Di sản: Bảo tồn và tôn vinh

06:52 | 05/06/2013

1,165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khát vọng được vinh danh di sản ở tầm thế giới đang lan tỏa. Cả một phong trào xây dựng hồ sơ di sản đang nở rộ. Nghệ thuật hát xẩm thời gian qua cũng được gửi gắm ước nguyện vinh danh bởi UNESCO. Nhưng những gì đang chuẩn bị cho ước nguyện đó xem chừng còn mong manh. Và quan trọng hơn, có những việc cấp bách cần được thực hiện trước một cách tỉnh táo.

Giấc mơ xa

Hai năm trước, tỉnh Ninh Bình đã triển khai Đề án số 04/ ĐA-UBND về việc “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm”. Đề án này do Nhà hát chèo Ninh Bình phối hợp triển khai với việc mời các nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan… từ Hà Nội về truyền dạy một cách bài bản cho các diễn viên nhà hát. Đồng thời cũng đã có một quãng thời gian ngắn, khi NSƯT, nghệ nhân Hà Thị Cầu còn tại thế, nhà hát cũng đã mời cụ truyền dạy mang tính chất sơ bộ cho các diễn viên và học viên quần chúng trên địa bàn xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Sau một thời gian triển khai, giai đoạn I đã kết thúc và hiện dự án đang tiếp tục được thực hiện với mong muốn phục hồi, quảng bá, làm lan tỏa hơn nghệ thuật hát xẩm.

Điều đáng chú ý là cũng cùng với việc bắt tay vào dự án, tại Ninh Bình đã sớm hình thành một mong đợi, đó là nghệ thuật hát xẩm sẽ vươn lên tầm thế giới. Đạo diễn NSƯT Quang Thập - Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình, từng chia sẻ, với ý thức coi mảnh đất Ninh Bình là một cái nôi của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam, trong tương lai, đề án còn hướng đến việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng, đây là bước đi tiên phong của một địa phương trong việc bảo tồn, phát huy môn nghệ thuật dân tộc từng lan tỏa rộng rãi nhưng nay đã mai một qua thời gian dài.

Có thể coi kỳ vọng đưa xẩm lên thành di sản thế giới xuất phát từ Ninh Bình là một giấc mơ táo bạo, mặc dù nhìn về phía trước thì hẳn rằng, không ít người sẽ… giật mình thấy cả một chặng đường… mịt mờ. Giấc mơ táo bạo này có thể hiện thực hóa đến đâu, chắc đây sẽ là đề tài làm dấy lên những ý kiến đa chiều trong thời gian tới.

Vội vã gần

Ngạc nhiên về hành trình hướng tới viễn cảnh “di sản thế giới hóa” nghệ thuật hát xẩm của một địa phương mà xẩm vốn không chỉ tồn tại, phát triển ở đó và cũng chưa chắc rằng, đó có phải là cái nôi của xẩm hay không, TS nhạc sĩ Thao Giang - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đưa ngay ra nhiều băn khoăn của ông: Thứ nhất, xẩm có ở rất nhiều nơi: Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thứ hai, các chuyên gia đang tạm chia xẩm theo hai dòng mang phong cách làng quê và đô thị, trong đó riêng dòng chảy thứ hai tập trung ở các thành phố lớn chứ không đậm nét ở các tỉnh.

Cả chục năm nay, cùng các cộng sự nghiên cứu, phục hồi, khơi lại dòng chảy để xẩm trở về trong đời sống đương đại, trước hết là ở địa bàn Hà Nội nhạc sĩ nói: “Chúng tôi còn chưa hệ thống hóa được rõ ràng về cấu trúc âm nhạc, nội dung văn học, hệ thống nhạc khí và môi trường diễn xướng của xẩm. Nguồn tư liệu cũ còn hiếm hoi và những thành quả đúc kết cũng mới chỉ bước đầu. Cho nên khá lạ lùng khi nghe đến một kỳ vọng di sản thế giới cho xẩm như vậy!”.

Theo nhận xét của nhạc sĩ Thao Giang, với giấc mơ đó, đơn vị thực hiện đề án khôi phục, bảo tồn là Nhà hát chèo Ninh Bình chưa thể đủ năng lực, chuyên môn để hướng tới. Ông nghi ngại cụ Cầu từng dạy các nghệ sĩ và một số học trò khác, nhưng hầu như chưa có học trò nào theo được, nắm bắt được cơ bản những tinh hoa nghề nghiệp của hát xẩm. Chưa kể, NSƯT nghệ nhân Hà Thị Cầu là một tài năng lớn, xuất chúng, nhưng thực tế ở nhiều địa phương cũng có những gương mặt nghệ nhân hát xẩm kỳ cựu khác. Nếu chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về một diện mạo tương đối đầy đủ của xẩm thì không nên vội vã trong việc xin vinh danh.

Việc cấp bách

Rõ ràng, kỳ vọng cho nghệ thuật hát xẩm nói chung hoặc cho nghệ thuật xẩm tại địa phương mình được tôn vinh, được nổi tiếng, gắn liền với địa danh nơi tồn tại, phát triển xẩm, điều này trong bối cảnh hiện nay, chưa quan trọng và cần kíp bằng việc đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, hình thành hệ thống tư liệu, bài bản của xẩm. Bên cạnh đó là chuyên chú vào nâng cao kỹ năng, nghệ thuật biểu diễn của các diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng vừa bước chân vào với xẩm.

Có thông tin, tư liệu khoa học, có các tài năng nghệ thuật, thì một địa phương như Ninh Bình hay các địa phương khác có nghệ thuật xẩm, mới có thể lấy đó làm cơ sở cho các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng, cho công tác đào tạo thế hệ kế cận và hoạt động tuyên truyền, quảng bá làm lan tỏa các giá trị của xẩm. Và đương nhiên, những công việc như thế không thể không có sự phối hợp với các chuyên gia cũng như sự kết nối cần thiết giữa các địa phương có nghệ thuật xẩm. Nếu không, phát triển ồ ạt với chất lượng hạn chế, hiểu biết chưa thấu đáo thì sự sôi nổi của phong trào cũng không thể cứu lại những thiếu hụt và nhầm lẫn gây ảnh hưởng lâu dài.

Mặt khác, từng có những lập luận cho rằng, việc vinh danh di sản ở tầm quốc tế cũng chính là nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đó và sẽ huy động được càng đông đảo sức mạnh của cộng đồng trong việc trên. Quan điểm, lập luận này dễ trở thành chỗ dựa cho những giấc mơ di sản thế giới đang có điều kiện “đua nở”. Nhưng ngược lại, cũng cần đặt vấn đề rằng, muốn bảo tồn, phát huy di sản, hãy đi thẳng vào công việc này ngay chứ đừng hoặc đâu cần phải đến lúc di sản đó được vinh danh.

Thêm nữa, căn cứ từ thực tế, phải chăng danh hiệu di sản thế giới mới là “liều thuốc” tối ưu cho sự phục hưng của di sản? Không phủ nhận “liệu pháp danh hiệu” cũng là một xúc tác để vực dậy và bồi bổ cho di sản, nhưng việc quá chuyên chú vào liệu pháp này, thực tế đã khiến lơi là một số “việc cần làm ngay khác”. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản thế giới từ 7 năm trước, nhưng sự mai một, biến dạng không gian này và đặc biệt là sự chậm chạp trong bảo tồn các dàn chiêng, các bài chiêng đã dẫn đến những nguy cơ và thiệt hại văn hóa không nhỏ.

Ca trù là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã gần 4 năm nay, nhưng ngoài danh hiệu được nhắc đi nhắc lại thì hiệu quả bảo tồn, phát huy ca trù thông qua kiểm kê, nghiên cứu, hệ thống hóa dữ liệu, đào tạo, truyền nghề, đãi ngộ nghệ nhân… đang đặt ra rất nhiều nghi ngại! Ngay với nghệ thuật hát xẩm và tại Ninh Bình thì suốt chặng thời gian vừa rồi, ở ngay cạnh ước mơ di sản thế giới, vẫn luôn có NSƯT, nghệ nhân Hà Thị Cầu huyền thoại, sống nghèo khó đến tận lúc qua đời. Và cho đến tận lúc đó, với bậc tài hoa hiếm hoi ấy, nhiều người vẫn tiếc nuối vì chưa lĩnh hội được nhiều từ cụ.

Mấy ví dụ về những bất cập này, thêm cả ví dụ quá sinh động về di sản quốc gia làng cổ Đường Lâm với những ồn ào chưa dứt về bức xúc của người dân sống trong di sản, hy vọng sẽ được các nhà quản lý, nghệ sĩ ở Ninh Bình tham khảo, rút kinh nghiệm cho công cuộc hồi phục, giữ gìn xẩm ở địa phương mình. Bản thân di sản giá trị hơn danh hiệu mà nó có thể được trao tặng. Và yêu thương, tiếc xót cho di sản thì phải vì di sản trước rồi hẵng vì danh hiệu cho di sản đó.

Xuyên Sơn