Cuộc biểu tình tại Hongkong thành công hay thất bại?

08:22 | 07/10/2014

1,880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ chỗ hàng chục nghìn người, đến nay chỉ còn chưa đầy một trăm người tham gia biểu tình. Phong trào đòi quyền tự do bầu cử ở Hongkong sau hơn một tuần đến nay đã gần như rã đám. Cuộc biểu tình này đã đạt được điều gì?

Cuộc biểu tình tại HongKong thành công hay thất bại?

Sinh viên tự dọn dẹp sạch sẽ đường phố Hongkong sau những ngày biểu tình

Các hoạt động ở Hongkong đang dần dần trở lại bình thường hôm 6/10 do những người biểu tình, quá mệt mỏi sau một tuần đấu tranh, đã rút đi gần hết. Nhìn lên màn ảnh tivi, người ta dễ dàng nhận thấy các thanh niên, sinh viên và học sinh đang biểu tình tại Hongkong đã bắt đầu uể oải. Sau gần một tuần chỉ sống bằng bánh mì, chuối và nước uống, nhiều người đã có vẻ đuối sức. Họ nằm ngủ vật vạ trên đường. Những tiếng hô khẩu hiệu đã yếu dần.

Không chỉ người biểu tình chán nản, dân chúng cũng bắt đầu mệt mỏi. Việc những người biểu tình chiếm cứ các trung tâm thương mại và các con đường huyết mạch trong thành phố khiến việc đi lại trở thành khó khăn, công việc buôn bán bị đình trệ, số lượng du khách - đặc biệt từ đại lục - giảm hẳn. Từ sự ủng hộ hoặc hờ hững ban đầu, nay, nhiều người đã bắt đầu đổ lỗi cho những người biểu tình. Việc một số tên đầu gấu nhảy vào đánh đập và sỉ nhục những người biểu tình ít nhiều được sự đồng tình của một bộ phận dân chúng nào đó: Họ muốn cuộc biểu tình chấm dứt sớm.

Từ chỗ có lúc lên tới hàng chục nghìn người, ngày 6/10, số người biểu tình chỉ còn khoảng một trăm và chưa biết sẽ tiếp tục như thế nào. Cuộc “cách mạng cây dù” có vẻ như đang lâm vào ngõ cụt. Giới thanh niên nay bất đồng ý kiến với nhau về giai đoạn tiếp của phong trào biểu tình. Nên bám trụ hay nên bỏ đi, cho dù không gì bảo đảm sẽ có một cuộc thương lượng thật sự với chính quyền trong tương lai.

Cho tới nay có thể khẳng định rằng người biểu tình đã không đạt được những mục tiêu đề ra. Đó là yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho phép dân Hongkong được tự do bầu người đứng đầu đặc khu hành chính này, và buộc lãnh đạo Hongkong Lương Chấn Anh phải từ chức.

Chính quyền Trung Quốc đã không nhượng bộ người biểu tình ở Hongkong vì sợ một sự nhượng bộ như vậy sẽ mở đầu cho các cuộc xuống đường biểu tình ở những thành phố lớn trong đại lục. Không nhân nhượng nhưng có lẽ Trung Quốc cũng sẽ không áp dụng chính sách mạnh tay như ở Thiên An Môn năm 1989. Thật ra, Trung Quốc cũng không cần phản ứng mạnh. Họ tin là họ sẽ thành công ở một chiến thuật khác, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn: kéo dài thời gian, để đến một lúc nào đó, mọi người đều mỏi mệt và dần dần giải tán. Với họ, đó là chiến thuật bất chiến tự nhiên thành.

Mặc dù không thành công nhưng cuộc biểu tình của giới trẻ Hongkong cũng có những tác động nhất định. Thứ nhất, nó thu hút sự chú ý của toàn thế giới về sự “mập mờ” của chủ trương “một quốc gia hai chế độ” tại Hongkong. Điều này gây bất lợi cho Trung Quốc trong việc thuyết phục dân chúng Đài Loan thống nhất với họ.

Thứ hai, nó làm cho dân chúng Hongkong nói chung quan tâm nhiều đến người khác cũng như đến tương lai và vận mệnh của chính họ, từ đó, bớt hờ hững trước các vấn đề chính trị. Suốt cuộc biểu tình, người ta để ý là mỗi lần các sinh viên và học sinh bị trấn áp, dân chúng lại đổ xô xuống đường tham gia vào cuộc biểu tình nhiều hơn. Một phần vì họ phẫn nộ, phần khác vì họ tin tưởng đó là cách tốt nhất để “cứu” những thanh niên đang tranh đấu: số đông sẽ mang lại sự an toàn.

Thứ ba, nó tạo nên một hình ảnh rất đẹp về giới trẻ Hongkong dưới mắt nhìn của thế giới. Cuộc biểu tình ở Hongkong hiện nay cũng được giới quan sát quốc tế xem là một trong những cuộc biểu tình đẹp và lịch sự nhất trong lịch sử. Ở đó, người ta không chỉ biết chống đối mà còn biết bảo vệ những giá trị chung của xã hội. Họ không dẫm lên các bãi cỏ. Họ tự dọn dẹp rác, kể cả tàn thuốc lá. Họ lịch sự xin lỗi mọi người về sự phiền toán do cuộc biểu tình gây nên. Họ biết tự kiềm chế khi bị các tên đầu gấu đến quấy rối và hành hung.

Cuối cùng, cuộc biểu tình hiện nay là một cuộc tập dượt tốt cho các cuộc đấu tranh cho dân chủ về sau. Hầu hết những người lãnh đạo cuộc biểu tình này đều rất trẻ. Chắc chắn họ học được rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc biểu tình lần này. Hơn nữa, cũng qua cuộc biểu tình này, một số trong họ trở thành những tên tuổi lớn, được chú ý trên thế giới. Sau này, bất cứ tiếng nói phản kháng và phản biện nào của họ cũng dễ dàng có hiệu quả lớn.

 

Nh.Thạch

tổng hợp