Vì sao những cơn bão ngày càng dữ dội?

07:00 | 13/11/2013

1,701 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bàn về nguyên nhân những trận cuồng phong ngày càng dữ dội, các nhà khoa học cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự liên hệ giữa số vụ thiên tai gia tăng và hiện tượng hâm nóng khí hậu.

* Bão Haiyan phủ bóng hội nghị LHQ về khí hậu tại Ba Lan

Sức tàn phá khủng khiếp của bão Haiyan đối với Philippines

Theo giải thích của Phó Giám đốc nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) Pháp, ông Jean Jouzel, trong vòng ba thập niên nay, các trận thiên tai từ hiện tượng vòi rồng cho đến lũ lụt, liên tục xảy ra với một nhịp độ chưa từng thấy.

Một nghiên cứu do công ty bảo hiểm Munich Re công bố năm 2012 cho thấy, trong cùng giai đoạn, số lượng thảm họa tăng gấp 5 lần tại Bắc Mỹ ; gấp 4 lần tại châu Á ; 2,5 lần tại châu Phi, 2 lần tại châu Âu và 1,5 lần tại Nam Mỹ. Một chỉ số khác cho thấy có mối liên hệ đó, cường độ các trận bão và cuồng phong thường có liên quan đến nhiệt độ đại dương.

Quan sát các dữ liệu có được về nhiệt độ của Đại Tây Dương từ năm 1923 với những giai đoạn giông bão, một nghiên cứu của nhà khoa học Đan Mạch cho thấy trung bình những năm nóng được đánh dấu bằng những cơn bão mạnh hơn những năm lạnh, cho dù đó là loại bão nào.

Bão Haiyan phủ bóng hội nghị LHQ về khí hậu tại Ba Lan

Trong một diễn biến khác. Trên 190 quốc gia họp lại hôm 11/11/2013 ở Vacxava để tạo một đà mới cho công cuộc đấu tranh chống hiện tượng thay đổi khí hậu, đặt cơ sở cho hiệp định dự kiến vào năm 2015, trong khi nhiều triệu người Philippines đang gánh chịu hậu quả của siêu bão Haiyan.

Hội nghị được tổ chức tại sân vận động Vacxava, kéo dài cho đến ngày 22/11. Bà Christina Figueres, người phụ trách về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tuyên bố trước đại biểu toàn thế giới: “Chúng ta tập hợp lại hôm nay, với gánh nặng trên vai của nhiều thực tế khiến phải suy nghĩ (…) như sức tàn phá của bão Haiyan. Những thế hệ sau này sẽ phải tiến hành một trận chiến bao la, và những gì diễn ra tại đây không phải là một trò chơi. Không có hai ê-kíp, mà toàn bộ nhân loại. Không có kẻ thắng người thua, chúng ta hoặc sẽ cùng chiến thắng hoặc cùng bại trận”.

Đại biểu của Philippines là Alicia Igala nhắc lại, trong hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu tổ chức tại Doha trước đây, Philippines đã từng bị tác động của một cơn bão cấp 5 là Bopha. Bà nói trong cuộc họp báo: “Và nay chúng ta đang ở Vacsava. Trời âm u, lạnh lẽo và buồn không chỉ tại Vacsava mà còn tại đất nước tôi (…) Chúng ta có thể đòi hỏi gì hơn nữa ở hội nghị này, ngoài việc làm thương lượng tiến triển và biến những lời hứa thành hành động?”

Cộng đồng quốc tế ấn định mục tiêu giới hạn tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 2°C so với kỷ nguyên tiền công nghiệp. Tuy nhiên nếu không làm gì cả, nhiệt độ có thể tăng gần 5°C từ nay cho đến cuối thế kỷ, và các thiên tai sẽ xuất hiện rất nhiều – theo GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu) hồi tháng 9/2013.

Liên hệ giữa các trận bão và hiện tượng thay đổi khí hậu là điều mà các nhà khoa học vẫn tranh cãi dữ dội, nhưng người ta vẫn chờ đợi các hiện tượng ngày càng mãnh liệt hơn liên quan đến việc nhiệt độ các đại dương ấm lên.

Vacsava khởi đầu hai năm thương thảo sẽ kết thúc vào năm 2015 tại Paris với một hiệp định tổng quan, đầy tham vọng và mang tính bắt buộc về pháp lý nhằm giảm hiệu ứng nhà kính (GES), nguyên nhân gây ra hiện tượng trái đất nóng lên. Hiệp định này sẽ có hiệu lực pháp lý kể từ năm 2020.

Hiện nay văn bản duy nhất hạn chế hiệu ứng nhà kính là Nghị định thư Kyoto nhưng chỉ liên quan đến các nước công nghiệp hóa, trừ một nước hết sức quan trọng là Mỹ, và chỉ liên quan đến 15% lượng khí phát thải.

Hiệp định tương lai sẽ tiếp nối Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, sẽ phải ràng buộc cả Mỹ và các nước mới nổi quan trọng trong đó có Trung Quốc – quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới.

Các cuộc thương lượng hứa hẹn sẽ rất căng thẳng về mức độ ràng buộc pháp lý, hay những cam kết của các nền kinh tế mới nổi, vốn đòi hỏi quyền phát triển và trách nhiệm của các nước công nghiệp hóa đối với hiện tượng trái đất nóng lên. Các quốc gia phương Bắc hứa viện trợ 100 tỉ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2020, trong khi các quốc gia phương Nam chưa thấy động tĩnh gì, e ngại rằng đây chỉ là những lời hứa suông.

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu lần tới sẽ diễn ra vào cuối năm 2014 tại Lima, trước khi Paris được chính thức chỉ định tại Vacxava lần này để trở thành nước chủ nhà cho hội nghị 2015.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc