Điện ảnh – Văn học: Sự hợp tác còn nhiều... bối rối

07:12 | 02/08/2013

1,012 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc điện ảnh cần nương tựa vào các tác phẩm văn học khi mà kịch bản phim hấp dẫn đang thiếu trầm trọng là điều các nhà làm phim đã suy tính. Nhưng để nhập cuộc thì còn nhiều lắm những vấn đề nan giải...

Giữa bối cảnh khan hiếm kịch bản hấp dẫn thì văn học được coi là “mỏ quặng” cho các nhà làm phim. Xưa nay, có không ít những tác phẩm văn học được đưa lên màn ảnh đã gặt hái được thành công, trở thành niềm tự hào của điện ảnh nước nhà. Bởi vậy, ý tưởng hợp tác giữa văn học và điện ảnh không phải là mới. Nhưng thực tế, trên cánh đồng văn học mênh mông thì điện ảnh Việt vẫn chỉ chạm được tới một phần rất nhỏ.

Mới đây nhất, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang tiếp tục công cuộc khai thác những ngôn từ văn học để chuyển thể bốn tác phẩm văn học kinh điển của Vũ Trọng Phụng thành phim. Sau bước thử nghiệm này nếu thành công sẽ hứa hẹn một loạt các tác phẩm xuất sắc của các nhà văn giai đoạn này được lên phim như: Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố...

Cánh đồng hoang - bộ phim đã từng là niềm tự hào của điện ảnh nước nhà

Nhưng sự bắt tay giữa điện ảnh và văn học vẫn có những bối rối. Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến sự bối rối và nhập cuộc một cách dè dặt như hiện tại? Không khó để lý giải, bởi khi những tác phẩm văn học đã trở thành “cái bóng” quá lớn, thì việc vượt qua nó quả là một sự mạo hiểm. Đã có những tác phẩm văn học đặc sắc chuyển thể sang phim thành công như: Cánh đồng hoang, vợ chồng A phủ, Giông Tố, Chị Dậu... Chính những bộ phim này đã từng là niềm tự hào của nền điện ảnh nước nhà.

Song, cũng có không ít những “sản phẩm” không mấy thành công, thậm chí đuối hơn hẳn so với nguyên tác văn học. Như với Thời xa vắng đạo diễn Hồ Quang Minh dù có cố gắng nhưng phải thừa nhận rằng, việc quá tuân thủ đến mức “rập khuôn” trong phim theo đúng với ý đồ của nhà văn Lê Lưu lại vô tình đem đến sự nhàm chán. Cái cần là một hơi thở mới bằng một ngôn ngữ mới thì lại không tìm thấy ở bộ phim này. Hay Cánh đồng bất tận - bộ phim mà đạo diễn trẻ Nguyễn Phan Quang Bình chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại thất bại trong chính bản thể của phim. Hình ảnh và nội dung được thể hiện trong phim chưa trọn vẹn và sâu sắc để trở thành hiện tượng như trong tác phẩm văn học.

Điều mang đến mối nghi ngại nữa là với những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học mang tính lịch sử như vậy thì gặp khó nhiều lần trong chọn bối cảnh và diễn viên cho phim. Chính nữ đạo diễn Nhuệ Giang cũng từng trăn trở: “Cái khó cho việc làm phim lịch sử hiện nay là việc tìm kiếm diễn viên và chọn bối cảnh”.

Nếu với những bộ phim vừa đòi hỏi sự chuẩn xác về lịch sử thì việc chọn diễn viên sao cho hợp và chọn được rồi thì việc hóa thân cũng vô cùng khó. Bởi sự chênh giữa hai thời đại, đời sống khác, yếu tố lịch sử khác, quan niệm và cách sống cũng khác thì việc hóa thân của diễn viên là vô cùng khó. Làm sao để nắm bắt được cái thần thái của nhân vật lại là rào cản đối với dàn diễn viên đang được trẻ hóa như hiện nay.

"Trò đời" được xem là phát súng đầu tiên cho dòng phim chuyển thể từ dòng văn học 1930 -1945

Một khó khăn nữa không thể không nhắc tới là việc tìm bối cảnh cho phim. Vấn đề phim trường thiếu trầm trọng đang là thiệt thòi cho nền điện ảnh Việt. Trường quay duy nhất là Cổ Loa thì hiện tại mới chỉ là một quảng trường trống không. Việc tạo bối cảnh, chuẩn bị đạo cụ cho mỗi bộ phim là vô cùng tốn kém. Nên nếu phải đầu tư toàn bộ từ xây dựng bối cảnh, trang phục, dụng cụ... như hiện tại thì e rằng lỗ nặng. Bởi vậy, so với sự nhanh lẹ làm mau ăn chóng của dòng phim thị trường thì chẳng vị đạo diễn nào lại muốn tự làm khó mình!

Hiện tại, giải pháp đang được đặt ra là tận dụng một cách triệt để, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: Sau bộ phim Trò đời thành công, thì những bối cảnh, dụng cụ của bộ phim này sẽ được tận dụng làm “của để dành” cho loạt phim về dòng văn học 1930 – 1945 tiếp theo.

Thế mới biết, việc đưa một tác phẩm lên phim không phải là chuyện dễ. Biết tận dụng những “thực phẩm” có sẵn là một chuyện, nhưng chế biến chúng thành những “món ngon” thì là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Và cơ bản là tài năng của người đạo diễn.

Dự kiến, bộ phim truyền hình dài tập “Trò đời” sẽ được ra mắt công chúng vào trung tuần tháng 8 tới đây. Để nói thành công hay không thì vẫn còn phải chờ đợi, và dòng phim văn học đậm chất lịch sử như vậy có đến và sống với công chúng hay không? Câu trả lời vẫn ở phía trước. Tuy nhiên, việc “dựa lưng” vào văn học trong tình huống khan hiếm kịch bản hay như hiện nay được xem là một động thái tích cực. Hơn nữa, khi văn hóa đọc đang ngày càng yếu đi ở giới trẻ, thì để họ tiếp cận văn học qua điện ảnh cũng là những bước thể nghiệm mới, đúng đắn.

Huy An