Đi thi quốc tế: Nhan sắc Việt lại “trắng tay”

11:30 | 23/10/2013

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi năm có vài hoa hậu, á hậu, hoa khôi mới xuất hiện sau các cuộc thi nhan sắc, nhưng việc chọn được một gương mặt đại diện để tham gia thi thố tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế thì năm nào cũng gây tranh cãi. Và người đẹp đi thi thì liên tục ra về “tay trắng”, nhiều năm rồi họ không thể lọt vào top 30, 20.

Nói về lượng của các cuộc thi nhan sắc nước ta hiện nay, người ta dùng đến từ “loạn” để diễn tả, chỉ tính riêng các cuộc thi cấp quốc gia thì đã có: “Hoa hậu Việt Nam”, “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam”, “Hoa khôi trang sức”, “Hoa khôi thể thao”, “Nữ hoàng biển”, “Hoa khôi trí tuệ”… Và hàng loạt những cuộc thi tầm tầm bậc trung trong phạm vi nhỏ hay các cuộc thi người mẫu, thời trang khác. Chính vì quá nhiều cuộc thi diễn ra nên mấy năm gần đây việc chọn thí sinh vào các vòng bán kết, chung kết đã xảy ra tâm lý “vơ bèo vạt tép” của giám khảo, chất lượng thí sinh ngày càng thấp.

Ở các cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn nhất nhì hành tinh như “Hoa hậu thế giới” hay “Hoa hậu hoàn vũ” thì mỗi năm tổ chức một lần và năm nào chúng ta cũng đều có đại diện đi thi với rất nhiều ồn ào. Song, kết quả thu về thì không khỏi khiến người ta thở dài, bởi năm nào cũng “trắng tay”, dù là chỉ lọt vào top 20 trong các giải phụ.

Quá trình đào tạo người đẹp đang còn thiếu bài bản, kém chuyên nghiệp (Ảnh minh họa)

Người đẹp nào đi thi về đều dễ bị công chúng “ném đá” vì không nên cơm cháo gì. Tuy nhiên, trách các người đẹp thì có vẻ thật tội cho họ, bởi ai đi thi mà không muốn mình được vinh danh, được cả thế giới ngưỡng vọng về tài sắc của mình. Có thể nói họ đã cố gắng hết sức mình, bằng tất cả những gì có thể. Vấn đề là “những gì có thể” của họ chưa đủ để với tới các giải thưởng, nếu không nói là còn rất xa mà nguyên nhân chính là những bất cập từ công tác đào tạo của chúng ta. Hay nói cụ thể hơn là các hoa hậu, á hậu những năm gần đây chỉ có chất lượng trung bình, chưa đủ ra thế giới so tài.

Vấn đề chất lượng của những hoa hậu hay á hậu thì lại tùy thuộc gần như hoàn toàn vào công tác đào tạo trước đó của đơn vị đào tạo người đẹp. Các công ty hiện nay rất nhiều, những công ty nổi tiếng trong giới đào tạo chân dài có thể kể đến như: Elite Việt Nam, PL, Phúc Nguyễn, Á Đông… Họ là những đơn vị có trong tay rất nhiều người đẹp sẵn sàng thi thố trên các đấu trường nhan sắc. Nhưng để nói về chất lượng đào tạo người đẹp từ những công ty này thế nào thì còn rất nhiều điều đáng bàn.

Một chuyên gia đào tạo người đẹp, đồng thời cũng là giám đốc của một công ty chia sẻ rằng, việc đào tạo người đẹp hiện nay còn non kém và quá nhiều hạn chế. Phần đông các công ty đều đào tạo theo cảm tính và nghề dạy nghề, người đi trước chỉ lại cho người đi sau chứ không có một giáo trình cụ thể nào. Chuyên gia cho biết, để đào tạo ra một người mẫu giỏi cũng giống như đào tạo một kỹ sư, cần phải có những buổi học lý thuyết đi đôi với thực hành, đào tạo từ căn bản đến nâng cao, đào tạo từ cái dễ nhất đến cái khó nhất và từ hình thức đến cả tâm hồn!

Nhưng thực tế là việc đào tạo người đẹp hiện nay không bắt nguồn từ những bài học cơ bản đến nâng cao mà dạy theo kiểu đốt cháy giai đoạn. Và các công ty vì lợi nhuận mà đào tạo vì số lượng nhiều hơn là chất. Đó là chưa kể đến thời gian đào tạo người đẹp cũng còn nhiều bất cập; nếu như ở các nước chuyên nghiệp thì việc đào tạo một nhan sắc được bắt đầu từ bé và được đào tạo một cách bài bản cho đến lúc trưởng thành. Với quy trình đào tạo đó, khi người đẹp đi thi quốc gia thì cơ hội trở thành hoa hậu hay á hậu là rất cao và đó là một danh hiệu có chất lượng. Vì thế khi được chọn đi thi trên thế giới, họ hoàn toàn tỏ ra chuyên nghiệp và tự tin về khả năng của mình.

Lại Hương Thảo vừa "trắng tay" tại "Miss World 2013", Trương Thị May vừa lên đường thi "Miss Universe 2013"

Nhưng ở nước ta thì khác, người đẹp được giáo dục, đào tạo quá sơ sài trong một thời gian ngắn, thậm chí chỉ bồi dưỡng qua loa là có thể tham gia các cuộc thi trong nước. Nếu may mắn có lợi thế về nhan sắc thì họ sẽ chiến thắng; từ đó họ trở thành một hoa hậu cao quý, trong khi mọi thứ về kỹ năng, chuyên môn vẫn còn đang rất lơ ngơ! Với chất lượng hoa hậu như thế thì việc chọn họ đi thi quốc tế ngay sau khi đăng quang vài tháng sẽ chẳng khác nào là chuyện của… đi thi cho biết sân thi rồi về! Công bằng mà nói, trước khi các nhan sắc được chọn đi thi quốc tế thì bao giờ họ cũng được đào tạo nước rút, kiểu “nước tới chân mới nhảy” với các chuyên gia trong vòng một vài tháng. Nhưng có thể khẳng định ngay rằng, vấn đề chất lượng không phải là mấy tháng để chuẩn bị đó bởi thời gian đó không thể “lột xác” một người đẹp từ lơ ngơ thành chuyên nghiệp được.

Một điều cần nhắc đến nữa là việc chọn người đẹp đi thi quốc tế hàng năm luôn xảy ra nhiều tranh cãi và cũng tồn tại nhiều bất cập. Như chuyện Lại Hương Thảo được chọn đi thi Hoa hậu thế giới năm nay. Cô đã bị dư luận “ném đá” từ khi chưa lên đường bởi họ cho rằng, nhiều đại diện khác tài, sắc hơn Lại Hương Thảo nhưng đã không được chọn. Chia sẻ với PetroTimes, bà Thúy Nga - Giám đốc Công ty Elite Việt Nam, đơn vị giữ bản quyền đưa người đẹp Việt Nam thi Hoa hậu thế giới tóm gọn vấn đề này trong hai từ “bị động”. Bà Nga nói, mỗi năm khi đến cuộc thi Hoa hậu thế giới thì bà chọn ra vài gương mặt đại diện để gửi hồ sơ tới ban tổ chức. Sau đó bà sẽ cùng ban tổ chức thảo luận để đưa đến việc chọn một thí sinh. Bà Nga thẳng thắn: “Chuyện chất lượng thí sinh thế nào không do đơn vị chúng tôi bởi ban tổ chức những cuộc thi toàn quốc của chúng ta đã chọn ra những người đẹp như thế thì tôi cũng có thể chỉ chọn ra được những “sản phẩm” đó thôi. Còn chuyện đào tạo vài tháng trước khi đi thi là không ăn thua, nó phụ thuộc nhiều vào tố chất thí sinh và sự đầu tư dài hạn trước đó từ các đơn vị đào tạo”.

Được biết, ở các nước làm chuyên nghiệp, bài bản thì trước khi tổ chức thi một cuộc thi nhan sắc quốc gia, họ luôn phối hợp với đơn vị giữ bản quyền thi quốc tế một cách chặt chẽ chứ không phải tự ai nấy làm như nước ta. Với sự phối hợp chặt chẽ từ ban đầu như thế thì khi thí sinh thắng giải cuộc thi trong nước sẽ được ấn định là đi thi quốc tế chứ không phải phân vân lựa chọn. Cụ thể, ví dụ như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có tiêu chí gần giống với cuộc thi Hoa hậu thế giới, nếu ban tổ chức cuộc thi này cùng kết hợp với Elite Việt Nam ngay từ khâu tổ chức để tạo nên một kịch bản chuyên nghiệp, quy chuẩn thì thí sinh thắng giải sẽ là người đại diện Việt Nam thi Hoa hậu thế giới. Nhưng hiện tại chưa có sự phối hợp như thế. Hơn nữa, hiện nay các cuộc thi nhan quốc gia nở rộ nhưng hầu như chưa có cuộc thi nào nhắm đến những tiêu chí xa hơn là đưa người thắng giải của cuộc thi mình đi thi quốc tế.

Đang có một tâm lý rất tệ rằng, việc mỗi năm có cả trăm người đẹp từ nhiều quốc gia trên thế giới đi thi hoa hậu nhưng chỉ có 15 người có giải nên việc chuyện chúng ta “trắng tay” cũng là chuyện hết sức bình thường! Đặc biệt, nếu ngay cả đơn vị nắm bản quyền, chịu trách nhiệm đưa nhan sắc Việt tỏa sáng trên đấu trường nhan sắc quốc tế vẫn xem chuyện liên tiếp thất bại ấy là chuyện bình thường thì xem ra, chuyện “trắng tay” của các người đẹp sẽ còn kéo dài nữa ở những mùa sau!

Anh Lê

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.