Vì sao “quyền lực mềm Trung Quốc” khó hấp dẫn thế giới?

07:00 | 23/11/2013

1,411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hội nghị Trung ương lần 3 khẳng định tham vọng biến Trung Quốc thành một “cường quốc văn hóa” toàn cầu. Thế nhưng, theo báo chí Pháp, “quyền lực mềm Trung Quốc không mấy hấp dẫn thế giới”.

Trung Quốc đã lập hàng trăm Viện Khổng Tử trên khắp thế giới

Ít lâu sau khi Hội nghị Trung ương lần 3 kết thúc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố: “Cần phải tăng cường trao đổi văn hóa với các nước khác, củng cố khả năng giao tiếp và biến văn hóa Trung Quốc trở nên toàn cầu”. Tư tưởng này đã từng được cựu Chủ tịch Hồ Cầm Đào nhắc đến khi còn tại vị, cho rằng Trung Quốc cần gia tăng “quyền lực mềm”.

Từ nhiều năm gần đây, Bắc Kinh đã chi ra hàng tỷ nhân dân tệ cho “quyền lực mềm” tại nhiều nước đang phát triển, trên nhiều lãnh vực: y tế, giáo dục, thể thao, trao đổi học bổng, đường xá, dạy tiếng Hoa miễn phí…

Hàng trăm viện Khổng tử đã được khánh thành trong thập niên vừa qua. Trong lĩnh vực truyền thông, Bắc Kinh cho đầu tư ồ ạt vào kênh truyền hình nhà nước CCTV để nâng cấp kênh truyền hình lên giống như CNN của Mỹ hay BBC của Anh, và để truyền tải “quan điểm Trung Quốc” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên, nhật báo La Croix (Pháp) nhận thấy là tuy bỏ ra những khoản đầu tư khổng lồ, Trung Quốc vẫn chưa đạt được những gì mình mong muốn. Nhãn “Made in China” thì mang nhiều tiếng xấu, trong khi ảnh hưởng văn hóa (điện ảnh, truyền hình, văn học) vẫn rất hạn chế.

Trên bình diện khoa học, các viện nghiên cứu hay các trường đại học Trung Quốc vẫn tự hỏi ngày nào sẽ được một giải Nobel về hóa học, vật lý hay y học… Một thăm dò do đài BBC thực hiện hồi tháng 6/2013 còn cho thấy hình ảnh của Trung Quốc mất đi đến 8 điểm so với năm 2012.

Theo Joseph Nye, giáo sư đại học Havard, công cuộc xây dựng “quyền lực mềm” phải có sự kết hợp giữa nhà nước và “những cá nhân, lĩnh vực tư và xã hội dân sự”. Không chỉ có nhiều tiền và quyết tâm chính trị, “quyền lực mềm” Trung Quốc chỉ nở rộ khi có sự sáng tạo, một yếu tố không thể nào thiếu được.

Nh.Thạch

AFP