Cảnh nóng - ranh giới mong manh nghệ thuật và câu khách

07:00 | 08/05/2013

2,528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không phải đến thời kỳ showbiz Việt loạn sex và cực sốc như hiện nay thì khán giả mới được “thưởng thức” cái gọi là cảnh nóng. Từ thời sơ khai của điện ảnh Việt, trong các bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Cô gái trên sông”, cho tới “Người tình trong mơ”, người ta đã được chứng kiến những khuôn ngực căng tròn, những bờ lưng thon thả và thậm chí cả cảnh yêu đương nồng nhiệt. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các cảnh nóng xưa và nay có lẽ không chỉ ở góc quay mà còn ở thông điệp lẫn mục đích mà nhà sản xuất muốn hướng tới.

Trông người…

Rất thật, đó là cảm giác của khán giả khi xem các cảnh “nóng” trong các siêu phẩm điện ảnh nổi tiếng trên thế giới. Phần lớn khán giả khi xem những bộ phim như “Original Sin”, “Bas ic Instinct”, “The Lover”, “9 1/2 Weeks”… đều không khỏi thắc mắc: có phải các diễn viên đã làm “chuyện ấy” trên phim? Các góc quay của các camera chuyên nghiệp khiến khán giả bị thuyết phục rằng những gì họ đang xem trong phim là thật. Thực tế thì… hoàn toàn ngược lại.

Trong bộ phim “Dirty Dancing” (Patrick Swayze và Jennifer Grey thủ vai chính), có một cảnh diễn viên nữ trượt khỏi giường sau một cảnh sex và hoàn toàn khỏa thân. Các diễn viên không phô bày từng phần cơ thể riêng nhưng phô bày toàn bộ làn da. Thế nhưng, những gì khán giả thấy là một bộ đồ bơi giả da ôm sát cơ thể tạo cảm giác là Jennifer Grey đang khỏa thân. Nên, dù các cảnh quay tạo cảm giác rất “dữ dội” nhưng không có sự “tiếp xúc” thực sự về mặt cơ thể. Nhiều nam nữ diễn viên đã kết hôn hoặc không muốn trực tiếp đóng các cảnh này thì có thể sử dụng các diễn viên đóng thế.

Cảnh nóng trong phim "Cô gái trên sông"

Dĩ nhiên, các cảnh nóng trong các bộ phim 18+ thì khác. Không có giới hạn trong các cảnh sex và những gì khán giả đang xem hoàn toàn là thực. Các diễn viên không đóng các cảnh sex, mà họ thực sự đang làm chuyện đó. Nhưng cũng như các phim khác, các “hành động” của diễn viên phụ thuộc đến 95% vào các góc quay của camera.

Thông thường, có ít nhất 6 đến 8 camera quay xung quanh hai diễn viên đang đóng cảnh sex. Đạo diễn sẽ hiệu chỉnh liên tục để cho cảnh sex thực nhất có thể. Ông ta đứng ngay bên cạnh và sẵn sàng hô “cắt” nếu cảm thấy một phần của cảnh quay không đạt hiệu quả. Các diễn viên cũng có thể ngừng cảnh quay nếu họ cảm thấy diễn xuất không đạt. Không tính đến chuyện đang “ái ân” thì bị hô “cắt”, làm tụt cảm hứng, mà riêng việc xung quanh có rất nhiều đôi mắt đang dòm mình “ân ái” với một kẻ không phải là chồng, tình nhân hay thậm chí bạn trai là áp lực rất lớn mà các diễn viên đóng cảnh nóng phải đối diện. Có thể nói, diễn xuất làm sao để các cảnh yêu đương trông như thật là điều rất khó khăn. Nó đòi hỏi các diễn viên rất nhiều tài năng và khổ luyện để tạo được cảm xúc cho khán giả. Đó cũng là lý do khiến rất nhiều phim có những cảnh nóng nhạt nhẽo và giả tạo.

Mà nghĩ đến ta

“Làng Vũ Đại ngày ấy” được xem là bộ phim tiên phong trong việc đưa cảnh nóng lên màn ảnh. Ra đời vào những năm 80 của thế kỷ trước, trước khi mở cửa, nên dĩ nhiên phim đã gặp rất nhiều khó khăn trong khâu kiểm duyệt. Không thể nói hết độ sốc của khán giả khi chứng kiến cảnh tình cảm của Chí Phèo và Thị Nở ở vườn chuối. Có thể nói, cảnh Chí Phèo vạch yếm chộp cả hai tay lên ngực Thị Nở hay cảnh Thị Nở cởi yếm để lộ rõ hai bầu ngực trần là những cảnh quay chưa phim nào trước “Làng Vũ Đại ngày ấy” dám làm, dám chiếu. Và hiển nhiên, nó khiến các nhà kiểm duyệt phim… choáng váng. Nếu không phải có một vị lãnh đạo cấp cao nhận xét rằng: “Cắt cảnh này đi thì còn gì là phim” thì có lẽ điện ảnh Việt đã không có một nhà tiên phong đứng mũi chịu sào đưa cảnh nóng lên phim.

Cảnh nóng trong phim "Cô gái trên sông" và "Bẫy cấp ba" cùng một mô típ tạo hình, nhưng hiệu quả thì khác nhau

Khỏa thân, lộ tấm lưng trần trắng phau và một phần của bộ ngực căng tròn, quay phim Phạm Việt Thanh đã khiến khán giả phải tấm tắc trước một tác phẩm hoàn hảo của tạo hóa qua những cảnh nóng trong phim “Cô gái trên sông”. Vì vào vai một cô gái bán hoa nên NSƯT Minh Châu đã phải đóng khá nhiều cảnh nóng. Tuy nhiên, bằng ánh sáng tinh tế, bằng góc máy ẩn hiện, những cảnh sex của “Cô gái trên sông” không khiến người xem thấy dung tục hay phản cảm, mà ngược lại, phim còn tạo được sự cộng hưởng của khán giả bởi cảm giác xót xa, cảm thông cho một phận đời ba chìm bảy nổi phải rơi vào bước đường cùng làm gái bán hoa trên dòng Hương giang…

Hoa hậu Hà Kiều Anh trước khi trở thành hoa hậu cũng đã từng tham gia một vai có cảnh khỏa thân hoàn toàn cho họa sĩ vẽ trong bộ phim “Người tình trong mơ”. Năm đó, cô 16 tuổi. Rất đẹp. Và còn hồn nhiên. Đạo diễn của bộ phim này, NSND Trần Phương cho biết, những cảnh quay đó được thực hiện tại một eo biển hoàn toàn không có bóng người ở Nha Trang. “Lúc đó, cả đoàn đều tập trung vào công việc, hoàn toàn không có ý niệm gì khác ngoài một điều duy nhất là quay được cảnh quay đẹp, làm nên một bộ phim hay” - ông nói. Sau khi Hà Kiều Anh trở thành hoa hậu Việt Nam cùng năm sản xuất bộ phim, khán giả cũng có xì xào to nhỏ về cảnh nude của cô trong phim, nhưng hồi đó, gần như không ai cho rằng đó là một cảnh quay câu khách rẻ tiền vì nó quá “quá đẹp”, “quá thánh thiện” và “hoàn toàn tự nhiên”, đúng chữ dùng của diễn viên Lê Tuấn Anh, người vào vai anh chàng họa sĩ vẽ tranh khỏa thân cho Hà Kiều Anh.

Nói vậy để thấy, không phải bất cứ cảnh nóng nào cũng bị lên án. Dung tục hay nghệ thuật, hiển nhiên còn phụ thuộc vào người xem là ai. Nhưng rõ ràng, nếu những cảnh nude hay sexy được thực hiện một cách có ý đồ, xuất hiện một cách hợp lý thì chắc chắn nó sẽ được khán giả chấp nhận như là một phần không thể thiếu của bộ phim.

Và hiện nay…

Cho dù “Bi, đừng sợ” đã được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng dù ít dù nhiều, những cảnh nóng của “Bi, đừng sợ” vẫn khiến khán giả thấy đỏ mặt gai mắt và đương nhiên như phải thế, nhiều cảnh quay đã bị cắt bỏ sau khi ra rạp. Nó khiến mạch phim bị ngắt quãng và có lẽ cũng khiến đạo diễn tài năng Phan Đăng Di phải nuối tiếc. Tuy nhiên, có một thực tế không ít khán giả đã xếp những cảnh nóng của “Bi, đừng sợ” vào dòng 18+. Đó có lẽ là điều mà các đạo diễn trẻ phải suy ngẫm.

Rất nhiều bộ phim đương đại trở thành tiêu điểm tranh luận của giới chuyên môn cũng như công chúng, nhất là sau khi bị cấm hay bị cắt trước khi chiếu rạp. “Hot boy nổi loạn...”, “Bẫy cấp ba” là những trường hợp như thế. Câu hỏi đặt ra cho nhà làm phim là: Tại sao, khi chưa mở cửa, khi “cơ chế” còn rất đóng, chúng ta (bao gồm khâu kiểm duyệt và khán giả) hết choáng lại sốc nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận những cảnh nude, cảnh nóng của “Làng Vũ Đại ngày ấy” hay “Cô gái trên sông”, thì lại tỏ ra khó chịu trước những cảnh sex của “Bi, đừng sợ”; “Hot boy nổi loạn...”, “Bẫy cấp ba”…? Nhất là khi mà những bộ phim này ra đời trong thời đại bùng nổ Internet, chỉ cần một cái kích chuột là khán giả có thể ôm đủ chủng loại phim nằm xem tại nhà. Không loại trừ trong đó những bộ phim dán nhãn xxx hay những bộ phim có yếu tố sex.

Câu trả lời có lẽ nằm ở thông điệp của nhà sản xuất muốn hướng tới là vì nghệ thuật hay câu khách bán vé? Và xa hơn, hẳn còn phụ thuộc vào tài năng chuyển tải thông điệp của chính họ.

Ha Ny

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps