NSND - đạo diễn Bạch Diệp: Cháy hết mình cho ngọn lửa tình yêu

14:00 | 17/02/2014

3,653 lượt xem
|
Người ta hay nói: “Bạch Diệp là nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam”, đúng nhưng chưa đủ. Bà còn là một trong những đạo diễn hàng đầu, đóng góp xứng đáng cho thời hoàng kim đã qua của phim truyện Việt Nam.

­Trong buổi thi tuyển vào lớp đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, chuyên gia điện ảnh Xô Viết hỏi:

- Chị đã suy nghĩ chưa vì nghề này rất vất vả đối với phụ nữ.

- Điều đó chẳng ngại. Khi yêu người ta có thể làm được tất cả - Bạch Diệp trả lời không chút do dự.

Và suốt cuộc đời, tình yêu ấy luôn cháy bỏng trong Bạch Diệp, giúp bà vượt qua những khó khăn của cuộc sống, vượt lên những thử thách của nghề nghiệp. Tình yêu ấy bà đặt vào điện ảnh, chăm chút cho từng nhân vật, từng cảnh quay. Tình yêu ấy giữ cho bà lòng hăng hái, hào hứng làm phim khi đã ở tuổi bảy, tám mươi, dù chỉ là một phim truyền hình.

Trước khi đến được với con đường của tình yêu này, Bạch Diệp đã trải qua nhiều công việc khác nhau, rất xa với điện ảnh. Bà sớm tham gia công tác xã hội: mười sáu tuổi là cán bộ phụ nữ tỉnh, mười bảy tuổi là Bí thư Phụ nữ tỉnh Hải Dương. Những năm làm công tác vận động phụ nữ, nhất là ở vùng công giáo đã là vốn sống quý, giúp bà thuận lợi trong việc xây dựng các nhân vật nữ trong phim.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bạch Diệp học Đại học Văn khoa khóa đầu tiên. Những kiến thức thu lượm được luyện cho bà cách nghĩ, cách nắm bắt và triển khai vấn đề của kịch bản, phân tích tốt tâm lý và tính cách nhân vật để tìm cho nhân vật đời sống trong tác phẩm của mình, để viết các đoạn thoại mượt mà, không sáo rỗng. Cũng nhờ được đào tạo bài bản về văn học mà Bạch Diệp đã kiêm luôn việc viết kịch bản và đã có thành công như việc làm kịch bản chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Bão Biển” để dựng phim “Ngày Lễ Thánh”.

Trước khi thi vào điện ảnh, Bạch Diệp là phóng viên Báo Nhân Dân. Nghề báo giúp bà có cái nhìn nhạy cảm, sắc sảo những vấn đề xã hội đang diễn ra và trong chừng mực nào đó sắp diễn ra.

Tốt nghiệp lớp đạo diễn, Bạch Diệp nhận kịch bản “Cô gái Thái” của đại sứ CHDC Đức Claudia, một câu chuyện tình yêu trắc trở của một chàng trai người Mông với một cô gái Thái nhưng bị cha cô không cho kết hôn vì trái với tập tục. Đoàn làm phim kéo nhau lên Thuận Châu (Sơn La) quay được tới một nghìn mét phim vừa ý thì lãnh đạo khu ủy khu tự trị cho rằng, việc người cha cấm con gái, không yêu chiều con gái là trái với tập tục của người Thái, yêu cầu phải sửa. Khốn nỗi đây lại là cái chốt của kịch bản để phát triển hành động của phim. Thế là phải bỏ dở. Sau này khi nhắc tới “đứa con đầu lòng xấu số ấy”, Bạch Diệp vẫn tràn đầy xúc cảm. Nhưng dù như vậy, nó vẫn để lại cho bà những trải nghiệm đầu tiên về làm phim truyện.

NSND Bạch Diệp

Ở thời đó, xưởng phim truyện Việt Nam, đơn vị duy nhất sản xuất loại hình này mỗi năm chỉ làm chừng dăm ba phim, các đạo diễn không được lựa chọn. Bạch Diệp nhận làm bộ phim sân khấu “Trần Quốc Toản ra quân” quay vở chèo cùng tên. Bà làm việc rất kỹ với đạo diễn sân khấu với diễn viên và mặc dù bị lệ thuộc vào vở diễn, vào bối cảnh sân khấu, Bạch Diệp vẫn cố gắng sử dụng phương tiện và đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh để đưa vở chèo lên màn ảnh theo góc nhìn và tình cảm của một đạo diễn điện ảnh. Phim được khán giả hoan nghênh, đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai.

Bộ phim thứ ba “Người về đồng cói” mới thực sự là phim truyện đầu tay của Bạch Diệp. Đề tài về cuộc sống ở nông thôn, tại một vùng trồng cói thật ra không lạ lẫm với một phụ nữ sinh ra ở Hà Nội nhưng đã trải qua công tác ở các miền quê như Bạch Diệp. Phim sản xuất năm 1972, lúc máy bay Mỹ thường xuyên quần thảo trên bầu trời miền Bắc đánh phá dữ dội. Phim lại có nhiều cảnh quay ngoài trời, trên đồng cói vừa phải làm việc cho đúng tiến độ, vừa phải lo an toàn cho đoàn làm phim và không ảnh hưởng đến nhân dân khi mà đoàn làm phim luôn phải dùng tấm phản quang để ghi hình. Lúc này, Bạch Diệp vừa là đạo diễn vừa kiêm chức danh chỉ huy quân sự, cứ như trong một trận đánh.

Làm xong “Người về đồng cói”, Bạch Diệp thấy mình còn lúng túng về dàn cảnh, bà chuẩn bị chương trình tự học rất chu đáo, bổ sung kỹ năng cho mình và mỗi khi xong một phim, Bạch Diệp lại mời các cố vấn của mình xem và góp ý. Cũng cẩn thận như vậy, bà làm kịch bản phân cảnh rất chu đáo. Ở phim truyện nhựa, đạo diễn tính toán kỹ từng cận cảnh, không phải chỉ riêng việc quay cái cảnh cận đó, mà cả chuẩn bị cho cận cảnh xuất hiện và những cảnh sau đó. Có lần tôi hỏi Bạch Diệp: “Có bao giờ bà cho quay một cận cảnh rồi về không dựng được vì không đạt yêu cầu không?”. Trả lời: “Phải quay bằng được vì nếu khi dựng mà phải bỏ cận cảnh đó thì sẽ phải bỏ cả trường đoạn. Tôi phân cảnh rất kỹ, tất cả đều được tính toán cẩn thận”.

Bạch Diệp làm phim về nhiều đề tài, chủ đề khác nhau. Mỗi phim đều gửi vào đó tình yêu, quan niệm về cuộc sống hoặc một cách xử lý theo mỹ học của mình.

Phim “Người chưa biết nói” (giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim Damas - Syria) nhân vật trung tâm là một em bé chưa biết nói vì tai nạn, Bạch Diệp yêu cầu trách nhiệm và sự trung thực của người lớn như cha mẹ, cô bảo mẫu. Trong phim “Ai giận ai thương” có nhân vật Thủy, một cô gái tích cực lao động và cống hiến nhưng sinh con không chồng. Ở thời ấy dư luận xã hội rất thành kiến với chuyện “chửa hoang”. Phim của Bạch Diệp đã bảo vệ Thủy khi khẳng định thước đo giá trị con người là lao động cống hiến, đó là một cách nhìn tích cực và nhân ái.

Cuối thập niên 80, khi xã hội có sự thay đổi về đời sống vật chất, một số người đã bị tác động bởi đồng tiền trở nên có những sự ngộ nhận về các giá trị trong cuộc sống. Nắm bắt được tâm lý đó, Bạch Diệp làm phim “Ngõ hẹp”, ở đó Loan (Thanh Quý đóng) cô gái xinh đẹp trẻ trung đã từ bỏ chàng sinh viên nghèo mà cô yêu để đi theo một người đàn ông trung niên xấu trai nhưng nhiều tiền. Và Loan đã thất bại đau đớn trong cuộc phiêu lưu này.

Trong cuộc chia tay không hẹn trước, Bạch Diệp xây dựng một nhân vật cán bộ lãnh đạo sống mẫu mực, chỉn chu, nhưng cái tốt của ông ta lại làm hại người khác. “Mảnh trời riêng” đặt vấn đề về sự cần thiết của giáo dục gia đình để tạo cho con người nền tảng về nhân cách giúp cho họ đứng vững trước thử thách. Vấn đề này đến nay vẫn còn mang tính thời sự.

Trong những phim làm về đề tài chiến tranh như “Huyền thoại về người mẹ” (Giải Bông Sen Bạc và giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang), “Hoa Ban Đỏ” (về chiến thắng Điện Biên Phủ) thì bộ phim “Câu chuyện Làng Dền” - về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, Bạch Diệp cố ý chọn diễn viên Vân Thìn có nhan sắc bình thường vào vai chính, với lý do rất nghề nghiệp “Thông thường khán giả điện ảnh thích xem những phim có diễn viên trẻ đẹp. Hình thức đó thu hút người xem rất dễ. Nói đúng hơn là diễn viên đẹp có thuận lợi trong việc lôi cuốn người xem. Nhưng tôi đã đặt thử những khuôn mặt trẻ lộng lẫy vào nhân vật Ba Hơn của tôi, hình dung xem con người đó hoạt động, lăn lộn, va chạm với mọi khó khăn trong bối cảnh một làng quê còn chìm trong đen tối, cần phải giữ vững tinh thần trước bà con làng xóm, trước đồng đội như thế nào. Thấy khó quá. Thấy có cái gì đó không ăn nhập vào với bối cảnh, không phù hợp với tính khắc khổ đầy hy sinh của người cán bộ hoạt động bí mật trong thời kỳ đen tối ấy ở nông thôn miền Nam. Đáp ứng yêu cầu nghệ thuật của đạo diễn, nữ diễn viên Vân Thìn đã diễn rất tốt vai của mình.

Dù làm phim ở lĩnh vực đề tài nào, Bạch Diệp tự yêu cầu “Phim phải có chủ đề. Đạo diễn luôn là người gửi gắm và đối thoại với cuộc đời”. Và với phong cách romance, phim phải có câu chuyện, có các tính cách nhân vật với sự phân tích tâm lý kỹ càng. Hầu hết phim của Bạch Diệp có giọng kể chuyện thủ thỉ, bình dị (khi cần thiết vẫn có sự thay đổi, như một vài đoạn có chất hình sự điều tra trong phim “Người chưa biết nói” vừa phù hợp với cốt truyện vừa tạo tính hấp dẫn). Sự phân tích kỹ tâm lý nhân vật đã đem đến cho bà ít nhiều thành công trong phim “Trừng phạt”, miêu tả những người “phía bên kia” ở lại Việt Nam sau ngày thống nhất - Phim được giải thưởng ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) và trong cuộc hội thảo kỷ niệm 40 năm chiến thằng Phát xít Đức, đạo diễn Xô Viết Gabulovich nhận xét: “Phim Việt Nam khai thác đề tài chiến tranh rất độc đáo”.

Bạch Diệp là nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam

Tác phẩm thành công đặc biệt của Bạch Diệp là “Ngày lễ thánh” (hai tập). “Ngày lễ thánh” hầu như hội tụ những yêu cầu quan niệm, tình cảm và tài năng nghề nghiệp của Bạch Diệp và khi ra rạp đã đạt kỷ lục về người xem, tạo nên một hiện tượng của sinh hoạt điện ảnh.

Lần đầu tiên cầm cuốn “Bão biển” trong tay, Bạch Diệp đã đọc liền một mạch và tự nhủ: “Thế nào cũng phải đưa cái này lên phim”. Thời gian về Nam Định quay phim “Trần Quốc Toản ra quân”, Bạch Diệp đã gặp tác giả “Bão biển” là nhà văn Chu Văn. Sau những cuộc trò chuyện ấy, Bạch Diệp đã bắt đầu có những ý tưởng về kịch bản phim “Ngày lễ thánh”. Rồi bà lao vào viết kịch bản, công việc mà bạn bè gọi là “húc đầu vào đá”. Bạch Diệp viết kịch bản này là vì tình yêu đối với những người phụ nữ công giáo và vì những gì bà đã thấy trong thời kỳ làm công tác phụ nữ. Bà kể: “Cuộc sống và đức tin của những người phụ nữ này đã thu hút sự chú ý của tôi. Họ là những người giàu lòng hy sinh chịu đựng, có niềm tin mù quáng về đạo pháp nhưng thường có cuộc sống đau khổ. Những mảnh đời đó đã in sâu vào ký ức của tôi, khi chuyển thể “Bão biển” tôi tự nghĩ “có thể gửi gắm vào đó những tình cảm và hiểu biết của mình về cuộc sống, chủ yếu là đời sống tinh thần của những người phụ nữ công giáo”.

Bạch Diệp chuyển thể “Bão biển” cũng vì muốn thử sức mình trong việc viết kịch bản.

Bão biển là bức tranh về đời sống ở một vùng công giáo Bắc bộ. Cuộc sống mới sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc của người dân gốc đạo, nơi đây dường như vẫn bị đè nặng bởi thế lực thần quyền do những kẻ lợi dụng tôn giáo tạo ra và những hủ tục. Nạn nhân chính là Nhân, một phụ nữ nhân hậu, sùng tín và cho đến cuối tiểu thuyết cuộc đời của Nhân vẫn u ám, tính cách của Nhân dường như không thay đổi. Mặt khác, tiểu thuyết Bão biển có dung lượng lớn, nhiều nhân vật, cốt truyện đan xen nhau chồng chéo, không thể đưa tất cả vào phim. Bạch Diệp chủ yếu phải lược bỏ bớt sự kiện, đường dây cốt truyện, đồng thời đưa vào kịch bản những gì bà cho là cần thiết, vì bà muốn thay đổi không khí của xã hội làng quê này, vì bà muốn thay đổi tính cách và số phận của Nhân. Nhân trong “Ngày lễ thánh” có hơi khác với Nhân trong “Bão biển”. Ở cuối phim, khi thằng chồng đã di cư vào Nam trở về, yêu cầu Nhân liên lạc với bọn phản động nằm vùng, Nhân đã chống lại, vận động chồng đi đầu thú, với câu nói cứng cỏi mà đầy cay đắng: “Tôi đành phí bỏ cái thân tôi, phí bỏ cuộc đời tôi để anh được sống, để anh làm lại cuộc đời”. Lực không nghe thì Nhân ra đi, để phải nhận phát đạn của kẻ đã bán linh hồn cho quỷ dữ kia. Trước đó, khi hai người giằng co nhau, chiếc đèn dầu hỏa rơi xuống vỡ tan. Sau đó, ống kính đặc tả bàn tay Nhân tần ngần cầm hai mảnh vở. Hình ảnh đó cho người xem ý nghĩa về một sự không thể hàn gắn được.

Cách dùng ngôn ngữ điện ảnh giàu biểu tượng còn xuất hiện ở những cảnh huống khác trong phim, ví như đoạn Nhân sau khi được thả về. Chị bị bọn xấu ấn một viên gạch vào tay, để rồi bị bắt với tôi phá rối đám cưới của Ái, em gái Nhân và làm cho Tiệp (Trần Phương đóng) chủ nhiệm hợp tác xã kiêm bí thư chi bộ bị thương. Nhờ Tiệp làm chứng là Nhân không có tội, Nhân mới giải được nỗi oan. Nhân không muốn cho em gái lấy chồng ngoại đạo nên hai chị em có sự bất đồng. Trong tiểu thuyết, Chu Văn tả cảnh Nhân từ phòng giam trở về nhà “ba gian nhà trơ chọi, lạnh lẽo quá, hàng râm bụt xơ xác, lá rụng từng mảng... cỏ mọc lấp vườn. Trong nhà cửa đóng then cài, rác rưởi ngập hè không khác gì nhà có người bỏ đi vào Nam, hoang phí và buồn bã. Một cái gì đã mất đi trong khung cảnh thân thuộc này: bóng dáng, tiếng nói câu cười của đứa em. Nhân tần ngần đứng tựa lưng vào cửa nức nở sẽ gọi: “Ái ơi”. Chu Văn tả như thế vì ông theo dòng thể hiện số phận của Nhân của ông. Còn Bạch Diệp, bà muốn thay đổi số phận của Nhân, nên cảnh này đã được dựng khác. Nhân đang chậm rãi, buồn bã di về, gần đến nhà thì bỗng nét mặt của chị giãn ra, sáng lên và có tiếng chổi tre từ sân nhà chị vọng ra. Đó là Ái, đến dọn dẹp để đón chị về. Lúc này đối với Nhân, Ái không chỉ là người em gái quấn quít mà còn như bàn tay thân ái của cuộc đời đón nhận Nhân.

Ở một trường đoạn khác, khi Nhân được cha bề trên bao ân ân sủng được vào gặp riêng. Không biết cha đã làm gì, chỉ thấy Nhân hốt hoảng chạy ra, băng tới nghĩa trang của các cha nằm vật lên một ngôi mộ, nhỏ bé, đơn độc và phía trên là cây thánh giá lạnh lẽo vô hồn. Nhưng hình ảnh này cho thấy sự hoảng loạn, sự rạn vỡ đức tin trong lòng Nhân.

Cách miêu tả tình cảm của Nhân khá tế nhị. Sau lần được Tiệp cứu, lại bị bọn con gái trong xã trêu chọc, Nhân có cảm tình, nhưng vẫn e dè vì chuyện đã có chồng. Rồi một lần, cô hẹn anh tới nhà lấy chiếc khăn tay của anh mà cô nhặt được, Nhân hồi hộp chờ đợi như lần hẹn đầu tiên của thời con gái. Hồi hộp ra mở cửa, nhưng người đến không phải là Tiệp, mà là thằng chồng cũ đột ngột trở về. Xem cảnh này khán giả thấy đau cho Nhân quá. Đến cuối phim, khi Nhân đã được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân cũ, cô đến với Tiệp - thực ra là hai người đến với nhau, Bạch Diệp đã để họ trong một toàn cảnh của một cánh đồng đầy ánh sáng, họ đang từ từ tiến về nhau. Thế thôi.

Và như vậy, khác với Nhân trong “Bão biển”, Nhân trong “Ngày lễ thánh” của Bạch Diệp, với sự hỗ trợ của những người tốt đã tự đấu tranh giải phóng mình để tìm được hạnh phúc trong cuộc sống bình thường mà rất đáng yêu.

NSND Bạch Diệp và bạn thân NSƯT Minh Châu

Trong phim này, Bạch Diệp đã sử dụng hai cách diễn cho hai loại nhân vật. Bà nói rõ về sự khác biệt này: “Có thể có người cho rằng, đạo diễn không quán xuyến được việc chỉ đạo diễn xuất. Thực ra tôi đã suy nghĩ rất kỹ khi thực hiện hai cách diễn trái ngược nhau trong cùng một bộ phim có yêu cầu tái hiện cuộc sống chân thực. Các nhân vật như Tiệp, Thất, Ái và cả Nhân nữa được thể hiện bằng lối diễn chân thực, tự nhiên. Đó là những kiểu người phù hợp với sự phát triển của quy luật cuộc sống, của chiều hướng đi lên của xã hội. Đối lập lại là nhóm nhân vật Xơ Khuyên, Chánh Hạp, Cha bề trên là những tính cách trái ngược với sự phát triển chung, với hướng đi lên của xã hội được thể hiện bằng lối dẫn hơi cường điệu. Bà làm như vậy với hy vọng: “Sự khác biệt về diễn xuất sẽ góp phần tạo nên sự so sánh trái ngược về phẩm chất, về tính cách, về hướng phát triển và tồn tồn tại của những kiểu người ấy”. Có thể xem đây là một thể nghiệm của Bạch Diệp và trong chừng mực nào đấy có hiệu quả, ví dụ như khuôn mặt của Cha bề trên (Thế Anh đóng), lối diễn cộng với ống kính góc rộng đã tạo nên một chân dung đáng sợ mà Nhân nhìn thấy sau khi đã biết chân tướng của Cha.

Bạch Diệp còn có điều chưa hài lòng về “Ngày lễ thánh”. Nhưng những gì bà làm được trong phim đã thể hiện cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ - đạo diễn điện ảnh.

Người ta hay nói: “Bạch Diệp là nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam”, đúng nhưng chưa đủ. Bà còn là một trong những đạo diễn hàng đầu, đóng góp xứng đáng cho thời hoàng kim đã qua của phim truyện Việt Nam.

Nguyễn Thị Nam