Trung Quốc quyết dồn Mỹ-Nhật vào chân tường (Kỳ III)

14:17 | 21/07/2014

5,635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13/7, tờ Tin tức Quốc phòng (Mỹ) đưa tin, Mỹ đã công bố kế hoạch đóng tàu mới nhất và chi tiết sửa đổi gồm vốn chế tạo tàu ngầm trong tương lai, cho nghỉ hưu và cải tạo hiện đại hóa nửa số tàu tuần dương. Theo đó, tăng 10 tàu chiến (284 tàu so với 274 tàu).

>> Trung Quốc quyết dồn Mỹ-Nhật vào chân tường (Kỳ II)

Kỳ III: Những hệ luỵ khôn lường

Trong thư gửi Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Walker nhấn mạnh, mặc dù Quốc hội đã đồng ý để tàu sân bay USS George Washington tiếp tục hoạt động trong năm tài khóa 2015, nhưng vì ngân sách eo hẹp nên nó phải nghỉ hưu sớm.

Cũng trong ngày 13/7, tờ Japan Times dẫn cảnh báo của Tướng Herbert Carlisle, Tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, căng thẳng tại châu Á-Thái Bình Dương đang leo thang và “sơ suất” đang ngày càng dễ xảy ra. Theo giới truyền thông, căng thẳng tại Biển Đông đang lôi kéo các nước liên quan vào một cuộc chạy đua vũ trang hao tiền tốn của và Brunei không phải ngoại lệ. Bộ trưởng Tài chính Brunei đã tăng ngân sách quốc phòng tài khóa 2014-2015 thêm 39% (719 triệu USD), trong đó dành tới 32% cho mua sắm trang thiết bị quân sự.

Tàu đổ bộ mới USS Green Bay của Mỹ

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không nên ảo tưởng vào việc Trung Quốc sẽ từ bỏ tham vọng và âm mưu độc chiếm khu vực này bởi Biển Đông vừa là vấn đề đối ngoại, vừa là vấn đề đối nội. Giới chuyên môn cho rằng, Bắc Kinh đang để ngư dân Trung Quốc tổ chức hệ thống "dân binh" lên thuyền, vũ trang cho từng tàu cá để "đối phó" với lực lượng chức năng của các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Theo ông La Viện, Thiếu tướng quân đội nghỉ hưu, Bắc Kinh nên hiện thực hóa các hành động để củng cố 6 sự hiện diện ở quần đảo tranh chấp, gồm sự hiện diện của chính quyền, sự tồn tại của hệ thống luật pháp, sự hiện diện quân sự, sự hiện diện của đội ngũ thực thi luật pháp, sự hiện diện kinh tế và sự hiện diện của ý kiến công chúng.

Dư luận quốc tế đã vạch trần âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh công bố tấm bản đồ mới, thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông. Tấm bản đồ dọc chính thức khổ lớn đầu tiên của Trung Quốc do Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam phát hành ngang nhiên thể hiện “đường lưỡi bò”, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là động thái nhằm đẩy mạnh hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời thể hiện rõ hơn các tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio gọi bản đồ có "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là "sự gian lận lịch sử khổng lồ". Ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines coi bản đồ dọc của Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS và không có một quốc gia trên thế giới nào công nhận “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh.

Ngày 1/7, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chỉ trích Nhật Bản về các vấn đề lịch sử trong giai đoạn Thế chiến II. Bởi theo bà Park Geun-hye, Tokyo đang cố coi nhẹ việc quân đội Nhật Bản ép buộc phụ nữ châu Á phục vụ như nô lệ tình dục trong thời chiến. Trước đó (23/6), Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Seoul tới để phản đối việc Tokyo xem xét lại “Tuyên bố Kono” về việc xin lỗi phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản trong Thế chiến II. Việc này diễn ra sau khi Hàn-Nhật tiến hành vòng đàm phán thứ hai (diễn ra tại Tokyo trong 2 ngày) về vấn đề binh lính Nhật Bản ép buộc phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II.

Khi phát biểu trên truyền hình (25/4), Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nêu rõ, Tokyo thấu hiểu nỗi đau của các nạn nhân, nhưng vấn đề này không nên được coi là một đề tài chính trị hay ngoại giao. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Barack Obama coi vấn đề "phụ nữ mua vui" là một sự vi phạm nhân quyền khủng khiếp. Trước đó, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara đã tới Seoul gặp Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang-deok và đây là lần đầu tiên Seoul và Tokyo đàm phán về vấn đề này.

Mỹ và một số nước Đông Nam Á chào đón sự thay đổi của Nhật Bản bởi việc này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh sau chiến tranh của Tokyo. Washington muốn Tokyo nới rộng quyền phòng vệ tập thể để san sẻ trách nhiệm tại khu vực này. Cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Mỹ Duncan Hunter từng nhận định, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đang ở trong trạng thái “thiếu sinh khí”, trừ phi áp dụng những biện pháp thiết thực và có hiệu quả, nếu không đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành “ông trùm châu Á-Thái Bình Dương”.

Dư luận trong và ngoài khu vực từng phản ứng sau khi Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố kế hoạch tăng cường quản lý tài nguyên biển. Bởi đây là một phần trong “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương 5 năm lần thứ 12”. Trong đó, Trung Quốc sẽ mở rộng thăm dò dầu khí và bình thường hóa các hoạt động tuần tra trên Biển Đông, đồng thời bảo vệ quyền lợi trên biển bằng nhiều hình thức, nghiên cứu sâu các đối sách, tăng cường khống chế thật sự đối với các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tờ Thời báo Hoàn cầu từng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận các phán quyết của bất cứ tòa án quốc tế nào về vấn đề chủ quyền ở các đảo trên Biển Đông. Đây được coi là hành động ngạo mạn của Trung Quốc.

Tạp chí Asia Sentinel vừa đăng bài chỉ trích các động thái ngoại giao của quan chức Trung Quốc tại các hội nghị quốc tế và trên truyền thông là thô lỗ và thiếu văn minh. Tạp chí Defense Review Asia từng dẫn lời Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn của Công ty phân tích hải quân AMI International (Mỹ) Bob Nugent dự đoán, trong 20 năm tới các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ chi 200 tỉ USD để mua hơn 1.000 tàu chiến, tàu hộ vệ, khu trục hạm, tàu có khả năng chở trực thăng, tàu tuần tra… Điều này đồng nghĩa với một cuộc đua vũ trang trên biển khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương “nóng” lên từng ngày.

Tân Hồng - Tiên Du