Cái khó của người làm phim lịch sử!

07:53 | 04/11/2013

1,093 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa đảm bảo tính chân thực, vừa cởi bỏ được những khô khan, giáo điều để phim lịch sử gần gũi, lôi cuốn hơn với khán giả đương thời… là cái khó của những người làm phim!

Để đảm bảo được những yếu tố trên thì việc cài cắm những chi tiết hư cấu sao cho khéo, cho thật lại là biệt tài của các nhà làm phim.

Có lẽ chưa khi nào, dòng phim lịch sử lại được quan tâm đến nhiều như thực tại. Bởi rõ ràng, với thực trạng vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng, cộng với kinh phí khủng vẫn không thể làm được phim hay… thì quả là nỗi lo cho dòng phim này là không hề nhỏ.

Bên cạnh những khó khăn đã thành cố hữu thì việc trả lời câu hỏi làm sao để tránh những khô khan giáo điều, làm sao để phim lịch sử thật sự không là những khuôn mẫu khô cứng, người xem không cảm thấy sự vay mượn ở đâu đó… là không hề đơn giản. Những yếu tố này, phụ thuộc phần nhiều vào yếu tố “hư cấu” trong phim. Bởi với điện ảnh, khả năng hư cấu… làm nên “chất” của một bộ phim.  

Bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ đang nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng

Rõ ràng “hư cấu” là điều không thể tránh trong nghệ thuật điện ảnh. Nhưng hư cấu trong phim lịch sử thì quá khó. Bởi đã phải tuân theo những điển tích lịch sử, mà cài cắm sáng tạo của người “thời nay” vào thì rất dễ sẽ bị thiên lệch lịch sử và khó được công chúng chấp nhận. Còn nhớ đó cũng là nỗi băn khoăn của diễn Đào Duy Phúc, “Cha đẻ” của bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ đã từng chia sẻ rằng: Việc hư cấu trong phim lịch sử là vô cùng khó, không thể “bạ” đâu cũng sáng tạo. Nên chúng tôi chỉ có thể hư cấu được ở những khoảng trống, khoảng mờ trong lịch sử.

Điều đó đúng. Bởi thực tại, dân ta vẫn còn mong mỏi một điều tiên trước từ dòng phim lịch sử đó là: Dân ta phải biết sử ta. Chính vì thế, những suy nghĩ cố hữu là đảm bảo tính chân thực của lịch sử phải là điều cần có. Nhưng với thực tế, nếu quá tuân theo khuôn mẫu thì phim lịch sử lại xa vào lối làm theo kiểu dập khuôn, rất dễ rơi vào nhàm tản. Đó cũng chính là lý do vì sao, đại chúng luôn tránh xa dòng phim khô khan này…

Vậy nên, nhiệm vụ của những nhà làm phim lại trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Thực tế, chỉ những người thực sự có “máu liều” mới dám dấn thân. Chính đạo diễn Đào Duy Phúc cũng chia sẻ rằng: Hư cấu sao cho chân thực, vừa đảm bảo sự thật, vừa để khán giả đương thời chấp nhận được mà cảm thấy gần gũi… là muôn vàn khó. Thực chất, việc cài cắm những chi tiết hư cấu cho phim lịch sử thì các nhà làm phim Việt mới chỉ dám dừng ở mức độ khai hoang.

Cùng chung những băn khoăn đó, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Hư cấu trong phim là phải có nhưng hư cấu sao cho đúng, cho cận… là không dễ chút nào”. Là người cùng chung tham vọng khôi phục dòng phim văn học 1930- 1945 với bộn bề những cái khó là vừa phải “bám sườn” văn học, vừa phải tìm hiểu lịch sử của giai đoạn này vị đạo diễn này mang nhiều  nỗi niềm.

Trò Đời chủ trương "sáng tạo" từ những chi tiết nhỏ để công chúng không quá cảm thấy xa lạ

Chia sẻ về dự án đầu tiên khởi động cho dòng phim này là bộ phim “Trò đời”. Với bộ phim này, các nhà làm phim đã vô cùng vất vả khi phải đối mặt với nhiều cái khó. Ngoài những khó khăn cố hữu của bộ phim theo hơi hướng lịch sử cần phải tuân theo, nhà làm phim lại tham vọng “tân tiến” để cho… hợp thời đại.

Chính vì thế mà với Trò Đời, các nhà làm phim phải cài cắm những chi tiết “đương thời” sao cho hợp cảnh. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói rằng: “Phải chú ý từng chi tiết nhỏ để những hư cấu không bị đánh đồng là phản lịch sử. Đối với Trò Đời, nhà làm phim cũng chủ trương để công chúng không quá cảm thấy xa lạ với lịch sử. Từ những chi tiết như không bôi răng đen cho nhân vật, những bộ trang phục “âu hóa” cũng được thiết kế hợp lịch sử, lại modem sao cho vừa mắt khán giả đương thời…”. Để làm được như vậy không phải dễ, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tránh sai xót. Vì cách tân, hư cấu… rất dễ bị đánh đồng với việc sai lịch sử, thiếu hiểu biết về lịch sử… Trầm trọng hơn, chỉ cần một vài chi tiết nhỏ, phim có thể “lưu kho” vĩnh viễn.

Hiện tại, hai bộ phim đang trên sóng truyền hình là Thái sư Trần Thủ ĐộTrò Đời đang nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng. Có nhiều đánh giá cho rằng, hai bộ phim này đã “thoát” ra được những khuôn thước định sẵn và sự hư cấu, sáng tạo ở đây có thể “chấp nhận” được. Thực tế, với chiều dài lịch sử như của nước ta thì tư liệu, đề tài để làm nên những bộ phim hay là không hiếm. Nhưng nhiều nhà làm phim vẫn còn e ngại với dòng phim lịch sử, bởi bên cạnh những cái khó đã thành cố hữu thì lại có những hạn chế về mặt sáng tạo. Chính sự o ép phải dập khuôn trong phim lịch sử nên cũng hạn chế phần nào những sáng tạo của các nhà làm phim.

Vậy mới nói, tham vọng vừa đảm bảo đúng với những yếu tố lịch sử vừa không để phim lịch sử trở nên xa lạ với khán giả đương thời… quả là rất cần những cái “đầu sỏi” của các nhà làm phim.

Huy An