỏi sự đầu tư kinh phí và thời gian.

Bộ phim truyền hình Những thiên thần áo trắng của đạo diễn Lê Hoàng - Hãng phim BHD từng tổ chức hẳn 3 đợt casting trong suốt một tháng để chọn ra mấy chục diễn viên chính và phụ của bộ phim này với yêu cầu teen sành điệu.

Mới đây, buổi casting phim Đôi mắt của trái tim (đạo diễn Đỗ Phú Hải, kịch bản Diễm Trân) cũng thu hút hàng trăm bạn trẻ háo tham gia cast, trong đó có rất nhiều gương mặt quen thuộc như người mẫu tuổi teen Trương Mỹ Nhân, một số diễn viên trẻ của các sân khấu kịch như Thanh Xuân, Thiên Ân, Quốc Hùng…  Bên cạnh những gương mặt đã có tên tuổi như diễn viên Lê Phương, Kim Tuyến…

Một trong những chiến dịch tuyển chọn diễn viên rầm rộ nhất trên thế giới có thể kể đến là trường hợp ca Tân Hồng lâu mộng (Trung Quốc). Đoàn làm phim đã tổ chức cuộc tuyển chọn kéo dài gần ba năm. Với 72.000 người đăng ký trong vòng hai tuần. Một năm sau thì vòng sơ loại diễn ra tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Vòng chung kết tuyển diễn viên cho bộ phim này trở thành tiết mục hàng tuần trên đài truyền hình Bắc Kinh BTV. Khán giả có cơ hội cùng chọn diễn viên cho nhân vật mình yêu thích, từ già Lưu, Vương Hy Phượng… đến bộ ba Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc, Tiết Bảo Thoa…

Nhận diện những kẻ “săn” sao

Luôn lăm le chiếc máy ảnh trên tay, sẵn sàng lân la “gạ” chuyện, làm quen với bất kỳ ai, từ già trẻ đến lớn bé, đó chính là công việc thường ngày của những người làm nghề casting.  

Thông thường, casting một nhân vật thường trải qua ba công đoạn chủ yếu: chụp ảnh, trao đổi trò chuyện và thử vai. Trong đó, bước cuối cùng là quan trọng nhất. Thử vai là dịp để các diễn viên thể hiện tài năng của mình, và các đạo diễn, nhà sản xuất sẽ biết được đây có phải là người mà mình cần tìm hay không. Bước này thường diễn ra với chỉ một vài ứng cử viên rút gọn sau cùng.

Một buổi casting

Ngoài những tố chất cần thiết với nghề như nhạy cảm, kiên nhẫn, sức khỏe tốt, có đam mê điện ảnh, giao tiếp tốt, casting đòi hỏi người làm nghề phải nắm bắt, cảm nhận kịch bản thật vững vàng và có chiều sâu. Để “tìm đúng người”, “đúng nhân vật” cho kịch bản đoạn phim quảng cáo hay bộ phim sắp dàn dựng. “Vì vậy, đừng nghĩ casting chỉ là đi kiếm người đẹp hay “tốt mã” là đủ” - một trợ lý đạo diễn hãng phim Lasta chia sẻ.

Thuyết phục được một người mới toanh tham gia casting đã khó, caster còn phải chờ cho đến khi đạo diễn gật đầu mới được coi là cast thành công. Chuyện bị đạo diễn từ chối tới lui, phải tiếp tục giới thiệu cả chục người cho một lần casting là điều bình thường. Chưa kể, còn có nhiều trường hợp dở khóc dở cười không lường trước được mà người trong giới vẫn thường “tám” với nhau như: chuyện một bé gái casting thành công bỗng nhiên hôm sau xuất hiện với hàm răng sún, hay chuyện người nhà ngăn cấm, người yêu ghen tuông rồi từ bỏ cũng là chuyện thường ngày đội ngũ “săn người” này phải đối diện.

Trên thực tế, quy trình casting ở nước ta vẫn còn mang yếu tố cảm tính nhiều hơn. Nhất là trong tình hình bùng nổ phim truyền hình và sự cạnh tranh gay gắt để thu hút khán giả, nên nhiều đạo diễn vẫn còn chọn phương án an toàn, ưu tiên các sao có sẵn tên tuổi.

Dần dần hình thành nên những ê kip làm phim “cũ mèm”. Như phim của Vũ Ngọc Đãng chẳng hạn, dù có cân nhắc bao nhiêu, cast nhiều hay ít… thì các vai chính vẫn lọt vào tay những gương mặt đã quá quen thuộc.

Diễn viên phim Tân Hồng Lâu Mộng

Hy vọng rằng với sự phát triển của phim truyền hình thì các cuộc casting diễn viên sẽ ngày càng chuyên nghiệp và bài bản hơn. Vì suy cho cùng muốn nâng cao tính chuyên nghiệp của phim ảnh thì sự chuyên nghiệp trong khâu casting là điều cần thiết trước nhất.

Ha Ny

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps