Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Xuống thang để thôn tính

03:00 | 05/03/2014

2,762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo dự kiến, Philippines sẽ nộp bản thuyết trình của vụ kiện “đường lưỡi bò” Trung Quốc ở Biển Đông lên Tòa án Trọng tài quốc tế vào ngày 30/3 và việc này sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) diễn ra tại Singapore hôm 18/3. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, Bắc Kinh phản đối và sẽ không bao giờ chấp thuận việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế, nhưng những động thái gần đây đang chứng minh ngược lại.

Năng lượng Mới số 301

Vụ kiện của Philippines

Ngày 28/2, tờ The Straits Times dẫn lời luật sư Francis Jardeleza, người được Manila ủy thác làm luật sư trưởng trong vụ Philippines khởi kiện “đường lưỡi bò” Trung Quốc ở Biển Đông cho rằng, Malaysia và Việt Nam sẽ tham gia vụ kiện cùng Philippines hoặc tự khởi kiện riêng. Được biết, luật sư Francis Jardeleza đã xây dựng một bản thuyết trình dài 100 trang, 1 bản ghi nhớ liệt kê các sự kiện để trình lên ITLOS vào ngày 30/3. Công hàm của Việt Nam và Malaysia năm 2009 phản đối “đường lưỡi bò” Trung Quốc cũng nằm trong nội dung bản thuyết trình kể trên. Ông Francis Jardeleza cho biết, Philippines sẽ nộp bản thuyết trình phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về COC dự kiến diễn ra tại Singapore hôm 18/3. Tòa án Trọng tài quốc tế sẽ công bố phán quyết vụ kiện này trong năm 2015.

Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Rolo Golez

Theo ông Francis Jardeleza, nước nhỏ chỉ có thể đấu tranh hòa bình với nước lớn bằng con đường tư pháp, làm như vậy để công luận thấy rằng, tất cả những đòi hỏi và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị, không có hiệu lực, hiệu quả. Merlin Magallona, một luật sư khác cho rằng, Trung Quốc đã cố tình áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 cho yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông và đó là cơ sở vụ kiện của Philippines. Trước đó (26/2), tờ Rappler đưa tin, trong một nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn vụ kiện lịch sử, Bắc Kinh đã tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ Philippines như rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham để đổi lấy việc Manila hoãn trình vụ kiện “đường lưỡi bò” lên Tòa án Trọng tài quốc tế. Nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã từ chối cung cấp thông tin hay bình luận về việc này.

Ngày 28/2, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Roilo Golez, cựu Nghị sĩ Quốc hội và là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Philippines cho biết, những đề nghị của Trung Quốc “đưa ra thông qua các kênh không chính thức”. Giới truyền thông từng đưa tin, Trung Quốc đề xuất cả 2 nước cùng rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và Manila phải trì hoãn đưa tranh cãi chủ quyền biển đảo lên Tòa án Trọng tài quốc tế. Theo ông Roilo Golez, đây không phải là thỏa thuận công bằng bởi Trung Quốc là nước phải rút khỏi Scarborough/Hoàng Nham vì bãi cạn này nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines. Có tin nói rằng, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thảo luận với các thành viên chính phủ về đề nghị này của Trung Quốc.

Luật sư Francis Jardeleza

Ngày 28/2, tờ Văn hối dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng, việc Philippines đưa bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vào phạm vi quản lý quân khu là hành động khiêu khích, đơn phương của Manila. Theo ông Tống Trung Bình, Trung Quốc sẽ không mơ hồ và không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ của nước này; đồng thời cho rằng, quân đội Philippines không có thực lực để đáp trả Trung Quốc - sức mạnh quân sự của Philippines thậm chí không bằng lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, ông Tống Trung Bình nhận định. Trước đó, giới truyền thông Trung Quốc từng dẫn lời Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn Trang Quốc Thổ cho rằng, Philippines đang cố gắng tạo dư luận Trung Quốc “ỷ lớn hiếp nhỏ”. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, kể từ đầu năm 2014, Trung Quốc bắt đầu yêu cầu tàu cá nước ngoài phải “xin phép” trước khi đi vào “lãnh hải” do Trung Quốc quản lý theo “đường lưỡi bò”.

Luật sư Paul Reichler được Philippines thuê trong phiên tòa thụ lý vụ kiện "đường lưỡi bò” Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 1/3, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho rằng, tàu Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hôm 27/1 là hành động không được phép ở khu vực đang có tranh chấp; đồng thời khẳng định: Mỹ ủng hộ nỗ lực của Philippines trong việc đưa tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra Tòa án trọng tài quốc tế. Trước đó, Liên minh Nghề cá quốc gia Philippines đã chỉ trích tàu Trung Quốc xua đuổi tàu cá Philippines hôm 27/1, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền lợi của ngư dân Philippines ở Scarborough/Hoàng Nham. Phó chủ tịch Liên minh Nghề cá quốc gia Salvador France cho rằng, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thuộc về Philippines về mặt pháp lý, địa lý và chính trị, Trung Quốc phải chấp nhận sự thật này và kiềm chế các hành động quấy rối. Tổng thống Benigno Aquino và Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về “sự kiện vòi rồng”. Bởi đây không phải là sự kiện đơn nhất vì trong năm 2013 ít nhất đã xảy ra 9 vụ tàu Trung Quốc quấy rối tàu cá Philippines. Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines, Phó đô đốc Rodolfo Isorena cho biết, lực lượng này sẵn sàng điều tàu tuần tra quay trở lại Scarborough/Hoàng Nham bảo vệ ngư dân Philippines nếu Tổng thống Benigno Aquino ra lệnh.

Lịch sử vẫn đeo bám

Ngày 1/3, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã cảnh báo Nhật Bản về vấn đề nô lệ tình dục, đồng thời kêu gọi Tokyo cần hướng đến sự thật và hòa giải. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tokyo tuyên bố (28/2), sẽ thành lập một ủy ban xem xét các bằng chứng về những lời xin lỗi của Nhật Bản bắt nguồn từ đâu? Mặc dù mới chỉ là ý định (xem xét lại lời xin lỗi năm 1993 về nạn ép phụ nữ ở các nước bị Nhật Bản chiếm đóng làm nô lệ tình dục), nhưng tác động tiêu cực của vấn đề này đã hiện rõ. Bởi việc xem xét lại cơ sở đưa đến lời xin lỗi năm 1993 không đơn thuần là rút lại, mà còn vì nhiều nguyên nhân khác.

Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc

Trước đó (27/2), Giáo sư danh dự Trường đại học Tokyo Haruki Wada, cựu quan chức của “Quỹ Vì phụ nữ châu Á” cho biết, mới có 60 người trong tổng số 206 phụ nữ là nạn nhân bị ép mua vui cho lính Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai được nhận bồi thường (từ năm 1995). Theo ông Haruki Wada, quỹ này đã bồi thường cho 13 nạn nhân người Đài Loan (Trung Quốc), 211 người Philippines và 79 phụ nữ Hà Lan. Ngày 28/2, Nhật Bản đã chỉ trích Trung Quốc sau khi Quốc hội nước này phê chuẩn lấy 3/9 là ngày chiến thắng phát xít Nhật và 13/12 là ngày tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từng đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc lại đưa ra những ngày này 60 năm sau chiến tranh.

Ngày 27/2, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc vừa tung ra trò chơi trực tuyến “Bắn chết ác quỷ” với nội dung khuyến khích người chơi bắn chết 14 tội phạm chiến tranh người Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tung trò chơi trực tuyến để kích động người dân Trung Quốc chống Nhật Bản. Tờ Japan daily Presscho biết, nhóm tác giả làm ra trò chơi này muốn thông qua “Bắn chết ác quỷ” để nhắc nhở người Trung Quốc về thời gian Nhật Bản xâm lược.

Ngày 28/2, tờ Tân Dân vãn báo cho rằng, Tổng thống Philippinese Benigno Aquino liên tiếp có những lời nói “ngông cuồng”, khi đưa ra yêu cầu chủ quyền tại Biển Đông. Tuy được Washington cung cấp vũ khí theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines, nhưng quân đội Philippines vẫn rất lạc hậu so với Mỹ. Mặc dù sở hữu hơn 110 tàu chiến, nhưng phần lớn là tàu đổ bộ xe tăng và tàu tuần tra khoảng 1.000 tấn với thời gian hoạt động phổ biến trên 50 năm nên Philippines phải thuyết phục để được Mỹ cấp 2 tàu tuần tra cũ lớp Hamilton, nhưng tên lửa chống hạm của tàu này đã bị tháo, chỉ để lại pháo 76mm. Ngoài ra, vì Philippines là quốc đảo, nên xe tăng hạng nặng khó có “đất dụng võ”… Do đó, Philippines đang ở trong tình trạng “dạ dạy lớn, răng lợi kém”.

Những góc nhìn khác nhau

Phát biểu với tờ Philippines Star hôm 27/2, ông Hans-Gert Pottering, Chủ tịch Viện Chính trị Konrad-Adenauer-Stiftung, thành viên Nghị viện châu Âu, đồng thời là một trong những cố vấn thân cận của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, những hành động của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là “không thể chấp nhận”. Cũng trong ngày 27/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, quyết định về việc thiết lập thêm ADIZ (ở Biển Đông) sẽ tùy thuộc vào mức độ nguy cơ mà Bắc Kinh phải đối mặt. Trước đó (26/2), ông Mã Anh Cửu, người đứng đầu chính quyền Đài Loan đã kêu gọi tiến hành các cuộc thương lượng để hình thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại biển Hoa Đông. Ông Mã Anh Cửu cũng kêu gọi thành lập một cơ chế thảo luận đa phương tại khu vực càng sớm càng tốt để giải quyết các tranh cãi liên quan đến ADIZ của Trung Quốc.

Tàu chiến Hải quân Philippines

Ngày 25/2, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia Vasilii Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga, theo đó những cuộc diễn tập mới đây của Trung Quốc chỉ để tăng cường sức ép chính trị đối với Nhật Bản. Do đó, Trung Quốc cần có kế hoạch ứng phó với cuộc xung đột khu vực với Nhật Bản, kể cả chuẩn bị lực lượng đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi có khủng hoảng chính trị. Theo chuyên gia Vasilii Cashin, việc đánh chiếm đảo có thể diễn ra, nhưng rủi ro rất lớn bởi tàu chiến Nhật Bản được trang bị và huấn luyện tốt. Thậm chí thành công trong việc chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng Trung Quốc sẽ lập tức phải đối phó với sự xuất hiện của tàu ngầm Nhật Bản và Mỹ ở khu vực này.

Ngày 26/2, Tạp chí The Diplomat đăng bài viết của tác giả Shannon Tiezzi khi bà chỉ ra một thực tế: Hải quân Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực tranh chấp và Cảnh sát biển Trung Quốc cũng tuần tra như một cách để khẳng định quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo bà Shannon Tiezzi, Trung Quốc muốn loại Mỹ ra khỏi các cuộc đàm phán khu vực, và sẽ không thúc đẩy tiến độ đàm phán COC chừng nào Washington còn can dự.

Tàu đổ bộ đệm khí Zubr (Bizon)

Tờ Kanwa Defense Review của Canada cho rằng, truyền thông Nga và phương Tây phỏng đoán Trung Quốc sẽ chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân với lượng giãn nước 110.000 tấn, sử dụng máy phóng điện từ là không chính xác. Kanwa Defense Review nhận định, thiết kế cơ bản của tàu sân bay nội địa thứ nhất, thứ hai đều tương đồng, dùng động cơ thông thường, cất hạ cánh kiểu nhảy cầu, sử dụng máy bay chiến đấu J-15... và Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc có cơ sở ở Đại Liên là doanh nghiệp có công rất lớn đối với việc thiết kế tàu sân bay nội địa đầu tiên.

Hãng Thông tấn China News Service (đứng thứ hai sau Tân Hoa xã) vừa có bài miệt thị Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vừa rời Bắc Kinh hôm 1/3 khi ví ông Gary Locke như “trái chuối” và “chó dẫn đường”. Nhưng nhiều cư dân mạng xã hội Trung Quốc đã chỉ trích bài viết kể trên. Việc này xuất hiện sau tuyên bố hôm 27/2 trước khi rời Bắc Kinh ngày 1/3 của ông Gary Locke khi kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản phải xoa dịu căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông để tránh “những hậu quả nghiêm trọng khôn lường”. Thượng nghị sĩ Mỹ Max Baucus là người thay thế vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc của ông Gary Locke.

Ngày 27/2, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, Công ty Phân tích thông tin và số liệu công nghiệp quốc phòng IHS Jane’s vừa đưa ra báo cáo “Thương mại và cân bằng” thường niên, theo đó Trung Quốc nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc sẽ đạt 2,6 tỉ USD. Singapore cũng vừa công bố dự toán ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2014 khoảng 9,93 tỉ USD, tăng 3,2% so với ngân sách quốc phòng năm 2013.

Theo đó, khoảng 9,598 tỉ USD dành cho chi phí hoạt động quân sự và 340 triệu USD cho các hoạt động khác. Mặc dù tỷ lệ ngân sách quốc phòng trên GDP của Singapore cao hơn so với mức trung bình 2% của các quốc gia trên thế giới, nhưng vẫn thấp hơn so với giới hạn cao nhất 6% mà chính phủ nước này phê chuẩn.

Hãng tin Interfax vừa dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho biết, theo đơn đặt hàng của Trung Quốc, chiếc thứ 2 trong số 4 tàu đổ bộ đệm khí Zubr (Bizon) đặt mua của Ukraina đã được bàn giao và đang trên đường về nước. Hàn Quốc (DAPA) cho biết, hải quân nước này đã tiếp nhận tàu Kim Chang-hak lớp PKG mới nhất do Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai đóng với các loại vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa hạm đối hạm và pháo 76mm. Đây là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường thứ 14 được trang bị cho Hải quân Hàn Quốc.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh