Trung Quốc sẽ phải lo lắng về kết quả bầu cử ở Nhật?

06:56 | 27/07/2013

500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến thắng hôm 21/7 đã giúp liên minh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kiểm soát toàn bộ lưỡng viện Quốc hội. Điều này mở đường cho những sửa đổi hiến pháp chủ hòa dễ dàng hơn. Đây chính là điều Trung Quốc đang lo ngại.

Kết quả cuộc bầu cử này đã chấm dứt tình trạng chia rẽ trong quốc hội và ít nhất sẽ loại bỏ khả năng Nhật Bản thay đổi thủ tướng hằng năm như vẫn thường xảy ra gần đây. Điều này có nghĩa là Thủ tướng Abe sẽ có thể toàn tâm toàn ý với chính sách ngoại giao.

Chiến thắng của liên minh cầm quyền Shinzo Abe hôm 21/7 đang khiến Trung Quốc lo ngại

Từ khi trở lại cương vị Thủ tướng Nhật Bản vào cuối năm ngoái, ông Abe luôn bị báo giới Trung Quốc chỉ trích bởi những tuyên bố cứng rắn của ông liên quan tới tranh chấp giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Không chỉ vậy, Thủ tướng Abe, người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, còn thực thi hàng loạt các biện pháp chính trị và quân sự như để đương đầu với sự lấn lướt của Trung Quốc. Trong Sách Trắng Quốc Phòng Nhật Bản vừa được công bố ngày 9-7, Tokyo ghi nhận rằng “Trung Quốc đã có những hành động uy hiếp, dẫn đến những hành vi nguy hiểm”, có nguy cơ tạo nên sự cố tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Tài liệu dày 450 trang này đặc biệt nêu lên các hoạt động của Trung Quốc như “xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, vi phạm không phận Nhật Bản và cả những hành động nguy hiểm có thể gây ra sự cố với hậu quả khôn lường”. 

Trước đó, chính ông Abe đã tuyên bố Nhật Bản cần sửa đổi bản hiến pháp chủ hòa có từ năm 1947 để phù hợp với tình hình hiện tại. Trong bản hiến pháp này, điều số 9 nói nước Nhật Bản từ bỏ quyền gây chiến và cấm xây dựng lực lượng quân sự. Trong nhiều năm qua, dân chúng Nhật Bản vẫn ủng hộ bản hiến pháp chủ hòa nhưng thái độ của họ gần đây đã thay đổi. Số người chống việc xóa bỏ điều 9 đã giảm từ 67% năm 2006 xuống còn 56% năm 2013. Thủ tướng Abe chưa nói đến việc xóa bỏ điều 9 hiến pháp, nhưng ông đã ngỏ ý muốn thay đổi điều số 96, cho phép Quốc hội sửa hiến pháp với tỷ số quá bán, không cần đến 2/3 số phiếu. Ðề nghị này có thể mở đường cho việc thay đổi điều 9 trong tương lai được dễ dàng hơn.

Đây chính là điều khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại. Người Trung Quốc vẫn chưa quên mối nhục bị quân Nhật xâm lăng từ năm 1937, chỉ rút đi sau khi bị Mỹ đánh bại năm 1945. Giới quan sát cho rằng, dù Nhật không thay đổi bản hiến pháp chủ hòa nhưng nếu họ gia tăng sức mạnh quân sự thì quân đội Trung Quốc cũng sẽ khó lòng đóng vai trò trấn áp ở châu Á. Chi tiêu về quân sự của Nhật hiện đứng hàng thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh, mặc dù vẫn thi hành đúng bản hiến pháp chủ hòa. Nếu Nhật tăng cường ngân sách quốc phòng thì họ sẽ tiến lên rất nhanh, trong một thời gian ngắn có thể sẽ chỉ đứng sau Mỹ.

Thủ tướng Abe chủ trương gia tăng lực lượng vũ trang của Nhật, từng bước một. Trong khi chờ đợi xóa điều 9 trong hiến pháp, chính phủ Abe có thể sẽ giải thích điều này một cách rộng rãi hơn, với những thay đổi nhỏ giúp cho guồng máy quân sự của nước Nhật phát triển mạnh hơn. Ông có thể sẽ yêu cầu sửa danh xưng, thay vì Lực lượng Phòng thủ sẽ gọi là thẳng là Quân đội Phòng thủ, để người dân quen dần với danh xưng mới. Ðảng Dân chủ Tự do hứa sẽ tăng cường quân lực cả về lượng lẫn chất khi mà liên minh cầm quyền chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội.

Ngoài việc tự gia tăng khả năng phòng thủ, củng cố liên minh Nhật - Mỹ, Tokyo còn đang theo đuổi chiến lược riêng về mạng lưới an ninh tại Đông Bắc Á. Hoạt động ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á của ông Abe, bao gồm chuyến thăm các nước thuộc ASEAN vào tháng 2/2013, tuyên bố 5 nguyên tắc hoạt động ngoại giao với ASEAN của Nhật Bản và chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Onodera hồi tháng 6/2013 được nhiều chuyên gia coi là một phần trong kế hoạch lâu dài của ông Abe nhằm thành lập một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực.

Ngày 25/7, Thủ tướng Abe bắt đầu chuyến thăm 3 nước Malaysia, Singapore và Philippines để củng cố quan hệ an ninh và kinh tế. Đây là một nỗ lực ngoại giao mà nhiều quan sát viên cho rằng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia, nếu Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và hoàn thành vai trò là một thành viên có trách nhiệm của khu vực Đông Á thì nước này không có gì phải lo ngại về chính sách quốc phòng hiện này của Nhật.

Giang Khuê (Tổng hợp)