Ca sĩ Tấn Minh: “Âm nhạc càng cao, càng khó đại chúng”

07:11 | 15/09/2013

2,093 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Định hướng thị hiếu thì cũng đòi hỏi quá trình lâu dài không thể ngày một ngày hai. Bởi khán giả cũng có nhiều thành phần mà thực tế nhạc Việt vẫn đang ở tình trạng nhạc càng cao thì càng khó đại chúng” - ca sĩ Tấn Minh nhận định.

- Gần đây, một số vấn đề của nhạc Việt được dư luận đào xới, trong đó có chất lượng sáng tác và chất lượng biểu diễn. Từ góc nhìn của cá nhân, anh có nhận xét gì về chất lượng nhạc sĩ và ca sĩ của nền nhạc Việt hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng về hai đối tượng này thì lúc nào cũng là đối tượng chính bị soi xét trong âm nhạc, chứ không phải đến bây giờ. Và như bạn cũng thấy thì chúng ta đang có một thị trường âm nhạc khá sôi động khi nở rộ những gương mặt mới và họ rất trẻ. Tôi thấy mừng vì nhiều người đi theo con đường nghệ thuật này, chứng tỏ nó có sức hấp dẫn trong đời sống hiện tại.

Thị trường nhạc Việt đang trở nên sôi động khi xuất hiện khá nhiều gương mặt trẻ...

- Nhưng thực tế số lượng đông đảo song chất lượng chưa được là bao. Bởi nhiều ý kiến cho rằng: Nhạc sĩ bế tắc trong lựa chọn đề tài, còn ca sĩ thì lại quá dễ dãi trong việc chọn lựa ca khúc để chuyển tải đến khán giả?

- Minh nghĩ không hoàn toàn như vậy. Bản thân Minh xuất hiện đúng lúc giao thời, 7X mà. Một chân ở thế hệ mới, một chân ở thế hệ cũ nên Minh cũng thấu hiểu được phần nào. Minh cho rằng âm nhạc là một cuộc chơi nên đừng quá áp đặt tư duy của thế hệ trước vào thế hệ bây giờ.

Thẳng thắn nhận xét thì đúng là cũng có phần đúng, bởi ca từ của những ca khúc mới nó không được sâu sắc. Nhưng xét cho cùng thì đó cũng là điều đương nhiên thôi. Chúng ta không thể so sánh các bạn trẻ tuổi mới đôi mươi với lớp nghệ sĩ đã có bao nhiêu năm tuổi nghề.

- Như vậy, sợ rằng sẽ đem đến một thế hệ nghe nhạc bị lệch lạc thẩm mỹ không, thưa anh?

- Vẫn biết, nghệ thuật thì phải có sự sáng tạo nhưng bản thân Minh không mong muốn một nhạc sĩ 20 tuổi mà lại có tư duy của một người ở tuổi 60. Minh muốn ở họ là sự tư duy đúng tuổi, bản thân họ cũng xác định được đối tượng khán giả của mình. Vì thế hãy để họ phát triển một cách tự nhiên, đúng với lứa tuổi của họ.

Minh tin ai cũng có sự trưởng thành nên đến một lúc nào đó thế hệ 20 tuổi bây giờ họ cũng phải viết khác đi, ca từ cũng sẽ chỉn chu hơn. Nên Minh nghĩ thay vì xét nét họ thì chúng ta hãy cởi mở hơn để đón nhận và định hướng cho các bạn trẻ một cách sâu sắc hơn.

Chất lượng khán giả thì Minh nghĩ đã cao hơn trước nhiều, họ biết nghe có chọn lọc hơn. Đơn cử như trước đây, những thứ đại loại như nhạc Hoa, lời Việt đã làm thui chột một lớp nhạc sĩ trẻ, họ không dám viết hoặc viết ra nhưng để đấy. Nhưng đến nay không có nữa, mà người đẩy lùi thứ âm nhạc đó không ai khác chính là khán giả. Đến nay, ngay cả âm nhạc giải trí cũng được nâng tầm lên rất nhiều.

Nhưng để định hướng thị hiếu thì cũng đòi hỏi quá trình lâu dài không thể ngày một ngày hai. Bởi khán giả cũng có nhiều thành phần mà thực tế nhạc Việt vẫn đang ở tình trạng nhạc càng cao thì càng khó đại chúng. Vậy nên việc nhiều ca sĩ sáng tác theo thị hiếu, ca sĩ hát theo thị trường thì cũng là điều không thể tránh.

.....Nhưng nhiều tài năng bị "chín ép"

- Nghĩa là chúng ta không nên quá khắt khe với giới trẻ?

