Đạo diễn Việt Linh - con tằm cần mẫn

06:00 | 25/12/2014

2,718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở tuổi 62 nhưng đạo diễn Việt Linh vẫn tràn trề năng lượng, sáng tạo đối với chị dường như vô tận. Sau cơn tai biến chị đành từ giã nghiệp đạo diễn, nhưng Việt Linh không đầu hàng số phận, sức khỏe hồi phục chị tiếp tục với những kịch bản phim truyền hình, kịch nói, rồi viết báo, viết văn. Năng lượng Mới có dịp trò chuyện cùng đạo diễn Việt Linh nhân chuyến về Việt Nam ra mắt hai tác phẩm mới vào tháng 12/2014, mới cảm nhận được sự thông minh, sắc sảo, hài hước, nhân bản… của con người chị.

Năng lượng Mới số 385

Biến cố cuộc đời

Phụ nữ làm đạo diễn đã ít, phụ nữ làm đạo diễn thành công càng không nhiều và chị là một trong những người hiếm hoi ấy. Với điện ảnh, đạo diễn Việt Linh đã rất thành công. Đối với chị, đạo diễn vẫn là số một, dù sau sức khỏe không cho phép chị đi con đường nhọc nhằn này nữa.

Đạo diễn Việt Linh sinh ngày 2/12/1952 tại Sài Gòn. Với năng khiếu bẩm sinh, năm 13 tuổi bé Việt Linh là “chủ trò” của các hoạt động viết lách trong trường. Với lý tưởng đẹp của tuổi tròn trăng, năm 1969, bước sang tuổi 17, thiếu nữ Việt Linh rời trường trung học, thoát ly cùng gia đình lên căn cứ theo cách mạng. Khi đảm đương nhiệm vụ “chị nuôi” tại Xưởng phim Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, chị đã có truyện ngắn 2 kỳ “Hương vú sữa” đăng trên Báo Giải phóng. Từ năm 1970, Việt Linh khởi đầu sự nghiệp điện ảnh đầy vất vả nhưng kỳ thú bằng vai trò dựng phim, biên tập, biên kịch phim tài liệu. Việt Linh tốt nghiệp khóa quay phim do Xưởng phim Giải Phóng đào tạo vào năm 1974. Hòa bình lập lại, Việt Linh tiếp tục công tác tại Hãng phim Giải phóng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đạo diễn Việt Linh

Bước ngoặt nghề nghiệp đến với Việt Linh vào tháng 9/1979, chị được gửi đi Liên Xô (cũ) học biên kịch phim truyện, nhưng do đam mê riêng, chị xin thi chuyển ngành và đỗ vào Khoa Đạo diễn phim truyện tại Trường đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang Xôviết, Moskva. Tốt nghiệp, trở về nước, Việt Linh tiếp tục hành nghề tại Hãng phim Giải phóng, chị lao vào công việc với niềm đam mê bất tận, vừa làm đạo diễn phim truyện vừa viết kịch bản phim truyện. Kể từ đó, những kịch bản phim truyện “Phiên tòa cần chánh án”, “Ba người đàn ông”, “Mê thảo - thời vang bóng” (viết cùng biên kịch Nguyễn Thùy Nhân), “Nếu anh còn được sống”, “Người thứ năm”… liên tục ra đời.

Bộ phim truyện đầu tay của Việt Linh với vai trò đạo diễn năm 1986, mang tên “Nơi bình yên chim hót”. Năm 1987, xuất hiện bộ phim “Phiên tòa cần chánh án”; năm 1988, nữ đạo diễn đã cho ra đời tác phẩm “Một cuộc đời bị đánh cắp” và tiếp sau đó, năm 1989 đã chế tác “Gánh xiếc rong”… Tiếp sau đó là “Dấu ấn của quỷ”, “Chung cư”, “Mê Thảo - Thời vang bóng” gây tiếng vang trong và ngoài nước.

“Gánh xiếc rong” ra đời năm 1988, ghi dấu ấn đậm trong nền điện ảnh nước nhà lúc bấy giờ. Sự thành công của tác phẩm đã đưa tới các rạp chiếu thương mại của Thụy Sĩ vào năm 1992 và đoạt hàng loạt giải thưởng trong nước cũng như quốc tế: Năm 1990, đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất cùng giải Bông sen Bạc dành cho phim tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX; giải Khán giả tại Liên hoan phim Quốc tế Nantes (Pháp); năm 1991, nhận Bằng khen của Ban Giám khảo UNICEP tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin (Đức) và giải Khán giả thiếu nhi tại Liên hoan phim Quốc tế Uppsala (Thụy Điển); năm 1992, đoạt Giải thưởng Grand prix tại Liên hoan phim Quốc tế Fribourg (Thụy Sĩ); năm 1994 đạt giải Nhất tại Liên hoan phim Quốc tế phụ nữ Madrid (Tây Ban Nha). 

Năm 1992, phim “Dấu ấn của quỷ” nhận được giải Đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X, năm 1993. Cùng năm đó, phim nhận giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam và giải Đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 38 tại Bình Nhưỡng. “Chung cư” ra đời 7 năm sau đó (1999), là bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên được phát hành thương mại tại Pháp năm 2000. Tác phẩm nhận được Bằng khen của Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII năm 1999; cùng năm, đoạt giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam. Năm 2000, “Chung cư” được trao giải Đạo diễn xuất sắc của Liên hoan phim Cộng đồng Pháp ngữ Nemours (Bỉ). Nhưng phim để lại trong lòng khán giả dấu ấn sâu đậm nhất, có lẽ là “Mê Thảo - thời vang bóng”, sản xuất năm 2003, phim được Tổ chức Liên chính phủ Francophonie tặng giải Nhì và Liên hoan phim Quốc tế Bergamo (Italia) lần thứ XXI trao giải Bông hồng Vàng. Năm 2004, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIV, bộ phim giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cùng giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc.

Việt Linh cũng là đạo diễn điện ảnh Việt Nam đầu tiên được Bảo tàng Nghệ thuật Queensland Art mời đem toàn bộ tác phẩm đến giới thiệu tại chương trình nghệ thuật cận đại Châu Á - Thái Bình Dương ở Brisbane, Australia với bốn tác phẩm “Gánh xiếc rong”, “Dấu ấn của quỷ”, “Chung cư” và “Mê thảo - thời vang bóng”, với tư cách là một đạo diễn đầu đàn. Một nữ đạo diễn điện ảnh có nhiều tác phẩm đoạt giải trong nước và quốc tế và để lại tiếng vang như chị thật hiếm lắm.

Việt Linh giao lưu ra mắt sách

Sự nghiệp điện ảnh đang trên đà thuận lợi với nhiều trái ngọt gặt hái sau những tháng ngày vất vả lăn lộn trên chốn phim trường thì năm 2005, một tai nạn sức khỏe bất ngờ ập đến với Việt Linh. Tin đạo diễn Việt Linh bị tai biến làm chấn động giới điện ảnh trong nước và sự thương cảm của rất nhiều người hâm mộ chị. Vì sức khỏe, chị đành chia tay nghiệp đạo diễn. Đó là sự chia tay đau đớn nhất trong đời chị. Tuy nhiên, Việt Linh không đầu hàng bệnh tật, bên cạnh việc điều trị Tây y, chị kiên trì luyện tập để dần hồi phục trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Cũng từ đó, chị chuyển sang một hướng khác nhưng cũng không rời xa điện ảnh. Chị tập trung viết kịch bản, biên tập phim, chủ trì hoặc tham gia các dự án liên quan đến phim ảnh, trong đó có Dự án Tủ sách điện ảnh do chị khởi xướng. Cùng với sự cộng tác của một số đồng nghiệp (đạo diễn Vinh Sơn, nhà báo Lê Hồng Lâm, Phan xi nê) trong 6 năm qua, tủ sách điện ảnh đã xuất bản được 15 ấn phẩm có giá trị lý luận cũng như thực tiễn về nghệ thuật điện ảnh, trong đó có: “20 bài học điện ảnh”, “Gọi tiếng cho hình”, “Dạo chơi vườn điện ảnh”, “Từ vựng điện ảnh”, “Ý tưởng nghề nghiệp”, “Chuyện mình, chuyện người”, “Chuyện và truyện”, “Cẩm nang thư ký trường quay”, “Chơi cùng cấu trúc”...

Dù xa nghiệp đạo diễn đã lâu nhưng khi nhắc đến điện ảnh nước nhà, trong chị vẫn còn nhiều nỗi niềm đau đáu. Vì sao, các nền điện ảnh trong khu vực khởi sắc và đạt giải thưởng ở những liên hoan phim danh giá thì nền điện ảnh Việt Nam vẫn ì ạch, chờ đợi trái ngọt sau quá nhiều mùa thất bại. Chị cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lý do vì lớp người lớn tuổi, không còn thói quen xem phim ngoài rạp. Điện ảnh muốn sống phải có khán giả. Khán giả lớn tuổi không đi xem thì nhà sản xuất phải nhắm vào lớp trẻ, mà phim dành cho lớp trẻ thì người lớn lại không xem. Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ mãi tiếp diễn giết chết chất lượng điện ảnh.

Vào rạp phim của Pháp bạn sẽ thấy đủ mọi lứa tuổi và chuyện đi xem phim một mình cũng là chuyện rất bình thường. Thói quen xem phim rạp mà về sau biến thành sở thích như thấm vào máu phải được tạo từ bé, từ học đường, gia đình, các câu lạc bộ... trong đó nhà nước đóng vai trò rất lớn. Để có trung bình 200 phim/năm và đối trọng nền điện ảnh của Hollywood, Chính phủ Pháp có nhiều chính sách về trợ cấp điện ảnh, ưu đãi thuế đầu tư điện ảnh, buộc truyền hình phải trích doanh thu sản xuất phim nhựa...”. Chị khẳng định, điện ảnh Pháp tồn tại là nhờ sự đồng tâm giữa quốc sách kiên định, truyền thông tri thức và các liên hoan phim uy tín. Còn điện ảnh Việt Nam giống như đứa con thả rông, lâu lâu cha mẹ quát cho một tiếng, tặng cho miếng bánh gọi là...

Duyên nợ với văn chương

Tính đến giờ đạo diễn Việt Linh có hàng trăm bài báo và nhiều cuốn sách trình làng nhưng chị vẫn khăng khăng Việt Linh không phải là nhà văn, nhà báo mà chỉ là người viết báo, viết văn. Việt Linh vẫn là đạo diễn, nhà biên kịch. Đó là chị khiêm tốn khi nói về mình. Chứ thực tế có nhiều tác phẩm của chị rất ăn khách, phải tái bản sau một tháng phát hành. Còn nghề báo, với cái “ga xép” nho nhỏ của chị khoảng 1.000 chữ mỗi kỳ trên một tạp chí thời trang tưởng rằng chẳng ăn nhập gì với phong cách của báo lại là nơi thu hút độc giả. Bởi sau khi thưởng thức những món cao lương mỹ vị, đi qua những sân ga sôi động, họ được mời dừng lại ở cái “ga xép” của Việt Linh để qua từng câu chữ nhẩn nha, chạm được những ngóc ngách tinh tế của nhân tình thế thái. Để từ đó cuốn “Năm phút với ga xép” như lời chia sẻ của nhà báo Lê Hồng Lâm, “là cuốn sách đậm màu Việt Linh nhất” ra đời. Nói về quan niệm trong viết văn, chị bảo: “Mỗi lần viết tôi luôn coi đó là cuốn sách cuối cùng của mình. Tôi đi máy bay nhiều nên cảm nhận được cuộc đời thật ra rất mong manh”.

Đạo diễn Việt Linh và học sinh

Nhiều người thắc mắc nguồn năng lượng ở đâu mà Việt Linh làm việc nhiều đến vậy, kể cả sau khi bị bệnh tật. Chị vui vẻ chia sẻ: “Như bài viết đầu tiên của cuốn “Năm phút với ga xép”, tôi quan niệm sống là miên man những cuộc leo núi, hết ngọn này đến ngọn khác. Qua những bài viết của mình, tôi hy vọng cung cấp cho độc giả chút vitamin nào đó. Dĩ nhiên vitamin sẽ không có tác động mạnh và ngay như thuốc điều trị, nhưng nó có thể thấm dần, thấm dần trong sức khỏe tinh thần, giúp chúng ta thấy cuộc đời vẫn đáng yêu bên cạnh những bộn bề lo toan, chật vật phải đối diện hằng ngày”.

Cách đây 3 năm, đạo diễn Việt Linh lần đầu tiên nhận lời viết kịch bản phim nhiều tập, mà lý do là “mong muốn làm ra những phim truyền hình tử tế, lôi cuốn” của người bạn thân. Chị tâm sự: “Tử tế không khó nhưng cái nhan đề bạn đưa ra thậm khó: Phim hướng tới khán giả Việt Nam ở nước ngoài nên phong hóa, phong cảnh, ẩm thực… phải mang đậm chất Việt, cụ thể chất Nam Bộ. Khó hơn, phải đáp ứng song song các hiệu ứng đối nghịch: Giải trí nhưng nghiêm túc, đương đại nhưng truyền thống, nghiệt ngã nhưng nhân văn… Sau nửa năm xốc xới cái rương vốn sống, kịch bản phim 30 tập được nghiệm thu, nhưng vì nhiều lý do chưa thể sản xuất. Do đó “Ở đây có nắng”, cùng ra mắt với “Năm phút với ga xép”, như chị nói, là bộ phim truyền hình trên giấy, của một người mất cơ hội hành nghề đạo diễn, nhưng vẫn khát “làm phim” qua chữ. Tử tế lôi cuốn như mục đích ban đầu.

Một chốn đi về

Tôi thích cách chị nói về gia đình, về chồng, về con trân trọng, đầy yêu thương, sẻ chia và đồng cảm... Không phải người phụ nữ nào cũng được vẹn toàn như chị cả trong sự nghiệp lẫn hạnh phúc gia đình. Chị bảo nhiều người nói vui Việt Linh phải tu ba kiếp mới gặp ông chồng tốt như vậy và chồng chị chắc phải mắc nợ ba kiếp mới gặp một bà vợ như chị. Chị cảm ơn trời đất cho mình có một gia đình hạnh phúc và đứa con lành lặn dù chị sinh con khi khá lớn tuổi. Đó là lý do Việt Linh nhắc nhiều đến con gái trong các tác phẩm của mình. Chị nói con cho chị nhiều bài học: “Tôi hiểu mẹ tôi hơn qua con và ngược lại, hiểu con hơn qua chính mình”. Đó cũng là ý tưởng để chị có thể viết cuốn sách kế tiếp có tên “Khi chúng ta bằng tuổi nhau”. Trong các tác phẩm của Việt Linh, tưởng như đã cũ trong thế hệ sinh trước chiến tranh nhưng người đọc luôn tìm thấy ngồn ngộn chất thời sự. Nhìn thấy sự chia sẻ hoặc đồng hành với tuổi trẻ hôm nay trong mọi tâm tình, day dứt, hoang mang. Qua những bài viết của mình, Việt Linh như chiếc cầu nối, như cái nắm tay tha thiết giữa nhiều thế hệ.

Đạo diễn Việt Linh và tổ quay phim “Mê Thảo - thời vang bóng”

Hỏi về công việc của Việt Linh trong một ngày như thế nào, chị cho biết do gia đình chị không có người giúp việc, nên sau bạo bệnh chị vẫn phải làm tất cả việc nhà của một phụ nữ nội trợ, thời gian rảnh thì xem, viết, đọc và những chuyến đi về... “Tôi không phải là người thành công mà chỉ là một người lao động cần mẫn...”, chị nói.

Về kinh nghiệm dạy con, chị trả lời giản dị: “Hãy sống tử tế, hãy thật sự là tấm gương và là bạn của con. Hãy nâng đỡ con nhiều hơn là phê phán, áp đặt. Đừng tấn công con những lúc con đang khủng hoảng tâm lý. Hãy để cơn khủng hoảng qua đi rồi hãy phân tích, rầy la”...

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…

Việt Linh nói cuộc đời đã cho chị quá nhiều nên chị phải chia sẻ lại với những người kém may mắn hơn. Đó là lý do chị từng giúp rất nhiều người yếu thế trong xã hội. Nhiều mảnh đời nhờ sự xông xáo, nhiệt tình, tâm huyết của chị đã được cứu giúp.

Cái bản tính hay giúp người như ăn vào máu của chị. Trong cuốn “Chuyện mình - Chuyện người” có bức thư chị viết cho Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhân một vụ án có nhiều oan khuất xảy ra ở tỉnh này. Tòa tuyên án người cha giết con. Khi đọc xong bài viết của nhà báo Phạm Vũ trên báo Tuổi Trẻ, giữa đêm Paris chị ngồi dậy và bảo với chồng: “Em phải viết thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang để kêu cứu oan cho gia đình này. Nếu không viết, không ngủ được”. Thư chị viết đăng trên Báo Tuổi Trẻ và nhiều bạn bè nghi ngờ không bao giờ có phản hồi. Nhưng sau đó 10 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chính thức trả lời đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Người cha trong vụ án “Cha giết con” sau đó được minh oan, một cái kết có hậu và nhân văn cho một câu chuyện trên cuộc đời còn nhiều ngang trái.

Dù không giàu có nhưng chị luôn nhiệt thành tham gia các chương trình từ thiện giúp người. Hỏi chị vì sao không ngại khó, ngại khổ để giúp rất nhiều người thân cô thế cô chẳng họ hàng, chẳng thân quen như thế. Đạo diễn Việt Linh cười nhẹ nhõm, dùng tên hai bài viết trong sách của mình để trả lời: “Công thức sống của tôi là “Leo núi” và “Đẹp để biến mất”. Nếu mình có chút danh tiếng thì nên dùng danh tiếng đó làm việc hữu ích cho đời.

Cứ thế, chị như con tằm rút ruột cho đời những sợi tơ đẹp nhất. Một con tằm cần mẫn, lao động suốt đời, để từ đạo diễn, sang kịch nói, viết văn, viết báo chị đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Vì thế, giờ đây nhắc đến cái tên Việt Linh, hẳn nhiên khán giả không chỉ nhớ đến một nữ đạo diễn tài hoa mà còn là người viết văn đầy ắp câu chữ hay, thấm đẫm tính nhân văn, lay động lòng người.

Thanh Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.