Cái giá của nhan sắc

07:00 | 02/11/2013

2,043 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sắc đẹp đang có sức mạnh quyết định thành công, không chỉ trong cuộc đời mà cả trong ngành nghệ thuật trình diễn, vốn được mệnh danh là ngành công nghệ giải trí với chức năng chủ yếu là nghe và nhìn (mà phần nhìn đang có phần thắng thế). Điều đó giải thích lý do vì sao các thẩm mỹ viện ngày càng mọc ra như nấm sau mưa, vì sao ngày càng nhiều các nữ nghệ sĩ “bị dính nghi án thẩm mỹ”. Cơn lốc “thẩm mỹ” điên cuồng này còn lan sang cả những phụ nữ bình thường, không chỉ dẫn đến hậu quả tất yếu khi ngày càng xuất hiện nhiều “thảm họa thẩm mỹ” mà còn cả những tấn bi kịch gây rúng động.

Năng lượng Mới số 270

Trong ngành nghệ thuật trình diễn, sắc đẹp quan trọng đến nỗi có khi nó quyết định phần lớn thành bại của người nghệ sĩ, đôi khi lấn át cả tài năng của họ. Ngày nay, không chỉ có Hollywood - nơi được mệnh danh là “nhà máy sản xuất giấc mơ” - cho thấy sự sùng bái sắc đẹp của mình khi trưng ra những tài tử giai nhân đẹp như mơ để chứng minh cuộc sống hiện hữu luôn hoàn hảo, mà công thức này đã lan ra làng giải trí toàn cầu. Sắc đẹp hiện nay đã gần như bị biến thành một thứ tín ngưỡng khi ngày càng có nhiều tín đồ của nó sẵn sàng “tử vì đạo”, sẵn sàng hành hạ cơ thể mình chỉ để cố làm cho nó trở nên hoàn hảo.

Minh chứng thuyết phục nhất là trường hợp của ông “Vua nhạc pop” Michael Jackson. Mặc cảm với xuất thân da màu của mình từ nhỏ, khi vừa leo lên “ngai vàng”, “Vua nhạc Pop” ngay lập tức tìm đến bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Không chỉ sửa sang mọi đường nét trên khuôn mặt mình sao cho bớt thô kệch, Jackson còn sửa chữa sai lầm của tạo hóa khi tìm mọi cách để biến đổi màu da. Mọi nỗ lực cuối cùng đã biến anh “từ một cậu bé da đen thành một phụ nữ da trắng” như báo chí Mỹ vẫn bỡn cợt.

Phi Thanh Vân, Hồ Quỳnh Hương, Thủy Tiên đều "lột xác" nhờ dao kéo

Một nhà nghiên cứu mỹ học từng thốt lên: “Nếu không làm chúng ta điên đảo, sắc đẹp cũng khiến chúng ta sai lạc trong nhận thức, trở nên bất công đến thô thiển”. Đáng buồn là điều này ngày càng trở thành một hiện tượng phổ biến, nhất là trong giới showbiz.

Chính sự coi trọng hình thức bề ngoài đã mang đến cả tấn bi hài kịch từng được cả thế giới chiêm ngưỡng. Đó là khi Susan Boyle vừa xuất hiện trong “Britain’s Got Talent”, ngay lập tức giọng ca vô danh này đã bị hàng ngàn khán giả cười nhạo, huýt sáo la ó còn ban giám khảo khả kính thì cố tỏ ra lịch sự khi cũng hỏi dăm câu ba điều nhưng không giấu giếm vẻ nghi ngờ xen lẫn thất vọng trước ngoại hình… xấu xí  của bà. Thế nhưng Susan đã chỉ mất đúng 10 giây để biến đám đông đang thương hại mình kia trở nên phấn khích trong sự ngạc nhiên đến tột độ và ngay sau đó là một cơn sốt trên toàn thế giới nhờ vào giọng ca thiên thần của mình. Vẫn còn chưa hết xúc động, một nhà báo cảnh tỉnh đám đông đã trót coi thường Susan Boyle qua vẻ bề ngoài khó coi: “Susan Boyle xấu hay chính chúng ta xấu?”.

Nhưng câu chuyện này vẫn chưa được coi là “cổ tích hiện đại”, bởi không phải ai cũng có được “giọng ca thiên thần” như Susan Boyle. “Cổ tích” giờ đây chẳng ở đâu xa, chính là những nhân vật đời thường hiện hữu. Cổ tích hiện đại cũng chẳng cần nhờ đến bụt hay tiên, đã có... “đũa thần” của bác sĩ thẩm mỹ.

Câu chuyện từ vịt con xấu xí lột xác thành thiên nga giờ không chỉ là chuyện cổ tích hiện đại độc quyền của làng giải trí thế giới nữa. Chí ít thì showbiz Việt cũng đã từng chứng kiến nhiều pha “lột xác ngoạn mục” giúp nhân vật chính lật đời mình sang trang mới.

Người (được coi là) thành công hơn cả trong phi vụ “lột xác ngoạn mục” này chính là ca sĩ Thủy Tiên. Từ một cô gái miền Tây rất chân phương thuở mới vào nghề, nhờ sức mạnh của “phù thủy” thẩm mỹ mà Thủy Tiên lột xác hoàn toàn với một vẻ đẹp đúng “mốt”: khuôn mặt V-ligh, mũi thanh tú, môi gợi cảm... Vẻ bề ngoài xinh đẹp không chỉ giúp Thủy Tiên ngày càng nổi tiếng trong showbiz, mà còn khiến cuộc tình của cô và một chàng cầu thủ bóng đá trở thành một đề tài “hot” thu hút truyền thông. Giờ thì nhiều người có thể không biết bản “hit” nào của cô ca sĩ này, nhưng nhắc đến cô, ai cũng biết đến một “phát ngôn để đời”: “Thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên”.

Người mẫu kiêm diễn viên đang mơ làm ca sĩ Phi Thanh Vân - người nổi tiếng với danh xưng “người đẹp dao kéo” từng đổi đời sau khi nhờ bác sĩ thẩm mỹ sửa chữa những nét vụng về của tạo hóa trên cơ thể mình. Không giấu giếm, cô từng lên báo tâm sự rất chân thành rằng nhờ có sắc đẹp nhân tạo mới mà cô “có tiền, có chồng”. Cũng chính nhờ việc “công khai thừa nhận dao kéo” này mà Phi Thanh Vân luôn là một cái tên hot trong showbiz. Bất kể cô làm việc gì, dù xuất hiện trong phim, tung clip ca nhạc (và đều bị liệt vào hàng “thảm họa”) hay là nhân vật chính trong scandal “giật chồng”... tất cả đều trở thành những “hiện tượng” được truyền thông chen nhau giật tít. Từ một cô gái xấu xí đầy mặc cảm, Phi Thanh Vân giờ đây đã trở thành một nhân vật “lắm chiêu” trong showbiz. Câu chuyện Lọ Lem hiện đại này cho người ta thấy, ở đời đôi khi “nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

Sự coi trọng vẻ đẹp bề ngoài đã được các nghệ sĩ của làng giải trí, từ các siêu sao đến những người đang tập tọng vào nghề cắm sâu bén rễ vào lòng khán giả. Ngay cả chính họ cũng không cho phép mình được xấu hay được giống như mọi người bình thường khác, tức là cũng phải già đi. Tạo hóa không giúp họ được điều đó, đương nhiên. Vậy thì đã có ngành giải phẫu thẩm mỹ ngày càng hiện đại làm trợ thủ đắc lực. Nhắc đến chuyện “giải phẫu thẩm mỹ”, không thể không nhắc đến Hồ Quỳnh Hương. Từng nổi tiếng nhờ vào giọng hát, nhưng khi đã lên đến đỉnh cao sự nghiệp, cô ca sĩ bị cho là người “kém sắc” nhất trong số các giai nhân vây quanh một nhạc sĩ “đại gia” đã quyết định giải tỏa ẩn ức của mình. Nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ tốn kém không giúp cô trở thành giai nhân, mà chỉ biến cô thành một người khác. Sự nghiệp của cô cũng chẳng nhờ thế mà lên, thay vào đó là một cuộc “chạy trốn” của “khổ chủ”. Sau một thời gian lánh xa showbiz, mới đây cô đã trở lại, với một khuôn mặt được báo chí mô tả bằng những tính từ “bóng loáng, sưng vù, vẹo vọ” và cơ mặt cứng đờ không biểu cảm.

Nhan sắc từ chỗ là một nhân tố phân biệt giờ đây đã biến thành một thứ giá trị “ảo”, đáng tiếc trong nhiều trường hợp lại đại diện cho giá trị của cả một con người. Bởi vậy mà cho dù nhiều người không muốn thừa nhận, nhưng có thể nói rằng chúng ta hoàn toàn bị bất lực, bị chế ngự trước “hình thức bề ngoài” nói chung hay là “sắc đẹp” nói riêng, hơn là chúng ta nghĩ. Hậu quả là không chỉ ngày càng nhiều người nổi tiếng bị cuốn vào cơn lốc điên cuồng hâm mộ vẻ đẹp bề ngoài, mà cơn lốc xoáy này còn nhanh chóng lan ra toàn xã hội. Giờ thì những ca nâng mũi, cắt mí mắt... đã trở thành tiểu phẫu, việc gọt cằm hay nâng ngực cũng chẳng được coi trọng, nên nhiều người không cần tìm đến các bệnh viện lớn mà chọn những thẩm mỹ viện chui, dẫn đến tấn bi kịch “Cát Tường” mà cả tuần nay khiến dư luận xôn xao.

Một khi mà nghệ thuật luôn trưng ra những hình bóng “giai nhân” đẹp như mơ. Và một khi, chính những người làm nghệ thuật vẫn được coi là “hình mẫu lý tưởng” cho nhiều người noi theo vẫn chứng kiến sự tôn sùng sắc đẹp, dẫn tới ngày càng nhiều những thảm họa thẩm mỹ của chính các “tài tử giai nhân” ngoài đời... thì  đương nhiên xã hội vẫn còn tồn tại những “sai lạc” và “bất công” trong cách đánh giá con người qua vẻ bề ngoài.

Một sự bất công, dù bị kết án nhưng vẫn mặc nhiên được chấp nhận và tôn sùng.

Diên Vỹ