10 năm khuất bóng tác giả “Bài ca chim Chơrao”

19:00 | 17/06/2013

788 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã tròn 10 năm trái tim tác giả “Bài ca chim Chơrao” ngừng đập. Nhưng hình ảnh về một “tài năng vạm vỡ” của nhà thơ Thu Bồn sẽ còn mãi trong trái tim mọi người.

Nhắc đến Thu Bồn người ta nhớ đến một hồn thơ dung dị, gần gũi như chính nghệ danh của ông. Sự ra đi của nhà thơ để lại nhiều nỗi cảm thương bởi con người tài hoa này là một nghệ sỹ - chiến sỹ đã từng sống, chiến đấu và sáng tác nghệ thuật ... tất cả đều được ông tận hiến hết mình chẳng nề hà khó khăn hay mưu cầu lợi ích.

Chẳng thế mà 10 năm trước, tin Thu Bồn ra đi làm bàng hoàng biết bao trái tim người yêu mến thơ ông. Đã có những nguyên thủ quốc gia, những bạn văn chương, cả những người dân bình thường... vì tình thương mến thương mộc mạc đã đến đưa tiễn nhà thơ lớn của dân tộc. Hơn 300 vòng hoa của tập thể, cá nhân... từ mọi miền đất nước gửi về tiễn biệt hương hồn Thu Bồn, đã đủ thấy, hình ảnh ông còn vướng vất với cõi trần thế nào.

Hôm nay, để tưởng niệm 10 ngày mất nhà thơ Thu Bồn, bạn bè văn chương ở cả hai miền Nam Bắc cùng tề tựu, tưởng nhớ về ông. Nhà văn Hữu Thỉnh vẫn giữ nguyên cái cảm giác của 10 năm trước, trong đám tang Thu Bồn, ông đã viết: “Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành động, một người luôn phát quang để vượt lên phía trước...”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ này được ưu ái tặng cho nhiều mỹ từ đến thế. Bởi cả cuộc đời ông là những chuỗi dài phấn đấu, vượt khó và quả cảm không ngừng.

Nhà thơ Thu Bồn

Tham gia vào thiếu sinh quân từ khi 12 tuổi, người con đất Quảng Nam đã xung phong làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Dù khói lửa chiến tranh vô cùng khốc liệt, nhưng không dập tắt ý trí của người chiến sỹ trẻ. Trong chiến tranh chống Mỹ, Thu Bồn đã có mặt ở khắp các chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị, biên giới Tây Nam, khu V... Ông thử sức ở mọi mặt trận, khi làm phóng viên chiến trường, lúc làm lính pháo, khi làm lính xung kích... Tất cả nhiệm vụ đều được ông hoàn thành xuất sắc.

Bom đạn chiến trường chẳng thể nào dập tắt những mầm thơ. Trường ca nổi tiếng “Bài ca chim Chơrao” cùng biết bao thi phẩm khác cũng được sinh ra trong những tháng ngày bom đạn đó. Vì thế mà, sinh thời khi nói về văn chương, Thu Bồn chia sẻ: "Tôi bắt đầu làm thơ từ những ngày còn là cậu lính con đầy ghẻ rận và ốm yếu. Nhiều đêm tôi khóc... Thấm đẫm mồ hôi và máu của nhân dân mình, tổ quốc mình”.

Mang trong mình những mất mát, những nỗi đau chung của dân tộc... ông đã chuyển hóa đau thương thành những ngôn từ, biến hóa ngòi bút thành vũ khí...để chống trả lại quân thù. Với ông thì, "Tình yêu Tổ quốc có nghĩa là phải can đảm ngợi ca và can đảm chỉ trích. Nói cho cùng là phải yêu đến tận cùng gan ruột”. Thế nên sau này, mỗi mạch trong nhịp chảy của đất nước đều được Thu Bồn tận thu nỗi đau thương trong từng tác phẩm như thế.

Có nhiều tác phẩm đã đưa Thu Bồn đến gần với độc giả, nhưng người ta vẫn nhớ ông nhiều qua trường ca Bài ca chim Chơrao. Sau này dù có thử sức ở nhiều thể loại thơ ngắn, tiểu thuyết... song trường ca vẫn là sở trường của ông. Thời gian sau, công chúng còn biết đến ông qua nhiều tập thơ như: Tre xanh, Mặt đất không quên...Tập tiểu thuyết Những đám mây màu cánh vác...và cả trường ca Người vắt sữa bầu trời, thông điệp mùa xuân.... Những tác phẩm đó đã nằm lòng trong ký ức biết bao trái tim người Việt.

Sau này, khi ông mất đi thì vẫn còn nhiều bản thảo chưa được công bố. Chính vì còn bỏ sót nhiều di bút, cộng với niềm mến mộ văn chương đối với nhà thơ đa tài này, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất Thu Bồn, bạn bè văn chương của ông đã xuất bản cuốn sách: “ Thu Bồn - Tráng sỹ hề... dâu bể” như một sự tri ân với nhà thơ.

Cuốn sách là tuyển tập được chia thành 3 phần: Phần những bài thơ của Thu Bồn được nhiều người yêu thích, phần các bài viết thay cho tự truyện mà nhà thơ chưa kịp hoàn thành và phần dành cho tất cả những trang viết của bạn bè văn nghệ, người thân thể hiện tình cảm yêu mến đến nhà thơ.

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho văn chương, nghệ thuật, nhà thơ Thu Bồn để lại những hình ảnh đẹp trong lòng bè bạn văn chương. 10 năm đã qua, nhưng những ký ức về ông sẽ vẫn và mãi nguyên vẹn. Bạn bè vẫn nhớ đến ông với một Thu Bồn cả tin, dễ mắc lừa, một Thu Bồn dễ mềm lòng trước nữ giới... và một Thu Bồn luôn sống như một bát nước đầy.

Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã có những câu thơ dành riêng cho ông. Và có lẽ ngày hôm nay, để tưởng nhớ về ông, bạn bè ông sẽ đều rưng rưng nhẩm từng lời thơ đó: “Thu Bồn sông là quê / Thu Bồn này là núi/ Quả núi đi thong thả bên tôi/ Xanh núi bay chim Chơrao hát nói / Tóc bồng bềnh sương rượu đầm ướt lên môi...

Nhà thơ Thu Bồn sinh tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vào bộ đội năm 12 tuổi và là thiếu sinh quân ở đơn vị biệt động chiến đấu. Trong thời gian chiến tranh, ông làm phóng viên chiến trường Liên khu V sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau, Thu Bồn là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ và ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa IV. Ngoài bút danh đặt theo tên dòng sông Thu Bồn quê hương, ông còn có các bút danh khác là Hà Ðức Trọng, Bờ Lốc.

Ngoài thơ, Thu Bồn còn viết Tiểu thuyết, nhưng ông được biết đến nhiều với những bài trường ca, trong đó có Bài ca chim Chơrao nổi tiếng. 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Thu Bồn, bạn bè văn chương đã xuất bản cuốn sách:"Thu Bồn - Tráng sĩ hề...dâu bể”. Được biết, toàn bộ số tiền bán sách sẽ được tặng lại cho người con trai duy nhất của nhà thơ là anh Hà Băng Ngàn. Bản thân anh Ngàn đã nhiều năm sống trong bệnh viện tâm thần do di chứng của chất độc màu da cam/dioxin và đang được điều trị tại bệnh viện Tâm thần TP. HCM. 

Huyền Anh