Đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa thế giới

07:36 | 06/12/2013

2,042 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Phiên họp Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tính đến nay, Việt Nam có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, nhưng hầu hết đều ở khu vực miền Bắc và miền Trung, trong khi miền Nam không có một đại diện nào. Do đó, việc nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh đã cho thấy giá trị của một Việt Nam thống nhất trong đa dạng bản sắc văn hóa vùng miền.

Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học, đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ XIX. Bắt nguồn từ nhạc lễ của Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình nghệ thuật văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ.

Một ban Đờn ca tài tử Nam bộ đầu thế kỷ XX

Cách đây không lâu, GS-TS Trần Văn Khê cho biết: “Theo công ước 2003 thì di sản cần phải có bề dày lịch sử, tư liệu phải dồi dào, hồ sơ cũng dày hơn, nhưng Đờn ca tài tử chỉ mới ra đời hơn 100 năm, vẫn còn quá... trẻ, nên rất khó so với những nghệ thuật hàng trăm năm tuổi. Nhưng theo công ước 2008 về “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thì các yêu cầu đã bớt khắt khe. Trong đó Đờn ca tài tử lại đáp ứng được yêu cầu nổi bật là tính cộng đồng khi nó lan tỏa rất mạnh, sống rất khỏe trong dân gian, và không chỉ người miền Nam mà người miền Bắc, miền Trung cũng dành tình cảm cho Đờn ca tài tử”.

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được các tiêu chí để đăng ký vào vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, như được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam, liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Một Liên hoan Đờn ca tài tử ở Nam bộ

Việc UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách Đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại giúp thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng dân tộc, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu văn hóa ngày càng sâu hơn. Đồng thời, cũng giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, cùng với lễ vinh danh là trách nhiệm, UNESCO hi vọng Việt Nam sẽ có các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền di sản văn hóa này, cũng như có phương pháp giảng dạy truyền miệng hay giáo án giảng dạy trong chương trình giáo dục chính thức. Những biện pháp này sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành dưới sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

Di sản Đờn ca tài tử đã được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê từ năm 2010 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; năm 2012 được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Như vậy sau Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hát xoan Phú Thọ, Dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và Đền Sóc (Hà Nội)… thì việc Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh mang đến niềm tự hào rất lớn cho người Việt Nam.

 

Nguyệt Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.