Để những “phiên chợ kịch” sôi nổi

07:00 | 12/10/2013

817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Chợ kịch” (website: chokich.vn) vừa mở từ nhiệt tình của các nghệ sĩ muốn thúc đẩy hoạt động giao dịch kịch bản trong lĩnh vực sân khấu. Nhưng để có được những “phiên chợ” đông đảo kẻ bán người mua cùng nhiều “mặt hàng” được “ra sạp” thường xuyên, những người “chủ chợ” sẽ phải vượt qua những vướng mắc từ hai phía.

Cải thiện thị trường

Dự kiến bắt đầu vận hành từ giữa tháng 7, nhưng cho đến tháng 10 này, chuyên trang “Chợ kịch” thuộc Công ty CP Công nghệ truyền thông đa phương tiện HK (HK Media) của NSƯT - Đạo diễn Triệu Trung Kiên và các cộng sự mới chính thức “mở sạp”. Được chia thành nhiều phần, trong đó quan trọng nhất là mục “Tác giả”. Tại đây giới thiệu các kịch bản mới và cả những kịch bản đã qua dàn dựng của các tác giả đã có thời gian làm nghề, cùng với đó là những ý tưởng sáng tác mới. Ngoài ra còn có một số kịch bản sân khấu kinh điển của Việt Nam và thế giới, khai thác từ bộ sách 100 kiệt tác sân khấu thế giới của NXB Sân khấu. Được hy vọng sẽ gây chú ý nhiều hơn thời gian tới là “Góc tác giả mới”, nơi giới thiệu các gương mặt mới và tác phẩm đầu tay.

Cảnh trong vở "Bà tỉ phú về thăm quê” của nhà văn Thụy Sĩ Friedrich Duerrenmatt do Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn

Tâm huyết lâu dài với dự án “Chợ kịch”, cho đến hôm nay cơ bản thành hình và “chường mặt” ra với thiên hạ, NSƯT Trung Kiên chia sẻ với mục tiêu rõ ràng trên tinh thần cộng hưởng hoạt động nghệ thuật và kinh doanh sản phẩm nghệ thuật: Từ thực tế sân khấu khó khăn trong tìm nguồn kịch bản có chất lượng, chúng tôi quyết định đầu tư hạng mục kinh doanh “Môi giới bản quyền tác giả”. Và nghệ sĩ hy vọng: “Chợ kịch” với tuyên ngôn là nơi “khởi nguồn của sáng tạo” sẽ là điểm kết nối giữa các tác giả và các cơ quan, đơn vị, cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, nhằm tạo nguồn “cung” kịch bản sân khấu phong phú, đa dạng, có chất lượng.

Một số ý kiến của những người trong nghề đã gửi gắm kỳ vọng “Chợ kịch” sẽ trở thành gạch nối hữu hiệu, góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, đặt hàng, xây dựng kịch bản thuộc nhiều kịch chủng, từ các vở diễn dài cho đến những tiểu phẩm ngắn gọn. Đồng thời cổ vũ “Chợ kịch” sẽ làm tốt vai trò “dọn đường” cho các gương mặt trẻ, mới xuất hiện. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho biết: Nhiều tác giả trẻ viết xong không biết tìm ai, gửi kịch bản đi đâu. Ngay cả tôi viết chuyên nghiệp lâu năm, nhiều khi cũng không biết giới thiệu kịch bản của mình ở đâu. Có ai hỏi thì đưa ra thôi. Tin rằng sự ra đời “Chợ kịch” sẽ là cầu nối hiệu quả giữa tác giả và nhà hát. Nhà viết kịch Ngọc Thụ nhiều năm là Chủ nhiệm CLB tác giả sân khấu phía bắc - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông cổ vũ: Các đơn vị sân khấu nên đón nhận các kịch bản được giới thiệu trên “Chợ kịch”.

Còn đó băn khoăn

Tuy nhiên, dù nhiệt tình mời gọi, thông báo rộng rãi và giới thiệu cơ chế vận hành một cách minh bạch, “Chợ kịch” chưa phải đã được một số tác giả hào hứng đón nhận. Chính NSƯT Triệu Trung Kiên cũng cho biết, khi đặt vấn đề, đa số tác giả tỏ ý ủng hộ, có đến khoảng 90% tác giả thuộc CLB tác giả sân khấu phía bắc nhận lời miệng sẽ tham gia và hiện nay đã có gần 30 tác giả gửi kịch bản, ý tưởng đến “Chợ kịch”. Còn lại vẫn có những người băn khoăn hoặc muốn từ từ, để “Chợ kịch” vận hành một thời gian xem làm ăn thế nào đã. Nghệ sĩ nói: Có tác giả lúc đầu từ chối, nhưng chúng tôi thuyết phục, rằng có sự xuất hiện tác phẩm của anh, của chú… ngoài chuyện quảng bá, mua bán, còn là để cho nghề, cho các em thế hệ sau có thể tìm đọc, học tập. Họ nghĩ lại ít giây, tỏ ý đồng thuận nhưng vẫn nói để mình sẽ tham gia sau một chút.

Đa phần những nghi ngại hiện nay được biết có liên quan đến vấn đề tác quyền. Một số tác giả chưa muốn gửi kịch bản hoặc ý tưởng đến vì sợ đưa lên mạng rộng rãi sẽ bị sao chép, đánh cắp ý tưởng, nội dung… Biết đâu đưa lên mãi chẳng thấy ai mua hay hỏi đến, bỗng một ngày đẹp trời thấy một đơn vị dựng hay diễn một vở nào đó gần như của mình nhưng lại do tác giả khác đứng tên thì biết kiện cáo, khiếu nại thế nào! Đã đưa ra “giữa chợ” để ai cũng biết thì nhỡ có bị vi phạm cũng khó lòng tìm ra chứng cứ.

Cảnh trong vở "Tiếng đàn vùng Mê Thảo" của PGS Tất Thắng do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng

Bản thân những người điều hành “Chợ kịch” cũng phải thừa nhận, nếu có vi phạm tác quyền đối với những kịch bản, ý tưởng được giới thiệu thì cũng không dễ phát hiện. Và vẫn có thể có khả năng rủi ro, những người điều hành sẽ cố gắng hạn chế rủi ro ở mức tối thiểu bằng một số biện pháp bảo vệ. Ví dụ, hiện nay với mỗi kịch bản đã có, “Chợ kịch” chỉ đăng 10-15 trang, một hai cảnh để giới thiệu chứ không đưa lên toàn bộ nội dung. Khi đơn vị sân khấu muốn xem toàn bộ kịch bản và ưng ý thì sẽ có làm việc giữa ba bên: “Chợ kịch”, đơn vị và tác giả, với những điều khoản được thống nhất, ký kết rõ ràng.

NSƯT - đạo diễn Trần Quang Hùng - Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội cho rằng: Hiện “Chợ kịch” còn thiếu nhiều tác giả, họ chưa hiểu, chưa tham gia vì chưa thấy yên tâm, đó cũng là điều dễ hiểu.

Chu đáo, chu đáo hơn

Trong tọa đàm vừa diễn ra tại Nhà hát Cải lương Việt Nam với sự phối hợp của CLB Nhà báo sân khấu - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xung quanh vấn đề kết nối các tác giả với đơn vị nghệ thuật thông qua “Chợ kịch”, đã có những gợi ý để việc vận hành, giao dịch của “Chợ kịch” sao cho trôi chảy, được hưởng ứng nhiều hơn. NSƯT Hoàng Đạt - Phó giám đốc nhà hát cho rằng: Cần tăng số lượng các tác giả miền Nam vì hiện mới chỉ thấy có một hai gương mặt; sớm thông báo rộng rãi tới các đơn vị sân khấu về địa chỉ “Chợ kịch” để các nơi dần có ý thức tham khảo, theo dõi trên website để tìm kịch bản. NSƯT Trần Quang Hùng cho rằng, tên tác giả nhiều khi cũng là một sự đảm bảo quan trọng, tạo độ tin cậy nhất định đối với kịch bản, nhất là những tác giả gạo cội, đã có uy tín trong nghề. Vì vậy cần tính lại cách giới thiệu hiện nay trên “Chợ kịch” là đưa kịch bản không kèm tên tác giả, mặc dù mục đích của nó là tạo ra sự bình đẳng giữa người có tiếng, có thâm niên với người mới vào nghề. Bên cạnh đó, nếu với kịch bản được chọn, đơn vị dàn dựng muốn có những điều chỉnh cho phù hợp thì mong tác giả cũng vui lòng.

Đã hiện diện, đã được nhiều tờ báo quan tâm, ủng hộ và nhận được sự khích lệ của một bộ phận tác giả sân khấu, sự khởi đầu của “Chợ kịch” có thể coi là thuận lợi. Nhưng từ sự xuất hiện này, để thuyết phục được các tác giả gửi thêm nhiều kịch bản cũng như mời gọi được nhiều tác giả khác để tăng số lượng “mặt hàng”, “thương hiệu”, sẽ là một công việc thách thức với những người xây dựng, điều hành “Chợ kịch”. Quan trọng hơn là phải có hiệu quả thực trong việc tiếp thị đối với các đơn vị sân khấu để “hàng” được xem, được bán. Đó là yếu tố quyết định sự tồn tại “mạnh khỏe” hay không của “Chợ kịch”.

Trở ngại cho hành trình này là không ít khi hiện nay nhiều đơn vị nghệ thuật vẫn gửi niềm tin vào một số gương mặt tác giả quen biết, vẫn quen làm việc, đặt hàng trực tiếp theo lối truyền thống. Và ngược lại, các tác giả cũng đã quen với kiểu làm việc này. Chưa kể tâm lý phổ biến của những người viết, không cần môi giới để khỏi mất một khoản phí bằng khoảng 10-15% nhuận bút kịch bản. Chắc chắn để các đơn vị và tác giả quen và hứng thú được với cách làm mới, sẽ phải mất thời gian dài. Bản thân những người điều hành “Chợ kịch” đã xác định điều này. Hy vọng vào khả năng của họ trong việc thuyết phục hợp tình hợp lý, kết nối nhanh chóng và rộng rãi, thủ tục thuận tiện và thỏa đáng giữa các đơn vị với tác giả. Đồng thời ở buổi đầu xuất hiện, cần có nhiều thông tin, nội dung cùng các hoạt động nghề nghiệp để hình ảnh và sự hiểu biết về “Chợ kịch” được sinh động hơn.

Xuyên Sơn

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...