Khi nào Trung Quốc hết “trỗi dậy”?

07:00 | 23/01/2015

3,666 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bao giờ Trung Quốc được coi là cường quốc đã “nổi lên” thay vì đang “trỗi dậy”?

Năng lượng Mới số 392

Theo nhà nghiên cứu Amanda Huan thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện “trỗi dậy hòa bình”. Tuy nhiên, một phần tư thế kỷ đã trôi qua, bất chấp sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự và cả “sức mạnh mềm”, nói về nước này người ta vẫn chỉ dừng lại ở thuật ngữ “trỗi dậy”, chứ hầu như không ai công nhận hay cho rằng Trung Quốc đã “nổi lên”. Câu hỏi đặt ra hiện nay là cần có chất xúc tác nào, hay cụ thể hơn: Trung Quốc cần làm gì để được nhìn nhận là một cường quốc đang “nổi lên” và đến khi nào thì nước này vượt khỏi cái ngưỡng đang “trỗi dậy”.

Sức nặng dân số 1,3 tỉ người khiến Trung Quốc khá chật vật trong cuộc đua vị trí cường quốc hàng đầu thế giới với Mỹ

Về kinh tế, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10-2014, Trung Quốc đã “soán” ngôi Hoa Kỳ, trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Xét về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dựa trên sức mua, Trung Quốc chiếm 16,5% (tương đương với 17,6 nghìn tỉ USD) GDP của cả thế giới vào cuối năm 2014, trong khi Mỹ chỉ là 16,3% (tương đương với 17,4 nghìn tỉ USD). Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng các nhận điều này. Ở khu vực Đông Á, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, thậm chí là lớn nhất trong một số trường hợp, với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Ngay cả những nước vốn đang có khúc mắc với Bắc Kinh trong một số vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia cũng nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2013. Có thể thấy, sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh là không thể tranh cãi.

Về mặt quân sự, Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Trong 4 năm qua, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh liên tục chiếm 2% GDP của nước này. Nhìn qua thì thấy tỷ lệ này có vẻ nhỏ, nhưng cần lưu ý rằng, GDP của Trung Quốc liên tục tăng qua các năm. Quy mô ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là rất lớn. Trong quý đầu tiên của năm 2014, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng năm 2014 là 132 tỉ USD, tăng 12% so với một năm trước đó. Các nước láng giềng của Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách tăng chi tiêu quân sự, song tổng cộng số tiền chi tiêu của họ vẫn ít hơn Trung Quốc. Vì thế, trên mặt trận quân sự, ít người sẽ nghi ngờ về khả năng quân sự của Bắc Kinh.

Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc, nhiều người có thể nghĩ rằng Bắc Kinh đã “nổi lên”. Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực vẫn nói về một nước Trung Quốc đang “trỗi dậy” chứ không phải là đã “nổi lên”. Bất chấp sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng, Trung Quốc vẫn không được nhìn nhận là cường quốc hàng đầu, ngay cả ở sân sau của mình. Mỹ vẫn giữ vị trí này trong nhận thức của hầu hết mọi người. Vấn đề này có lẽ phải tìm hiểu thêm ở khía cạnh “quyền lực mềm”.

Mặc dù Trung Quốc đã tìm vô số cách để xác lập “quyền lực mềm”, từ việc thiết lập các viện Khổng Tử trên khắp thế giới để tuyên truyền về văn hóa và các giá trị Trung Hoa, hay phổ biến văn hóa bình dân chính thống thông qua các tên tuổi điện ảnh như Lý Liên Kiệt hay Thành Long, song như thế vẫn chưa đủ so với sức thâm nhập, cũng như sự lan tỏa của văn hóa Hollywood và “Giấc mơ Mỹ”.

Nhiều người đặt câu hỏi, vậy Trung Quốc cần làm gì để được nhìn nhận là cường quốc hàng đầu? Họ cần quyết đoán hơn hay bớt đi? Liệu họ có nên thể hiện ý định của mình một cách rõ ràng hơn? Liệu “quyền lực mềm” ít áp đảo của Trung Quốc có phải là nguyên nhân duy nhất khiến họ không được xem là đã “nổi lên”? Hay Trung Quốc chỉ có thể “nổi lên” nếu Mỹ thụt lùi hoặc từ bỏ vị thế của mình?

Theo thuyết tương đối luận, có thể Trung Quốc còn chưa “nổi lên” bởi vẫn là một nước tương đối nghèo, thua các nước phát triển. Dựa trên số liệu Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2014 của IMF, Trung Quốc xếp thứ 89 thế giới về GDP tính trên đầu người, trong khi Mỹ xếp thứ 10, còn Singapore đứng thứ 3. Chừng nào chưa cải thiện được vị trí xếp hạng này, có lẽ Trung Quốc vẫn chỉ được xem là cường quốc đang “trỗi dậy”.

Tuy nhiên, cũng phải đặt một câu hỏi thêm rằng, bản thân Trung Quốc có muốn là cường quốc số 1 thế giới hay không?

 Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã khơi gợi một chủ thuyết mới mang tên “Giấc mộng Trung Hoa” - mang khát vọng cháy bỏng, thầm kín từ nhiều năm nay của người Trung Quốc - đó là chấn hưng dân tộc, đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ hoàng kim, nhưng thực tế, theo giới phân tích, Bắc Kinh cũng rất thận trọng với viễn cảnh là “số 1 thế giới” đó. Họ không muốn thực thi các trách nhiệm quốc tế đi kèm với vị trí danh giá này. Bởi, nếu trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, Trung Quốc có thể sẽ phải đóng góp nhiều hơn cho công tác viện trợ quốc tế và ngân sách Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, với vị thế quốc gia “đang phát triển” - như cách Trung Quốc vẫn tự nói về mình, Bắc Kinh có thể bảo vệ các ngành công nghiệp chủ chốt của mình, cũng như hưởng nhiều lợi thế hơn khi đàm phán trong các cuộc họp về biến đổi khí hậu. Bởi theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia phát triển và đang phát triển chịu “trách nhiệm khác nhau” trước cộng đồng quốc tế về tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với láng giềng ở Biển Đông, hay biển Hoa Đông - vốn cũng đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Tóm lại, sau 20 năm “trỗi dậy”, có lẽ hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm để mọi dấu hiệu về một Trung Quốc đã “nổi lên” được thừa nhận một cách rộng rãi.

Cụm từ “trỗi dậy hòa bình” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2003, thời điểm ông Trịnh Tất Nhiên, khi đó là Hiệu phó Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài phát biểu tại Diễn đàn Bắc Ngao. Cụm từ này về sau được các nhà lãnh đạo Trung Quốc - như Thủ tướng Ôn Gia Bảo - sử dụng trong nhiều bối cảnh quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận quốc tế và trong nước, Trung Quốc có điều chỉnh, tránh đề cập đến khái niệm “trỗi dậy hòa bình” và thay bằng “phát triển hòa bình”.


Linh Phương (tổng hợp)