Xung quanh cuộc chiến chống IS:

Vì sao Mỹ không kích IS tại Syria vào lúc này?

08:40 | 25/09/2014

2,643 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù đã được thông báo trước nhưng người dân Mỹ vẫn rất bất ngờ trước quyết định không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria của chính quyền Obama. Dựa trên cơ sở nào Obama đưa ra quyết định đầy mưu tính chính trị này?

Vì sao Mỹ không kích IS tại Syria vào lúc này?

Tổng thống Obama phát biểu hôm 24/9 về chiến dịch không kích đánh IS ở Syria, trước khi lên đường đi dự Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Ba toan tính chính trị của Obama

Từ tối 22/9, mọi chú ý của thế giới đều dồn về tin Mỹ và một số quốc gia Arập mở cuộc không kích đầu tiên nhắm vào các cứ điểm của khủng bố Hồi giáo IS ngay trên lãnh thổ Syria. Mặc dù đây là điều đã được Tổng thống Mỹ Back Obama nói đến trong bài diễn văn đọc gửi người dân Mỹ tối 9//9/2014, nhưng quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng vẫn khiến mọi người ngạc nhiên vì không ngờ ông lại mở rộng trận chiến chống khủng bố nhanh như thế, trong lúc chưa hoàn tất kế hoạch tiêu diệt IS trên phần đất Iraq.

Các chuyên gia cho rằng Obama đưa ra quyết định nhanh chóng trên là hoàn toàn có mục đích chính trị khác nhau. Thứ nhất, quyết định của Tổng thống Obama nhằm giải đáp những nghi vấn của chính người dân Mỹ về liên minh quân sự mà các giới chức thân cận với ông như Ngoại trưởng John Kerry hay Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power... thường nói với mọi người là có tới 40 nước tham gia nhưng không tiết lộ tên những quốc gia đó. Cụ thể là mới trưa 21/9, đại sứ Power có nói trên đài ABC là “nước Mỹ sẽ không oanh tạc Syria một mình”, nhưng bà này cũng từ chối tiết lộ những quốc gia nào đã gật đầu tham gia cuộc dội bom.

Cuộc không kích diễn ra cho chúng ta thấy ít nhất có 5 nước tham dự gồm Saudi Arabia, các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Qatar, Bahrain và Jordan. Tất cả đều là những nước Hồi giáo Trung Ðông, theo đúng như đòi hỏi của các nhà lãnh đạo Quốc hội là Mỹ không thể đơn phương mở mặt trận tiêu diệt IS ở Iraq và Syria, mà cần có sự tham dự của những nước Hồi giáo trong khu vực, nhất là những quốc gia đa số theo Hồi giáo Sunni, tức dùng lực lượng quân đội Sunni “tốt” để diệt lực lượng Sunni “xấu” là quân khủng bố IS.

Thứ hai, cuộc không kích được thực hiện với mục đích mở đường cho bài diễn văn quan trọng mà Tổng thống Barack Obama sẽ đọc trước Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm nay (25/9), giúp nhắc lại điều ông từng nói IS chính là hiểm họa đe dọa an ninh toàn cầu. Từ đó, Mỹ hy vọng sẽ lôi kéo được những nước khác tham gia để cuộc chiến chống khủng bố thật sự là cuộc chiến toàn cầu, chứ không chỉ vỏn vẹn có 40 quốc gia như đang có.

Ðiểm thứ ba là cuộc không kích không chỉ phá hủy được các cứ điểm của IS đặt trên lãnh thổ Syria, mà còn phá hủy gần như toàn bộ các căn cứ của lực lượng khủng bố có tên là Khorasan, hoạt động dưới quyền điều khiển của Al-Qaeda, mục tiêu chúng nhắm đến là phá hoại nước Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Theo Mỹ, Khorasan chỉ là một nhóm nhỏ, quy tụ những phần tử Al-Queda từng hoạt động ở Pakistan và Afghanistan, bây giờ bọn chúng gom nhau lại ở Syria, tiếp tục theo đuổi ý đồ gây tang tóc tại Mỹ và châu Âu chứ không phải đánh chính quyền Syria như quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo đang làm.

Tuần trước đây khi ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, James Clapper, đã cảnh báo nhóm khủng bố Khorasan “đang đe dọa nước Mỹ”. Ðến chiều 23/9, một viên chức Hội đồng An ninh Quốc gia nói thêm rằng tin tức tình báo cho thấy bọn chúng đang âm mưu tấn công nước Mỹ và châu Âu. Sau khi phân tích thật kỹ lưỡng, Hội đồng An ninh Quốc gia quyết định đệ trình cho Tổng thống để xin ý kiến, và Obama đồng ý với đề nghị vừa triệt hạ IS vừa tiêu diệt Khorasan.

Một viên chức quốc phòng Mỹ nói rằng Khorasan không phải là một lực lượng to lớn, nhưng nếu có cơ hội thì Mỹ phải diệt trừ chúng ngay, không để cho chúng phát triển. Vì trước đây Mỹ từng đánh giá IS chỉ là một tổ chức nhỏ ít người để ý tới, nhưng sau đó chúng phát triển rất nhanh, bây giờ đã chiếm khoảng 45% lãnh thổ Iraq và 25% lãnh thổ Syria, khiến chiến lược tiêu diệt chúng trở thành khó khăn hơn.

Đâu là cơ sở pháp lý của chiến dịch không kích IS ở Syria của Mỹ?

Mỹ nói rằng Nghị quyết 2170 của Liên Hiệp Quốc được thông qua hôm 15/8, đòi hỏi sự giải giới IS, là cơ sở pháp lý cho cuộc oanh kích bằng không lực của liên minh.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận là không xin phép hoặc hợp tác với Syria nhưng có thông báo trước. Nhà Trắng lập luận là không cần phải được phép mới tiến hành cuộc oanh kích, vì sử dụng quyền đã được trao phó trong việc chống khủng bố Al-Qaeda.

Quyết định tấn công vào IS trên lãnh thổ Syria khi không được Chính phủ Syria trực tiếp yêu cầu đã gây ra những phản ứng cả trên bình diện quốc tế lẫn trong trong dư luận Mỹ. Nga đã lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ nhằm vào lực lượng IS trên lãnh thổ Syria ngày 23/9 và cho rằng hành động này cần phải được sự đồng ý từ phía Syria, nếu không sẽ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich khẳng định, bất kỳ hành động tấn công nào cần được thực hiện theo khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Việc không kích IS của Mỹ tại Syria cần sự cho phép từ Chính phủ Syria hoặc được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê duyệt.

Trước đó, Nga đã nhiều lần yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền của Syria sau khi Tổng thống Mỹ Obama công bố chiến lược mới chống IS vào đầu tháng này, bao gồm việc mở rộng không kích các mục tiêu của IS tại Syria.

Ngày 24/9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon khẳng định, ông biết rằng các cuộc không kích đã được thực hiện mà không có yêu cầu trực tiếp từ chính phủ Syria nhưng ông cũng ghi nhận rằng chính quyền Damas đã được thông báo trước khi các cuộc không kích diễn ra. Ông Ban Ki-moon cũng nói rằng, các chiến binh IS đang là mối đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình và an ninh thế giới. Phát biểu của ông Ban là tín hiệu cho thấy Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể sẽ bật đèn xanh cho hoạt động can thiệp quân sự tại Syria.

Trong khi đó, một người dân Mỹ chia sẻ: “Chúng ta cần phải chấm dứt việc ném bom bởi điều đó chỉ sinh ra nhiều kẻ khủng bố hơn. Trước khi Iraq bị xâm lược thì làm gì có Al-Qaeda. Iraq bị xâm lược vì dầu lửa. Sự dối trá đã diễn ra trong nhiều năm và người Mỹ cần phải đối mặt với sự thật. Người Mỹ chúng tôi cần phải nhìn lại mình trong gương thật kỹ và tự đặt cho mình những câu hỏi nghiêm túc về những gì nước Mỹ đã làm”.

 

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc