Doanh nghiệp đào tạo lại, có cần học trong trường?

10:00 | 26/04/2013

1,145 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thắc mắc của hơn 500 sinh viên (SV) đặt ra tại tọa đàm “Khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp” với các doanh nghiệp. Buổi tọa đàm tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

SV tham dự tọa đàm

Trả lời câu hỏi mình sẽ là ai

Chia sẻ về con đường khởi nghiệp, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên cho rằng “khởi nghiệp – không phải từ con số không, mà từ con số âm (như tôi) luôn luôn là một thách thức”. Thách thức này xảy ra với bất kì doanh nghiệp nào...

Giải đáp băn khoăn của những bạn trẻ khẳng định mình có đam mê, có ý tưởng, nhiều hoài bão nhưng thiếu vốn, ông nói: “Vốn không phải chỉ là tiền, mà là niềm tin, là những mối quan hệ mà các bạn có thể kiến tạo xung quanh mình… Tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất”.

“Hãy bắt đầu bằng cách trả lời câu hỏi ‘Mình sẽ trở thành ai trong 3, 5, 10 năm nữa?’” -nữ doanh nhân Đoàn Thu Nga – giám đốc Công ty Luật Lawpro gợi ý. Bạn muốn trở thành một người làm công ăn lương, một người làm việc tự do hay một nhà đầu tư…

“Chúng ta thường đổ lỗi cho số phận, cho hoàn cảnh, nhưng chưa bao giờ có ý thức cải tạo nó, thay đổi nó…. Đừng nghĩ rằng ngay lập tức các bạn có tất cả mọi thứ”. Ông Vũ cho rằng việc đầu tiên của một người thành công là phải có ý tưởng, có ước mơ và biết nuôi dưỡng ước mơ đó. Tiếp theo là xác định năng lực bản thân và lên kế hoạch. Để hiện thực hóa kế hoạch với hai bàn tay trắng, những người trẻ cần phải kết nối, thuyết phục các nguồn lực liên quan.

Để có được sự đầu tư và giúp sức của nhiều người, ông Vũ đưa ra lời khuyên chân thành:“Hãy sống sao cho những người xung quanh, nhất là những người có thể giúp mình tin tưởng mình”.

Theo đuổi đam mê hay tiếp tục học hành?

Trả lời câu hỏi khá thời sự của một SV “có cần phải trau dồi kiến thức trong nhà trường nữa hay không khi mà sau khi đầu quân vào doanh nghiệp, SV sẽ được đào tạo lại từ đầu?” - bà Đoàn Thu Nga khẳng định kiến thức trong nhà trường vẫn vô cùng quan trọng và các doanh nghiệp luôn cần người lao động có cả kiến thức lẫn kỹ năng. Các em tích lũy chúng càng sớm thì khả năng xin việc, lập nghiệp của các em sẽ dễ dàng hơn.

Tọa đàm trở nên thú vị hơn với những quan điểm trái chiều từ chính các doanh nhân thành công khi một nữ sinh xin lời khuyên nên chọn việc học hay từ bỏ nó để theo đuổi đam mê và thực hiện kế hoạch của riêng mình. Nữ luật sư Đoàn Thu Nga cho rằng mục tiêu đầu tiên của một SV phải là học tốt. Học tốt không có nghĩa là từ bỏ ước mơ và những kế hoạch...

Ông Trần Anh Vương – TGĐ Công ty Thép Bắc Việt chia sẻ, thời đi học bản thân ông cũng đã từng mang trong mình những trăn trở đó. Khẳng định không cổ súy cho việc bỏ học nhưng “khi bạn đã quan tâm tới một công việc và thực sự coi học hành chỉ là một nghĩa vụ, là cách để có một tấm bằng…. thì hãy thực hiện kế hoạch của mình”.

Với những vấn đề đặt ra mang tính vĩ mô hơn như doanh nghiệp phá sản trong bối cảnh kinh tế suy thoái…., ông Đặng Lê Nguyên Vũ đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ.

“Các bạn phải thay đổi để Quốc gia thay đổi” – ông nói.

Nguyễn Thảo

Vietnamnet

DMCA.com Protection Status