Biên đạo múa Trần Ly Ly: “Nếu vì tiền tôi đã không chọn múa!”

11:00 | 27/05/2013

1,308 lượt xem
|
(Petrotimes) - Trước những ồn ào, thị phi xung quanh các chương trình truyền hình thực tế nói chung, vai trò giám khảo của BNHV nói riêng, biên đạo múa Trần Ly Ly, Phó hiệu trưởng Trường Múa TPHCM tỏ ra điềm tĩnh hơn cả…

- Tôi có một thắc mắc, tại sao chương trình nghệ thuật lớn nào mở màn cũng là múa?

- Theo bạn, mở màn một chương trình không phải là múa thì là cái gì? Chương trình nào cũng vậy, mở màn bao giờ cũng cần sự hoành tráng để thu hút sự chú ý của khán giả. Mà múa là hoành tráng nhất, trừ phi đó là một concert lớn, một dàn nhạc cực lớn như dàn hợp xuớng lớn thì mới đủ hoành tráng làm tiết mục mở màn. Ngoài ra, mở màn nên và bởi thế luôn là múa. Múa có tiết tấu có con nguời có sự di chuyển có âm nhạc đủ để thu hút sự tập trung của khán giả vào một cái gì đó trong khoảnh khắc mở màn.

- Chị nổi tiếng với những vở múa đương đại được dư luận quan tâm, có vẻ như múa đương đại là một sự lựa chọn thông minh của Trần Ly Ly. Và đây cũng là xu thế trên thế giới đang biểu diễn nhiều?

- Múa đương đại kết hợp được nhiều hơi thở, ý đồ của cuộc sống và thể hiện dễ hơn bởi nó đựoc trộn lẫn bởi nhiều vẻ đẹp khác nhau, ngôn ngữ đa dạng hơn. Vì thế nó dễ đến gần với công chúng. Nó là quan điểm của đương đại, thì nó gần với xã hội gần với con người, gần với triết lý cuộc sống, mang hơi thở thời đại. Rõ ràng mình thích hơn vì nó gần gũi với mình. Nó không phải là chuyện cổ tích nữa, nó là chuyện đời sống, có thể mang bất kỳ thứ gì lên sân khấu mà vẫn thỏa sức sáng tạo.

Nói thẳng ra, trong đó có thể gửi một thông điệp gì đó về cuộc sống, mà có thể chẳng có thông điệp nào cả. Nó là một hình thức tìm tòi mới lạ. Thế thôi. Hôm nay uống thử nước dâu, mai uống nước dâu pha với nước chuối thử xem thế nào, có thể ngon có thể không ngon. Nhưng cũng có người nghĩ rằng mỗi loại có một dưỡng chất riêng, và tôi kết hợp hai cái đó với nhau. Lạ nên cũng cần có quan điểm, triết lý để bảo vệ con đường của mình.

Ví dụ chest boxing chẳng hạn, vừa đánh cờ vừa đấm nhau, đang đấm nhau không nghĩ gì, tháo găng tay ra cái đánh cờ ngay. Quan điểm của người chơi là vì hai cái đó ngược nhau nên tôi muốn rèn luyện con người tôi như vậy, vừa dứt cái  này đã sang cái kia, một cái trí tuệ một cái cơ bắp. Thế thì làm sao để rèn luyện? Vậy mà có hàng ngàn tín đồ của chest boxing, của marathon - bơi và xe đạp… tại sao thế? Phải đưa ra quan điểm, mà người đầu tiên đưa ra quan điểm ấy là người đã mở ra một  con đường mới.

- Cái mới thì lúc nào cũng khó để mọi người đón nhận, chấp nhận?

- Nếu sợ khó thì chẳng làm được gì mới cả. Nếu sợ khó thì tốt nhất chả làm gì cả. Vì làm cái gì cũng khó hết, bán xôi cho ngon đắt hàng cũng khó nói gì nghệ thuât. Hằng bao nhiêu ngàn người mà chỉ có một người làm nghệ thuật. Trời đã sinh ra cho mình một khả năng thì mình phải làm hết khả năng đó. Bản lĩnh không tự nhiên mà có, mà phải rèn luyện. Tất nhiên tạo ra cái mới cũng phải có cơ sở, chứ không phải văng mạng mà làm. Biết tại sao mình làm như vậy? Mình làm như vậy có gì hay? Tất cả đều có triết lý quan điểm hẳn hoi chứ không phải tùy tiện, thích là làm.

- Nhưng đa số mọi người lại thích xem cái gì đó dễ hiểu…

- Thì xem nghệ thuật giải trí thôi. Đa số thích, vì nó giải trí, mang tính xả stress, tốt cho tất cả mọi người. Nhưng có một số người muốn xem cái gì đó thực sự nghệ thuật chứ không phải chỉ là giải trí. Nếu giải trí thì người ta sẽ tìm cách khác, con đường khác. Nghệ thuật là nghệ thuật, nó có tính giải trí nhưng không phải là giải trí.

Còn có loại nghệ thuật để giải trí xem cho vui thì lại khác. Nó thu hút nhiều người xem. Nhưng nếu lúc nào mình cũng xem giải trí thôi thì lại thấy “đói” nghệ thuật. Tiếc rằng mình chưa tạo được cảm giác “đói” nghệ thuật cho số đông, chưa tạo được một tầng lớp luôn “thèm” cái mới, có cái gì mới là bổ nhào đi xem. Những người thích thú với cái mới, khám phá tìm hiểu cái mới.

- Nghệ thuật hàn lâm không cuốn hút được nhiều người lắm. Đó là vì trình độ thưởng thức nghệ thuật của mình hãy còn thấp quá?

- Không hẳn đâu. Trên thế giới, ở phương Tây cũng chỉ có một số đối tượng nhất định chứ không phải số đông ưa chuộng nghệ thuật tầng cao này. Nên mình đừng đòi hỏi quá cao, miễn là có một nhóm đối tượng đó thật sự yêu thích cái đó là đã thành công rồi.

- Chị dựng một vở mất bao lâu?

- Không thể nói được, từ khi viết kịch bản, rồi riêng tập đã mất một đến hai tháng. Không có tác phẩm nghệ thuật nào làm ra mà không phải đầu tư công sức, tâm huyết, thời gian đâu. Dựng múa đương đại thậm chí vắt kiệt sức luôn, muốn điên luôn (cười).

- Có lúc nào chị nản không muốn làm nữa?

- Có chứ. Con người mà. Phải có ý chí và nghị lực để vượt qua. Nhìn thấy chị làm nghề, nhiều người bảo trả nhiều tiền cũng không dám làm. Sức ép của công việc này rất kinh khủng, khác hẳn với một người đi làm công sở. Tôi không nói người ta không có sức ép, mà chỉ nói sức ép của mình khác với người ta thôi nhé. Ngay cả làm giám khảo cũng vậy, sức ép lớn lắm.

- Nhưng khán giả chấp nhận chị trong vai trò này đấy chứ, trong khi nhiều giám khảo khác bị chê tơi tả?

- Thế thì mừng quá. Làm giám khảo là một việc khó nhưng cũng đầy hấp dẫn. Cũng có người hỏi tôi sức hấp dẫn đó có phải là tiền không? Tôi khẳng định ngay là tiền thù lao được trả rất bình thường, theo khung của người ta. Nhưng tôi nhận lời làm giám khảo cũng không phải vì tiền. Tư cách của mình không phải vì tiền mà ngồi đấy. Nếu vì tiền thì đã không múa. Vì tiền thì đã đi buôn.

Làm nghệ thuật không có tiền, nhưng rất “sang trọng”, mình có thể nói những điều người khác không mấy ai biết. Cuộc sống cũng chỉ có từng ấy thứ, giàu thì ở vila biệt thự, mình không giàu thì mình ở nhà nhỏ ấm cúng. Quan điểm tốt với người này chưa chắc đã tốt với người khác. Tôi lúc nào cũng sống rất thoải mái, lúc nào cũng đàng hoàng, dù trong túi không có đồng nào.

- Ngày trước nếu gì chị có đầy cơ hội làm việc ở nước ngoài, sao chị quay về?

- Đơn giản lắ, tôi yêu Việt Nam. Tôi là người của thời đại mới, mạnh mẽ và đầy năng lượng  nhưng lại cực kỳ cổ điển, cổ truyền. Có lẽ đó cũng  là là một biểu hiện của kết hợp nhiều yếu tố tính chất, tựa như múa đương đại vậy. Tôi cho rằng, tất cả những người tưởng moden nhất lại là người cổ truyền nhất. Tôi gặp rất nhiều người thực sự văn minh, và đó là những người yêu quý các giá trị cổ truyền. Nó là kết hợp, nhưng không phá vỡ sự khác biệt.

Quan điểm của tôi rõ ràng lắm, tôi là người Việt, đi đâu trên thế giới này, cũng tự hào mình là người Việt Nam. Mình càng hiện đại thì lòng yêu nước của mình càng lớn. Tất cả những người nghệ sĩ, những người bạn của tôi đều rất yêu nước. Yêu nước, nó là cái gì? Là quả cà, bát rau muống, là cánh diều tuổi thơ, là cánh đồng dạt dào, yêu lắm, chả nơi nào trên thế giới này có được…

- Xin cám ơn chị!

Thành Lê (Thực hiện)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan