Bao giờ khỏi thu hồi?

09:11 | 11/12/2013

856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hàng loạt những sai phạm trong việc làm sách cho trẻ, mới đây dư luận lại vô cùng hoang mang khi một số bài đồng dao được cho là có ngôn ngữ phản cảm, bạo lực, không phù hợp với trẻ em đã được tuyển chọn và in trong cuốn “Đồng dao chơi vỗ tay” do NXB Mỹ thuật và Nhà sách Đinh Tị ấn hành.

Giải pháp tình thế

Từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết đến giá trị của những điệu hát, câu hò, tuy đơn sơ mộc mạc mà thấm đẫm tình người, đó cũng là những bài học sâu sắc về triết lý, nhân sinh quan và giá trị sống. Vì thế, với trẻ em, ngay từ lúc còn nằm nôi, các em đã được mẹ đưa vào giấc ngủ bằng những bài hát ru, những câu vè, với những lời lẽ êm ái chứa đựng các bài học giá trị làm người một cách nhẹ nhàng.

Đồng dao vốn nhẹ nhàng, dung dị là vậy song với “Đồng dao vỗ tay” người đọc lại bắt gặp những ca từ đầy tính nhảm nhí, thiếu tính nhân văn như "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro"...  Một số ý kiến cho rằng liệu chúng ta có quá khắt khe với đồng dao không khi bản chất của thể loại này chỉ là một cách nói có vần, có điệu, dễ thuộc, dễ nhớ, ít logic nhưng lại dễ tiếp cận với trẻ em? Bởi chúng được xây dựng thông qua các hình ảnh sống động, mang tính chơi đùa, truyền miệng chứ không phải bằng con đường tư duy lý luận phức tạp như dành cho người lớn.

Bài đồng dao được cho là không phù hợp với lứa tuổi mầm non

Rõ ràng dùng đồng dao để dạy ngôn ngữ cho trẻ là một ý tưởng hay. Đồng dao cũng là một cách giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ hiệu quả, bởi chính cách kết cấu đơn giản thiên nhiều về vần điệu mà ít tập trung vào ngữ nghĩa của các câu. Trên thực tế, có khá nhiều câu ca dao, tục ngữ hay đồng dao chứa nội dung không phù hợp với trẻ em được lưu truyền dân gian. Tuy vậy, để được in vào sách là vấn đề khác. Nhất lại là khi sách được dành cho lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, lứa tuổi vừa mới bắt đầu phát triển về ngôn ngữ nên việc để những tâm hồn ngây thơ, trong trẻo. Để các em tiếp cận với những bài đồng dao phản cảm, vô nghĩa đã ít nhiều ảnh hưởng tới nhận thức và nhân cách của các bé.

Khi cho lưu hành một cuốn sách nhảm nhí và để trẻ tiếp cận với những sản phẩm này có nghĩa là đã làm cho nhiều tâm hồn trẻ bị nhuốm đen. Ðó là điều rất nguy hiểm cho tâm hồn, nhận thức của những đứa trẻ đang định hình tư duy và tính cách.

Khẳng định cho ra đời những cuốn sách phản văn hóa, giáo dục thì lỗi đầu tiên là ở người viết sách và các bên liên kết xuất bản. Ở trường hợp của cuốn sách đồng dao, mặc dù ngay khi phát hiện ra những sai sót trong cuốn sách nhà xuất bản cũng như đơn vị liên kết đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình và ngay lập tức cho thu hồi cuốn sách. Nhưng thực tế, cuốn sách đã xuất hiện trên thị trường cách đây hơn một năm thì phải chăng đây chỉ là giải pháp tình thế? Khi một số lượng sách nhất định đã đến tay đối tượng tiếp nhận. Điều đáng nói là, đây cũng không phải cuốn sách đầu tiên về giáo dục mà lại phản giáo dục bị thu hồi. Và sau những tiền lệ “sai - thu hồi - sai” thì không hiểu rằng điệp khúc “rút kinh nghiệm” sẽ còn đến bao giờ?

Thay đổi đội ngũ biên tập

Những năm gần đây, việc phải thu hồi sách vì những lỗi kiểu như trên không còn quá xa lạ. Vậy do đâu những lỗi rất dễ phát hiện này lại có thể lọt ra được thị trường? Và ai là người kiểm định một sản phẩm như thế? Có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng nguyên nhân chính là hệ thống biên tập viên (BTV), những người có nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc sàng lọc một tác phẩm đang có vấn đề.

Trong các bản tổng kết ngành xuất bản, sự yếu kém của đội ngũ BTV luôn được nhắc đến nhiều nhất. Chính vì thế trong Luật Xuất bản sửa đổi đã dành một phần chi tiết để quy định về lĩnh vực biên tập, từ trình độ, bằng cấp đến trách nhiệm chuyên môn.

Thu nhập của BTV ở các NXB hiện quá thấp. NXB lớn, làm việc tốt còn đỡ, các NXB nhỏ, yếu, thu nhập của BTV chỉ đủ cầm hơi. Trong khi đó, các đơn vị làm sách tư nhân thì lại hiểu rõ vai trò quan trọng của BTV đối với sự thành công của tác phẩm. Thế là xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” ở các NXB, BTV giỏi, có trình độ bỏ NXB để đi làm ở các đơn vị làm sách tư nhân, nơi họ nhận được sự tôn trọng xứng đáng từ trong công việc đến đãi ngộ vật chất.

Kết quả, các NXB quá thiếu BTV, đặc biệt là những người có chuyên môn cao. Tấm lưới sàng lọc trở nên thưa thớt, mong manh hơn bao giờ hết. Nếu có một đội ngũ BTV giỏi chuyên môn đã có thể nhanh chóng phát hiện ra những sơ sót kiểu này để từ đó kiến nghị với người biên soạn, làm sách có thay đổi phù hợp.

Ngoài việc cải tổ đội ngũ biên tập thì các bên liên quan đến vấn đề thẩm định xuất bản cũng nên nhìn nhận lại mình. Để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy cũng là do sự thiếu liên kết giữa các bên liên quan. Đúng như Giáo sư Văn Như Cương đã chỉ ra rằng: “Để giảm thiểu những sự vụ đáng tiếc như trên thì chúng ta phải cải tổ lại đội ngũ biên tập. Cần có sự liên kết chặt sẽ giữa các khâu kiểm duyệt và thẩm định. Đặc biệt, là quy định chặt chẽ ở phía nhà xuất bản. Bởi thực tế hiện nay, các nhà xuất bản được tự ý xuất bản ở nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại. Như nhà xuất bản đăng ký xuất bản về âm nhạc thì không thể lại đi xuất bản về văn học được... Chính vì không đúng chuyên môn, thiếu nghiệp vụ… mới để xuất hiện những sản phẩm lỗi như thế”.

Điều đó đúng với thực trạng nhan nhản các nhà xuất bản như hiện tại ở xứ ta. Và tình trạng in lậu, in sai và in ẩu xảy ra thường xuyên. Trong khi các bên liên quan đến công tác xuất bản rõ ràng được phân định rõ lĩnh vực chuyên môn nhưng lại “lập lờ đánh lận quân đen” vô hình trung biến thị trường sách thành những ma trận. Việc một nhà sách có thể xuất bản nhiều đầu sách thuộc các lĩnh vực khác nhau là có. Điều này đương nhiên dẫn đến việc không sát sao về chuyên môn, nghiệp vụ… và đương nhiên chỉ cần một lỗi nhỏ là đã giết chết cả cuốn sách. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng tiếp nhận. Sách cho người lớn đã đành, nhưng sách cho trẻ con, hơn nữa đậm chất giáo dục thì sai sót là một điều khó chấp nhận.

Thực tế thì với mỗi sản phẩm lỗi, hậu quả nặng nề nhất vẫn là đổ lên đầu công chúng mà như cuốn sách đồng dao thì thật đáng thương cho… trẻ nhỏ. Đã rất nhiều lần lo lắng cho tình trạng xuất bản sách dành cho thiếu nhi, GS Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) không khỏi thất vọng: “Về những cuốn sách dành cho trẻ em có nội dung bạo lực, bây giờ tôi không nói nhiều nữa bởi đã nhắc lại quá nhiều. Nhưng tôi chỉ băn khoăn, lo lắng một điều, nếu người này cứ đổ lỗi cho người kia rồi trách nhiệm không biết ai phải chịu chính thì những người làm giáo dục liệu có cảm thấy yên tâm không? Và người cuối cùng sẽ phải gánh chịu chính là con cháu của chúng ta”.

Đã bao lần chúng ta hy vọng về những cuốn sách “sạch”, đã bao lần ta thán về sự phản giáo dục trong sách giáo dục? Và đương nhiên, mong muốn rằng: Sách đã phát hành là không có thu hồi. Nhưng dường như mong ước vẫn chỉ là mong ước. Thiết nghĩ việc trước mắt để hạn chế những “sản phẩm lỗi” điều tiên trước các nhà xuất bản nên hiểu rõ và làm đúng phận sự của mình! Còn để giảm thiểu những sự vụ đã thành nói nữa, nói mãi với điệp khúc ban lệnh “thu hồi” rồi tiếp tục sai thì nên chăng cần phải có những chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa đối với những trường hợp làm sai, làm ẩu như thế?!

Bộ sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non gồm 12 tập, ra mắt cuối năm 2012 (in 2.000 cuốn đưa ra thị trường 920 cuốn, tồn kho 1.080 cuốn). Quyết định thu hồi do NXB Mỹ thuật gửi cho Công ty Đinh Tị vào ngày 14/10. Đến nay đã có 300 cuốn sách trong tổng số 920 cuốn đã phát hành được thu hồi và tiêu hủy. Công ty đang tiếp tục thu hồi và cam kết tiêu hủy toàn bộ số sách nói trên.


Mai Huyền