- Minh nghĩ rằng nên cởi mở. Bởi đặt sự so sánh ở đây có vẻ khập khiễng. Mỗi thời lại có một cách cảm thụ âm nhạc khác. Ví như ngày xưa công chúng thích thể loại nhạc trữ tình và do bị ảnh hưởng bởi nhạc Pháp nên có sự lãng mạn, bay bổng... thì khán giả thích thú. Nhưng bây giờ thời thế đã khác rồi, cuộc sống cũng khác. Với sức sống nhanh, sống gấp của thời đại mới sẽ không có quá nhiều thời gian mà ngâm nga suy tư nữa. Vì vậy cũng sản sinh ra những dòng âm nhạc mới, tương đồng với cuộc sống mà chúng ta đang sống.

Để không phiến diện thì chúng ta cũng phải nhìn nhận đâu phải không có những gương mặt mới xuất sắc. Có những nhạc sĩ cũng không thua kém gì các cụ ngày xưa đâu. Có điều xét về mặt bằng chung thì vẫn là số ít. Còn con đường dài thì Minh tin rằng, một ngày gần đây những người mà chúng ta đang phê phán đó họ sẽ trưởng thành hơn, sâu sắc hơn. Bên cạnh đó lại thêm một thế hệ mới táo bạo hơn, khủng khiếp hơn về tư duy chẳng hạn!

- So với thời của anh thì những ca sĩ trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi hơn đúng không?

- Ngày xưa không nhiều truyền thông báo mạng cũng như công nghệ lăng xê như bây giờ. Để được cả nước biết đến thì gian nan, cực khổ lắm. Mà để thành công thì phải thực tài nhưng đổi lại nó lại được cái nền tảng bền vững. Như bạn thấy thì thế hệ những tên tuổi cùng thời với Minh như chị Thanh Lam, Mỹ Linh, Anh Thơ, Trọng Tấn... đến bây giờ họ vẫn vững vàng trong sự nghiệp của mình.

Bây giờ thì nếu làm mạnh có khi chỉ trong một đêm thôi cả nửa nước biết đến tên tuổi của ca sĩ mới nhưng như thế thì ăn xổi và hơi ảo một chút. Nếu tài năng thật thì không nói làm gì nhưng không thực tài thì nhanh nổi cũng chóng tắt. Bởi dễ hay không dễ là do khả năng, dù có công nghệ lăng xê đi chăng nữa thì cũng đến lúc phải tự bơi. Và có bơi được hay không là do năng lực của mỗi người. Rõ ràng truyền thông đâu có thể đỡ đần mãi được, bởi vậy thực lực mới là điều quan trọng nhất.

Kiến thức âm nhạc vững vàng mới là con đường dài

- Vậy với sự nở rộ những tài năng trẻ như hiện tại anh thấy vui chứ?

- Vui thì cũng thật là vui. Nhưng sự thật chúng ta đang có một loạt những tài năng chín ép. Có thể Minh hơi hoài cổ, nhưng bạn cũng biết là trước kia 5 năm mới có một cuộc thi hát đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc. Những tên tuổi lên ngôi ngày đó như Thanh Lam, Hồng Nhung... tên tuổi vẫn còn đến bây giờ. Việc chắt lọc 5 năm cho một tài năng, nó quá thiên lệch với một năm có cả chục cuộc thi hát như bây giờ.

Chúng ta hãy bình tâm lại xét xem, hậu những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát như The Voice, Vietnam Idol... những gương mặt dù có lọt đến Top 10 họ cũng dần biến đi đâu hết. Đó là cái kết cho sự tài năng chín quá nhanh, được truyền thông tung hô, nhưng rồi Minh nghĩ mọi thứ cũng sẽ quay trở về đúng với quỹ đạo của nó thôi. Bởi năng khiếu thôi là chưa đủ, để đường dài cần có sự chuyên nghiệp.

- Nghĩa là Tấn Minh đề cao tính học thuật trong âm nhạc?

­- Đó là cần thiết. Bởi về tài năng thì mình không đánh giá ai hơn ai kém. Ai nổi lên thì cũng đều có năng khiếu và chút tài năng rồi... đó là những thứ trời phú. Nhưng để đi con đường dài thì rõ ràng cần phải học. Đơn cử như việc khi một ca sĩ xuất hiện, công chúng có thể ngưỡng mộ ở giọng ca thiên phú, phong cách biểu diễn cuốn hút... của ca sĩ đó. Nhưng cứ thử tưởng tượng 5 năm sau, nếu ca sĩ này vẫn chỉ giẫm chân tại chỗ và giữ nguyên phong cách đó mà không có sự thay đổi nào khác thì sẽ không đi được trên con đường dài. Bởi ngoài kiến thức về âm nhạc, kỹ thuật về thanh nhạc... thì người nghệ sĩ phải chỉn chu cả về vốn sống, vốn văn hóa... để tự mình vươn đến tầm cao hơn.

Cảm ơn Tấn Minh về cuộc trò chuyện này!

Huy An (Thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps