Đời sống âm nhạc: Bất cập vẫn hoàn bất cập

05:00 | 03/10/2013

1,682 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bây giờ nếu ai đó muốn nghe giai điệu của những ca khúc mà các ca sĩ thời thượng phục vụ cho giới trẻ này “hét” thì cũng thất vọng thôi.

Vì sao? Hiếm có giai điệu hay, hiếm ca sĩ có thể khoe giọng của mình với cái gọi là “nhạc trẻ” này vì phần lớn các bài hát chỉ viết trong vòng một octave (quãng 8), chỉ như nói (vì tiếng Việt có sáu thanh và hai bán thanh, với độ cao khác nhau). Lời lẽ thì nhạt nhẽo, sáo rỗng. Họ phục vụ một bộ phận công chúng có yêu cầu về âm nhạc đơn giản và dễ dãi. Sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc thế này khiến cho những người yêu nhạc, tôn trọng âm nhạc phải nghĩ ngợi, nếu không nói là buồn phiền. Đi nhà hàng, nếu không thích ăn món gì đó thì người ta có thể tự quyết định không ăn. Nhưng thứ “nhạc trẻ” này vang lên ở khắp nơi khắp chốn, không muốn nghe cũng bị nó lọt vào tai.

Hàng hóa không đạt phẩm chất thì không được bán ra thị trường. Âm nhạc chất lượng kém vẫn hoành hành, chỉ cần lời lẽ của nó không phạm vào một số điều cấm kỵ.

Cảnh phản cảm thường thấy trong một số tiết mục biểu diễn âm nhạc

Tiếp tay cho sự hoành hành của dòng âm nhạc chất lượng tồi tệ, cho các ca sĩ “hét” trên sân khấu này là một số người viết vô trách nhiệm trên các phương tiện truyền thông, ngoài mạng ra còn là trên nhiều cơ quan do Nhà nước quản lý.

Lấy thí dụ về hai sự việc xảy ra gần đây.

Sự việc thứ nhất: Một vài ca sĩ hạng trung sang Mỹ kiếm ăn nay trở về nước cũng là để… kiếm tiền, thế mà có hàng chục bài báo viết đi viết lại về anh ta, từ chuyện bố mẹ, vợ con, tình ái ra sao, đánh bóng cứ như người hùng. Truyền hình cũng dành riêng cho anh ta một, hai chương trình gì đó. Đúng là một sự tiếp thị sang trọng. Trong khi sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, một tên tuổi lớn của  âm nhạc Việt Nam lại không có nhiều bài viết về ông, cẩn trọng và kỹ lưỡng như vài ca sĩ nọ. Nhiều người chờ đợi một đêm nhạc hoành tráng vĩnh biệt ông, ở đó sẽ vang lên những khúc ca đã sống với thời gian như “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Trường Sơn đông Trường Sơn tây”, “Lá đỏ”, “Nhớ về Hà Nội”, “Trở về dòng sông tuổi thơ”… mà không được. Các lái nhạc có lẽ không thấy món lời gì. Còn những người đánh giá đúng cống hiến về âm nhạc của ông thì không có tiền để tổ chức.

Ở đây cũng nên nói thêm về trách nhiệm của giới truyền thông. Cách họ viết bài, hướng họ khai thác về âm nhạc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc nắn dòng thị hiếu âm nhạc của công chúng. Họ phải chịu trách nhiệm khi nắn nót tô vẽ cho những giá trị ảo. Không ai dám kết luận ngay là có những động cơ không vô tư, nhưng nếu có ai đó phụ trách mục âm nhạc mà không am hiểu về âm nhạc thì cũng nên đi học hoặc tìm hiểu. Đã có lần trong buổi họp báo của một ban nhạc Jazz Pháp do Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội tổ chức, một phóng viên đứng lên hỏi một câu xanh rờn: “Thưa ông, nhạc Jazz là nhạc gì?”. Ông nhạc sĩ kiên nhẫn giảng giải ngoài chương trình mất khoảng 15 phút. Nếu thực tình không biết Jazz là gì thì phải tìm hiểu trước khi đi họp hoặc hỏi ai đó chứ không phải là hỏi ở chỗ ấy khi mình nhân danh phóng viên văn hóa đi dự. Dù vô thức hay cố ý viết những điều không đúng sự thật thì những người đó cũng phải chịu trách nhiệm về ngòi bút của mình.

Trong khi nhiều bài hát ngô nghê nhạt nhẽo chế ngự sân khấu và các chương trình âm nhạc của các nhà đài thì trong kho âm nhạc Việt Nam vẫn còn nhiều bài hát hay, ngay cả những bài mới sáng tác gần đây không được nhìn đến. Có những ca khúc sôi nổi về tuổi trẻ vẫn chưa được các đoàn thể của giới trẻ khai thác. Có gần hai chục bản hợp xướng đặc sắc, đồ sộ không được dựng, mà hợp xướng là một phần quan trọng của ca nhạc. Có những người trẻ tuổi tự đẩy mình xa cái mà họ gọi là “nhạc đỏ” - âm nhạc của cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó có nhiều bài trữ tình quý giá. Nhưng chính “nhạc đỏ” và cả “nhạc vàng” nữa (có lẽ nên gọi là nhạc lãng mạn) là cốt lõi tạo nên cốt cách của ca khúc Việt Nam chứ không phải mấy bài “nhạc trẻ” dễ dãi, nhố nhăng kia.

Lại nói về biểu diễn. Nhiều chương trình thi hát hoặc là sân chơi âm nhạc của trẻ em thì được dựng một cách méo mó theo kiểu người lớn về vũ đạo, hình thể, phong cách biểu diễn và nhất là chọn bài hát, ngoài những bài hát của nước ngoài còn là những bản tình ca, ví dụ như cậu bé mười tuổi hát “anh yêu em”.

Xin hãy trả các em trở về với bản chất hồn nhiên của tuổi thơ, đừng biến các em thành các ông cụ bà cụ tuổi thiếu nhi vừa phản cảm và nguy hại lâu dài.

Khu vực âm nhạc trí tuệ không được chú ý đúng mức. Khi đó là giá trị đích thực mà khán giả thấy ngại ngùng thì phải giúp người ta tiếp cận để quen, để yêu (đừng đòi hỏi phải hiểu âm nhạc cổ điển - khí nhạc). VTV1 mỗi tuần có một chương trình âm nhạc cổ điển - thính phòng nhưng được phát vào lúc nửa đêm, tác phẩm mới phát vào giờ bận rộn. Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội chỉ được đưa tin, không có chương trình truyền hình trực tiếp, không tường thuật kỹ, trong khi ở đó có nhiều tài năng âm nhạc chơi hay và đầy hứa hẹn. Những tác phẩm âm nhạc được giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ cũng không được phổ cập đến đông đảo công chúng.

May quá, trong tháng 9/2013 có hai chương trình âm nhạc đáng trân trọng.

“Điều còn mãi” năm thứ 5 của VietnamNet là chương trình nhạc thuần Việt, từ tác phẩm đến những người thể hiện đều chuẩn mực, được nhiều người hoan nghênh và có truyền hình trực tiếp. Nếu có gì lăn tăn đó là đưa tác phẩm khí nhạc thể nghiệm vào chương trình chắc gì đã trúng với tên gọi “Điều còn mãi”. Chương trình “Ngày âm nhạc Việt Nam” lần thứ tư ở Nhà hát Lớn cũng có đổi mới. Thứ nhất là chọn tác phẩm thuần Việt, không có tác phẩm nước ngoài (như lần 3), không có nhạc trẻ đưa vào theo kiểu “mặt trận” (như lần 1). Thứ hai là, lần đầu tiên có một chương trình đồ sộ về các bản hợp xướng rất hay của Việt Nam (tám bài trong tổng số 10 tiết mục và hai tác phẩm khí nhạc). Khi bản “Tiến quân ca” của Văn Cao vang lên trên sân khấu, nhiều khán giả xúc động mắt rớm lệ, dù rằng hằng ngày thường được nghe Quốc ca.

Những chương trình như thế này, những chương trình âm nhạc chính thống phát trên các kênh phát thanh truyền hình vinh danh âm nhạc đích thực của Việt Nam. Nhưng như thế chưa đủ xứng với vị trí của dòng nhạc này trong đời sống âm nhạc nước ta, chưa thắng được các giá trị ảo đang tiếm ngôi. Các giá trị ảo này không tự biến mất thậm chí ngày càng phình to nếu không làm mọi cách để âm nhạc chuẩn mực có thể lấn át nó. Việc làm này ngoài giới âm nhạc còn cần đến sự hợp lực của giới truyền thông, những người yêu mến và tôn trọng các giá trị âm nhạc Việt Nam.

Đã đến lúc cần Nhà nước tài trợ cho hoạt động biểu diễn đồng thời thực hiện xã hội hóa. Nên có một tổ chức săn sóc đến đời sống âm nhạc để nó phát triển lành mạnh, để xây dựng một thị hiếu có văn hóa và có thẩm mỹ âm nhạc cho đông đảo công chúng.

Công việc này có thể do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có thể do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm, cũng có thể là sự kết hợp giữa cả hai, bởi vì văn hóa và thẩm mỹ âm nhạc cả về sáng tác và biểu diễn góp phần xây dựng văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thị Nam

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.