Trung Quốc sẽ lấy gì bù đắp nguồn nội tạng tử tù?

11:24 | 16/08/2013

2,387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kể từ tháng 11/2013, Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm bớt việc sử dụng nội tạng của các tù nhân bị hành quyết để cấy ghép cho người khác. Tuy nhiên, việc này có thể tạo ra một lĩnh vực tội phạm mới, bắt cóc người giết lấy nội tạng đem bán khi mà thị trường ghép tạng ở Trung Quốc ngày một tăng.

 

Một phụ nữ trước giờ bị hành quyết, tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Nội tạng tử tù là nguồn cung chính cho các đường dây buôn lậu

Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới vẫn còn sử dụng nội tạng lấy từ các tử tù một cách có hệ thống để cấy ghép, một cách làm bị quốc tế lên án. Cách làm này đã có từ nhiều năm nay tại Trung Quốc.

Nhiều người Trung Quốc xem chuyện này là cách để các phạm nhân chuộc tội. Nhưng nhiều quan chức Trung Quốc gần đây đã lên tiếng chống lại thói quen này, vì nó làm “hoen ố bộ mặt của Trung Quốc”.

Hoàng Khiết Phu, Vụ trưởng Vụ Cấy ghép Nội tạng, Bộ Y tế Trung Quốc hôm qua nói với hãng tin Reuters rằng rồi đây chính quyền sẽ thực thi quy luật chỉ sử dụng nội tạng của những người tình nguyện.

Ông tin rằng trong tương lai tất cả các bệnh viện Trung Quốc có giấy phép cấy ghép nội tạng sẽ từ bỏ cách sử dụng nội tạng của tù nhân.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, nếu không có một số lượng lớn nội tạng của tử tù hàng năm thì không hiểu nhu cầu cần cấy ghép tạng ở Trung Quốc, ngày một tăng, sẽ lấy từ đâu để bù đắp vào. Cuối năm ngoái khoảng 64% nội tạng được cấy ghép ở Trung Quốc là xuất phát từ tử tù. Con số này giảm xuống dưới 54% vào năm nay.

Trước ý kiến này, có người cho rằng nếu không khéo việc hủy bỏ lấy tạng của tử tù ở Trung Quốc lại mở ra một ngành tội phạm mới, bắt cóc người giết lấy nội tạng đem bán. Nên biết rằng chỉ thường những người giàu có ở Trung Quốc mới có tiền mua nội tạng ghép, do vậy giá của loại “hàng hóa” này có thể nói là quý hơn vàng.

 

Hàng năm, tại Trung Quốc, có khoảng 10.000 vụ ghép nội tạng, trong khi đó tại quốc gia này có tới một triệu rưỡi bệnh nhân cần được giải phẫu. Các con số trên do chính Tân Hoa Xã cung cấp.

Do số người thiện nguyện hiến nội tạng quá ít so với nhu cầu, cho nên các hoạt động mua bán nội tạng trái phép ở Trung Quốc phát triển mạnh. Các tử tù bị hành quyết là nguồn cung cấp chính. Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu nhìn nhận thực tế phũ phàng này, khi ông tuyên bố ''khoảng cách giữa cung và cầu lớn đến mức mà không ai có thể bài trừ được các hoạt động chợ đen'', bất chấp việc từ năm 2007, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm các hoạt động buôn bán nội tạng.

Nh.Thạch

Reuters, New York Daily News

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc