Lối đi nào cho các tài năng?

06:51 | 05/08/2013

546 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chương trình truyền hình thực tế hiện nay chỉ chăm chăm tìm kiếm các tài năng mà chưa có giải pháp để tài năng đó tài sáng.

Có lẽ, chưa khi nào nền giải trí Việt lại nở rộ những cuộc thi tài năng nhiều như hiện tại. Qua các mùa, những gương mặt xếp vào diện “tài năng” được tăng lên theo cấp số nhân. Và chấp nhận một thực tế rằng, khi khán giả đã bội thực với các gameshow tìm kiếm tài năng thì chẳng còn mấy cái tên chương trình sống được qua các mùa phát sóng chứ đừng nói gì đến tên của những nhà “đương kim vô địch”.

Thế nhưng, đáng buồn rằng, các nhà sản xuất chương trình không nghĩ đến vấn đề này, mà chỉ chăm chăm vào việc tổ chức thi thố và như thể “ép” cho ra được tài năng cho những mùa sau.

Phải kể đến đầu tiên là những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát. Trước kia, cái thời tài năng âm nhạc chỉ đơn thuần trên những sân chơi "hiền lành" như: Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn... Thí sinh không có nhiều chiêu trò, không scandal, không nổi lên từ tin nhắn bình chọn... Để rồi, cho ra một thế hệ ca sĩ mới triển vọng chiếm lĩnh được thị trường âm nhạc đến tận ngày nay như: Anh Thơ, Tân Nhàn, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Phương Linh... Thì đến hiện tại, việc xuất hiện liên tiếp các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên sóng truyền hình, mặc dù cũng thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông và công chúng, thế nhưng rất ít những cái tên sống nổi qua mùa phát sóng.

Quán quân mùa 2 Vietnam's Got Talent đăng quang nhưng nhanh chóng rơi vào quên lãng

Điều này hiển nhiên, bởi với việc nhân tài như “lá mùa thu” khi các thí sinh từ cuộc thi này chưa qua, một lớp thí sinh khác lại tới thì việc chưa kịp để công chúng nhớ mặt, nhớ tên là chuyện thường. Đấy cũng là một trong những yếu tố khiến cho các thí sinh bước ra từ truyền hình thực tế sớm bị nhạt nhòa. Trong khi đó, việc khẳng định thương hiệu sau “vinh quang” lại bị các nhà sản xuất bỏ ngỏ. Còn các thí sinh, không phải ai cũng biết tận dụng “bệ phóng” mà thừa thắng xông lên.

Điểm qua quán quân trong các cuộc thi, không ngoa khi nhận định đa phần tài năng rơi vào trạng thái “chết yểu”. Điển hình, ở Vietnam Idol sau 4 mùa giải thì Phương Vy - quán quân mùa đầu tiên đến nay là một cái tên rất nhạt nhòa. Quán quân mùa hai, Quốc Thiên thì dường như giẫm chân tại chỗ. Ngay cả, cái tên đã trở thành hiện tượng như Uyên Linh thì cũng xuất hiện một cách dè dặt qua những dự án âm nhạc. Còn Ya Suy mặc dù có tình yêu lớn dành cho âm nhạc nhưng dường như lại muốn an phận mà đứng nguyên nhấm nháp dư vị chiến thắng!

Đến Giọng hát Việt, quán quân mùa đầu tiên Hương Tràm được đánh giá là một ca sĩ trẻ triển vọng, nhưng các sản phẩm đã cho ra mắt của Hương Tràm vẫn chưa tạo nên được cơn sốt như mong đợi. Nhưng ở Hương Tràm một điều đáng khích lệ bởi dù sao đó cũng là cuộc “tự bơi” đáng trân trọng.

Còn Tìm kiếm tài năng Vietnam's Got Talent, dù chỉ mới trải qua hai mùa nhưng việc thiếu trầm trọng những tài năng tham gia đã khiến chất lượng chương trình tuột dốc thảm hại. Quán quân mùa đầu tiên Đăng Quân – Bảo Ngọc sau khi đăng quang các em lại trở về với việc học hành và tất nhiên “tự nuôi dưỡng” niềm đam mê. Rất hiếm khi thấy sự trở lại của các em trên sàn diễn.

Quán quân mùa hai, giọng ca của chàng luật sư Trần Hữu Kiên vừa được xướng lên thì đã nhanh chóng rơi vào quên lãng. Bởi để là con đường dài thì hay và lạ thôi chưa đủ.

Sau khi đăng quang thì "Lối đi nào dành cho tài năng?" vẫn là còn là câu hỏi chưa lời đáp

Câu hỏi đặt ra là, đường đi nào cho những tài năng sau chiến thắng? Bởi con đường phía sau mới là con đường dài. Nếu chỉ tìm kiếm để “mua vui vài trống canh” thì quả là điều đáng buồn không chỉ riêng cho một tài năng!.

Trên thực tế, những tài năng được tìm kiếm từ các cuộc thi trên sóng truyền hình hiện vẫn đang ở trạng thái “trăm hoa đua nở” nhưng tự do hoạt động. Không có định hướng cụ thể nào nhằm nắm bắt, định hướng hay đầu tư cho tài năng phát triển từ các nhà tổ chức cuộc thi. Riêng như âm nhạc, nhạc sĩ Huy Tuấn nhận định: “Chưa bao giờ đội ngũ ca sĩ trẻ lại xuất hiện mạnh mẽ như hiện tại và cũng không phải là thiếu những tài năng”. Nhưng rõ ràng vì đều phải “tự bơi” nên có người tới đích, có người dừng lại hoặc chăng đi lạc, đó cũng là điều đương nhiên. Điều này, vô hình chung dẫn đến việc “chết yểu” của những tài năng khi mới chỉ kịp lóe sáng từ các cuộc thi.

Thế nên, nếu không có những định hướng phát triển tài năng mang tính chất có nghề, thì thật khó có thể níu giữ tài năng đó, chứ đừng nói gì đến tham vọng phát triển. Làm sao để những tài năng bước ra từ mỗi cuộc thi tiếp tục được tỏa sáng là một vấn đề đáng bàn. Bởi tài năng được phát lộ không chỉ để phục vụ tính giải trí ở mỗi cuộc thi, tài năng có lẽ nên được nhìn nhận từ việc họ đã làm được gì sau khi bước ra từ cuộc thi đó?!

Huy An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps