Bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc:

Vì sao Trung Quốc phải cải cách kinh tế?

06:38 | 16/11/2013

5,692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 4 ngày họp, Hội nghị kỳ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc tại Bắc Kinh chiều 12/11 với lời cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới kinh tế, cho thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực, để đạt mục tiêu vào năm 2020.

Bản tuyên bố sau hội nghị viết rằng, chính phủ sẽ xem xét lại vai trò của chính quyền trong kinh tế để tạo thuận lợi cho sự phát triển cần thiết phải có cho quốc gia. Theo tin của Tân Hoa xã hôm 12/11, bản thông cáo ngắn ngủi của đại hội nói rằng, Trung Quốc sẽ cải cách sâu rộng và toàn diện nền kinh tế để bảo đảm là thị trường sẽ đóng một vai trò quyết định trong sự điều phối các nguồn tài nguyên quốc gia. Vai trò của thị trường đã thường được xác định là “căn bản” kể từ khi Trung Quốc quyết định áp dụng chính sách “kinh tế thị trường theo đường hướng xã hội chủ nghĩa” năm 1992 thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ.

Ba cải cách có tính “khai thông” là cải tổ thị trường tài chính, thị trường nhân dụng để cải thiện phúc lợi và cải tổ đất đai, đều chưa thấy được đề cập qua bản thông cáo này. Như nhiều quan sát viên đã dự đoán, Chủ tịch Tập Cận Bình không cố gắng đẩy mạnh cải cách tới một mức có thể là phiêu lưu trong hoàn cảnh Trung Quốc dù có nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng hãy còn tương đối ổn định chưa cần những bước mạo hiểm. Trên tất cả, quyền sở hữu nhà nước vẫn được xác định là trụ cột của nền kinh tế. Nói cách khác, tiến tới từng bước theo phương cách thực dụng, cuối cùng có lẽ sẽ là đường lối cải cách ở Trung Quốc hiện nay. Ngay cả giai đoạn cải cách của Đặng Tiểu Bình sau Đại hội kỳ 3 khóa 11 năm 1978, cũng được thi hành theo nguyên tắc tuần tự chứ không phải là triệt để.

Tháp truyền hình Thượng Hải

Tuyên bố của Hội nghị kỳ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cho biết, một ủy ban chuyên trách về an ninh sẽ được thành lập với mục đích cải tiến hệ thống an ninh hiện có và đưa ra những chiến lược cần thi hành để đảm bảo an ninh quốc gia. Trước đó tại Trung Quốc đã tồn tại Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia cùng nằm trong một quần thể ở Bắc Kinh. Trước hội nghị, tại Bắc Kinh đã xảy ra cuộc tấn công khủng bố trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, tại thành phố Thái Nguyên - thủ phủ tỉnh Sơn Tây - 8 vụ nổ đã xảy ra trước trụ sở làm việc của Tỉnh ủy tỉnh Sơn Tây. Lãnh đạo Trung Quốc xem những vụ tấn công khủng bố này như dấu hiệu của mối đe dọa ngày càng tăng đối với hệ thống chính trị và đoàn kết dân tộc trong nước.

Bản tin của Tân Hoa xã còn viết rằng, vai trò của đảng vẫn là vai trò quan trọng nhất để đối phó với mọi tình huống, đi kèm với quyết định phải cải tiến lãnh đạo và hoạt động của chính phủ để đảm bảo đổi mới thành công. Cũng theo Tân Hoa xã, hội nghị tán thành ý kiến đẩy mạnh chương trình cải cách về đất đai, cho nông dân được rộng quyền hơn khi sử dụng đất canh tác.

Hội nghị kỳ 3 lần này quan trọng và được chú ý vì ban lãnh đạo đề ra chính sách và đường lối mới, có thể so sánh với hội nghị kỳ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 vào tháng 12/1978 khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương mở cửa và đổi mới.

Roger Baker và John Minnich, chuyên gia châu Á - Thái Bình Dương của Stratfor, trong một bài viết trên tạp chí GeoPolitical Weekly tuần trước cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc đang trong tình thế không có phương cách nào khác hơn là phải cải tổ mô hình chính trị kinh tế xã hội, đã áp dụng qua nhiều năm và nay đi đến khúc cuối đường không còn thích hợp nữa.

Chủ tịch Tập Cận Bình cần vạch ra những nét căn bản về cải cách để làm cốt lõi cho việc hoạch định chính sách trong 5 năm tới. Đường hướng của ông Tập có thể quyết liệt như Đặng Tiểu Bình trước đây hay không, người ta chưa thể biết trước được. Nhưng có một điều chắc chắn là nó sẽ được thi hành. Mô hình phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc do họ Đặng đề ra từ hơn ba thập niên trước đã đi qua cao điểm và đến nay không còn có thể tiếp tục theo đuổi nữa. Rộng hơn, mô hình chính trị và xã hội cũng cần phải có những chuyển đổi.

Dù muốn dù không, ông Tập Cận Bình cũng hiểu là Trung Quốc đã đi tới một ngã ba đường. Ông ta không thể có chọn lựa nào khác hơn là phải đưa ra những quyết định thích hợp với tình thế, nếu không muốn để cho Trung Quốc lâm vào những hoàn cảnh rối ren phải tạm thời chữa trị bằng hết biện pháp vá víu này tới vá víu khác mà không có được một chiến lược dài hạn. Nói cách khác, bắt buộc phải có những cải cách sâu rộng.

Nhưng cải cách, hiểu theo nghĩa của Trung Quốc, không có nghĩa là đi theo khuôn mẫu dân chủ phương Tây và không thể nhanh chóng dứt khoát. Ngay chính đường lối mở cửa và đổi mới của Đặng Tiểu Bình cũng đã xác định là theo định hướng “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Như vậy, cải cách mà ông Tập Cận Bình có thể đưa ra không ngoài việc xác lập lại mối liên hệ giữa Đảng, nền kinh tế và nhân dân, theo đường lối duy trì và củng cố được quyền lực trung ương.

Hoàn thành mục tiêu đó đòi hỏi phải gia tăng sự hữu hiệu của guồng máy đảng và nhà nước; sửa đổi tổ chức và luật lệ hoạt động cho những công ty, xí nghiệp, cơ quan thương mại; tôn trọng quyền và trao phó trách nhiệm cho công dân. Mặc dù tất cả những nhu cầu ấy có thể làm nhẹ bớt vai trò can dự của đảng trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng như thế không có nghĩa là làm suy giảm quyền lực Đảng trên toàn bộ.

Trung Quốc thật ra cần có những cải tổ căn bản. Khi nền tảng kinh tế Trung Quốc bắt đầu bị lay động sau năm 2008, hậu quả tất yếu của sự phát triển quá mức độ, sự thăng tiến của những thành phần xã hội và thêm vào đó là tiến bộ kỹ thuật thông tin tác động đến nề nếp sinh hoạt của dân chúng, tập thể lãnh đạo trở nên không thích ứng hiệu quả với tình thế. Những biện pháp chữa chạy vá víu không giải quyết hết mọi khó khăn và bây giờ ông Tập Cận Bình sẽ phải có đường lối thích ứng để vượt qua những giới hạn này.

Theo Roger Baker và John Minnich, có lẽ họ Tập sẽ củng cố vai trò chủ tịch nhà nước để không chỉ là người đồng hành với Đảng mà còn phải có một vai trò lãnh đạo cụ thể hơn, giống như vị Tổng thống ở một số chế độ trên thế giới. Điều ấy cũng có nghĩa là tạo sự quân bình giữa tập thể và lãnh đạo. Làm như vậy hệ thống lãnh đạo sẽ có hiệu lực hơn cả về chính trị và kinh tế và những cải cách mới có thể là triệt để dù khó biết chắc chắn rằng sẽ đạt thành công tới mức nào. Nhưng ông Tập Cận Bình có thể trở nên một nhà cách mạng của Trung Quốc hay cuối cùng ông chỉ là người cố gắng thích ứng với hoàn cảnh bằng những đường lối thỏa hiệp.

Cheng Ii, thành viên Brookings Istitution và Giám đốc nghiên cứu của Ủy Ban Quốc Gia về quan hệ Mỹ - Trung, cho rằng: “Chúng ta nên hy vọng ở Tập Cận Bình. Tôi tin là Trung Quốc sẽ có biến chuyển”. Ông không giải thích biến chuyển sẽ xuất phát từ đâu.

Mamta Badkar nhận định trên tờ Business Insider: “Ban lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần xác định rằng Hội nghị kỳ 3 Ban Chấp hành Trung ương sẽ đưa ra những cải cách toàn bộ và chưa từng thấy trên mọi bình diện…. Nhưng trong mọi trường hợp, sẽ phải nhiều năm và nhiều đấu tranh cùng với những hoán đổi trật tự ở hàng ngũ lãnh đạo trung ương cũng như địa phương thì may ra mới có thể thấy được tác dụng”. Theo ông, chống tham nhũng sẽ là trung tâm của những cải cách. Cũng trên tạp chí này, Bill Bishop nói rằng, không thể dự đoán gì về kinh tế Trung Quốc vì bất cứ thay đổi nào cũng sẽ phải nhiều năm mới có thể thực hiện, chưa kể không được thi hành hoặc bị ngăn trở bởi guồng máy hành chính.

H.Phan (tổng hợp)