Có nên sửa lời Quốc ca?

12:13 | 06/06/2013

1,346 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước đề xuất của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành về việc sửa lời trong Quốc ca của Việt Nam, dư luận trong nước đã có những phản ứng khác nhau, trong số đó nhiều nghệ sĩ phản đối đề xuất này.

Trong phiên thảo luận góp ý sửa đổi Hiến pháp sáng 4/6, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành (Đại biểu tỉnh Gia Lai) nêu ý kiến: "Tôi thấy Quốc ca hiện nay có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ, nên sửa những câu chữ như "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác.

Sau khi đề xuất này được đưa ra, PV PetroTimes đã lấy ý kiến của một số nghệ sĩ về vấn đề này:  

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Ca khúc đã hoàn chỉnh không việc gì phải sửa

Tôi thấy rằng, đây đã là một ca khúc hoàn chỉnh, vừa mang ý nghĩa lịch sử và tính thời đại... nên không việc gì phải sửa. Bản thân nhạc sĩ Văn Cao cũng đã sửa đi, sửa lại nhiều lần trước khi ca khúc trở thành quốc ca của đất nước. Những câu từ đã được cân nhắc kỹ mới cho ra được tác phẩm hoàn chỉnh như thế. Vậy, tôi không đồng tình với việc sửa lời của ca khúc.

Về lời của ca khúc tôi nghĩ rằng nó hội tụ đủ yếu tố hào sảng của lịch sử dân tộc, nói đến nó là niềm tự hào. Nên nếu thế hệ sau muốn hiểu kỹ hơn về câu chữ, thì có thể tìm hiểu thêm về lịch sử. "Tiến quân ca" hơn nửa thế kỷ đã ngấm vào máu của nhân dân, bản thân lời bài hát đã rất hay rồi.

Theo tôi thì, quốc ca phải là một ca khúc mang tính toàn dân, được nhân dân ủng hộ... Thế nên, để tìm được một ca khúc làm quốc ca không phải dễ. Trên thế giới, có nhiều quốc gia chọn ca khúc không hẳn là của nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng những tác phẩm bao quát được lịch sử dân tộc và đi vào lòng dân sẽ được lựa chọn. Và tôi thấy rằng, Tiến quân ca vẫn đáp ứng đủ những yếu tố đó.

Vì thế, chúng ta nên tôn trọng lịch sử, tôn trọng tác giả bằng cách giữ nguyên chỉnh thể của ca khúc.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Khó có tác phẩm nào vượt được "Tiến quân ca"

Không phải tự nhiên Quốc hội đặt ra vấn đề thay đổi lời của Quốc ca, họ cũng có cái lý riêng. Xét thực tế thì Quốc ca của chúng ta ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Thời đó chúng ta đang chiến đấu chống giặc ngoại xâm nhưng hiện tại chúng ta đang dựng xây đất nước trong thời bình, hoàn cảnh cũng đã khác. Nên nếu thay đổi thì cũng có thể cân nhắc, nhưng thay đổi như thế nào thì lại là một điều khác. Bởi thay đổi còn liên quan đến bản quyền tác giả và để tìm kiếm được một ca khúc vượt qua được “Tiến quân ca” là vô cùng khó. 

Không thể phủ nhận, về giai điệu của Quốc ca thì tác phẩm vẫn phù hợp với hiện tại vì thể hiện được khí phách, hồn dân tộc tích tụ từ nghìn đời và mang tính trường tồn. Đã bao nhiêu năm trong quốc ca đã ăn sâu, bám rễ trở thành hồn cốt dân tộc nên thay đổi được không phải dễ. Và câu hỏi đặt ra là ai làm được? Phải là người vừa có tâm, vừa có tài, đôi khi còn là sự may mắn trời cho... may ra mới làm được.

Nghệ thuật không phải phân công, nó đòi hỏi phải có cảm hứng và rung động thực sự. Trước đây, chúng ta cũng có đề xuất thay đổi Quốc ca, nhưng nó vẫn là một số 0 tròn trĩnh. Bởi vậy mới nói, đề xuất thay đổi là một chuyện, tìm được tác phẩm xứng tầm lại là chuyện khác. Không những thế, Quốc ca thì một tác phẩm hay chưa đủ, nó phải vừa có tính đại chúng, chuyển tải được hồn cốt dân tộc, lịch sử và còn phải có sức sống bất diệt với thời gian.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Đã mang tính lịch sử thì không nên thay đổi”

Tôi không đồng ý việc thay đổi lời bài hát vì nó liên quan đến hai yếu tố, luật bản quyền và tôn trọng lịch sử. Hiện tại thì Luật Bản quyền mang tính chất quốc tế, chứ không chỉ gói gọn trong nước. Nên muốn thay đổi chúng ta phải hỏi ý kiến những người thân của nhạc sĩ Văn Cao.

Điều nữa là, Quốc ca là bài hát đã đi sâu vào lịch sử, thời mà hơn hai triệu đồng báo ta chết đói, thời mà đất nước ta phải gồng mình chống giặc ngoại xâm... biết bao gia đình đã đổ xương máu cho cuộc kháng chiến thần thánh. Thử hỏi, một bài hát ra đời đúc kết được cả một bề dày đấu tranh của dân tộc, quá trình giành độc lập, tự do như thế... còn gì đáng trân trọng hơn.

Quốc ca là hồn thiêng sông núi của dân tộc Việt Nam, bản thân Quốc ca hiện tại đã mang trong mình đủ những tố chất bi hùng của dân tộc. Mỗi khi cất lên, nó làm triệu triệu trái tim con người Việt Nam thổn thức. Những câu ca hào sảng bao nhiêu năm nay đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người Việt từ già tới trẻ.

Thử hỏi, với một tác phẩm tiêu biểu như thế, mang tính lịch sử như thế... thì chỉnh sửa để làm gì? Điều đó là không nên. Hơn nữa, thay đổi được một lần thì lần sau cũng dễ dàng thay đổi. Vì vậy, tôi cho rằng, nên giữ nguyên là tốt nhất.

Nhạc sĩ, nhà báo Quỳnh Hợp (Đài Tiếng nói TP Hồ Chí Minh): Quốc ca không thể thay đổi tùy tiện

Được biết, Quốc ca nói chung là một bài hát ái quốc khơi gợi và tán dương lịch sử, truyền thống và đấu tranh của nhân dân quốc gia đó, được chính phủ của một đất nước công nhận là bài hát chính thức của quốc gia.

Quốc ca của nước ta hiện nay tiền thân là bài "Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 trong giai đoạn nạn đói đang hoành hành ngang dọc trên khắp đất nước. Cùng với nỗi đau thời cuộc, sự căm hờn nước mất nhà tan, nhạc sĩ Văn Cao đã viết nên bản hùng ca dân tộc. Từ khi ra đời, bài hát đã lan truyền nhanh chóng trong nhân dân cả nước góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Từ khi Bác Hồ chọn Tiến quân ca làm Quốc ca, bài hát đã trở thành hành trang cho mỗi người Việt Nam trên bước đường chiến đấu, xây dựng, hội nhập. Bài hát đã được vang lên trên môi hàng triệu người dân Viêt Nam trong nhiều thập kỷ qua như một sức mạnh tinh thần, một khí thế dân tộc đầy kiêu hãnh và khát khao tự do, độc lập.

Tôi thiết nghĩ, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có bối cảnh lịch sử cần được tôn trọng và nhất là bài Quốc ca thì không thể thay đổi một cách tùy tiện. Mọi sự thay đổi về lời ca, giai điệu trước hết phải được sự đồng ý của nhạc sĩ Văn Cao. Nay, ông đã mất thì việc thay đổi nhất thiết phải được sự đồng ý của thân nhân nhạc sĩ như vợ, con hoặc cháu ông. Không thể tự ý thay đổi với bất kỳ tư cách gì, lý do gì.

Theo tôi, nên để lời ca như hiện nay vì yếu tố lịch sử và giá trị nghệ thuật của bài hát. Nếu nói thay đổi lời ca cho phù hợp với giai đoạn hiện nay thì vài chục năm sau, con cháu chúng ta cũng sẽ thay đổi tiếp và như vậy thì còn gì là Quốc ca? Hơn nữa, trong Hiến pháp cũng cần ghi rõ tên tác giả của "Tiến quân ca" là nhạc sĩ Văn Cao.

Luật sư Lương Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Bross và Cộng sự (Bross & Partners): Sửa lời khác gì làm nhạc chế?

 

Quan điểm tôi là đã thay thì thay luôn. Sáng tác bài mới hoặc lấy một bài nào đó đã có nhưng ôn hòa hơn chẳng hạn. Chứ sửa lời thì nó sẽ thành cái gì? Nhạc chế à? Dù Văn Cao hay con cháu chấp nhận thì cũng không nên dùng một bài hát chế làm Quốc ca.

Nên đi từ định nghĩa thế nào là Quốc ca? Do đó, nói Quốc ca cũ rồi, hiếu chiến hay bạo lực quá mà phải thay tuy không phải là hoàn toàn vô lý nhưng phải đánh giá nó trên mối hài hòa về tinh thần yêu nước, sự kiên cường...

Trong khi đó, "Đường vinh quang xây xác quân thù" không phải là quá bạo lực xét ở bối cảnh của toàn bài hát cũng như trong bối cảnh chiến tranh. Kể cả chiến tranh hiện đại thì thương vong càng lớn. Ngoài ra còn có yếu tố hàng ngàn năm lịch sử của Việt Nam liên tục gắn với chiến tranh nữa. Và chiến tranh của Việt Nam với kẻ thù ngoại xâm luôn có nhiều thương vong. Do đó, tôi cho rằng việc sửa lời là hoàn toàn không phù hợp.

Nếu coi Quốc ca phải có tính thời sự trong khi vẫn khơi gợi lòng yêu nước, sự kiên cường khi chống giặc mà lại thể hiện được khát vọng hòa bình thì nên tìm bài khác.

Nếu có thể thay bài mới, có lẽ nên nói đến cách yêu nước trong thời bình (khi không có giặc hoặc chưa phải chống giặc). Vì vấn đề này người Việt Nam chúng ta không bộc lộ rõ, không thể hiện rõ bằng nhiều quốc gia khác. Yêu nước, kiên cường và bác ái có lẽ là chủ đề quan trọng nhất nếu có một bài Quốc ca mới.

Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt "Tiến quân ca" làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng.

Cũng tại quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng.

Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong Tiến quân ca, cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt rê đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt mi ở giữa chữ "xác" làm cho bản nhạc khoẻ khoắn hơn.

Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Năm 1955, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I đã quyết định mời tác giả tham gia sửa một số chỗ về phần lời của quốc ca. Văn Cao sau này đã luyến tiếc vì một số chữ sửa đã làm mất khí thế hùng tráng của ca khúc.

Sau năm 1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, ngày 2/7/1976, hai miền Nam Bắc thống nhất thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc ca là Tiến quân ca.

Năm 1981, Việt Nam tổ chức thay đổi quốc ca. Một cuộc thi được mở ra nhưng sau hơn một năm, cuộc thi này không được nhắc tới nữa và cũng không có tuyên bố chính thức gì về kết quả. Tiến quân ca vẫn là Quốc ca Việt Nam cho tới ngày nay.

Ngày 21/6/2010, Cục bản quyền tác giả nhận được thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm "Tiến quân ca" của bà Nghiêm Thuý Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Bà Nghiêm Thuý Băng với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm "Tiến Quân Ca" được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1946 đến nay.

Nhóm phóng viên